Theo quy định về sản phẩm không gây mất rừng (EUDR) do Ủy ban châu Âu ban hành, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su sang thị trường EU cần cung cấp các bằng chứng cho thấy diện tích đất canh tác không thuộc diện phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Nhằm đảm bảo sự tuân thủ theo quy định này, Viện Công nghệ Tiên tiến và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đề xuất phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai tổ chức buổi làm việc để xác định phương thức thực hiện và bộ hồ sơ cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp có thể xin xác nhận vị trí khu đất của mình không thuộc diện phá rừng theo thời điểm nêu trên.
Ngày 16/4/2025, tại trụ sở Sở Nông nghiệp Môi trường Gia Lai, các bên đã cùng tham dự cuộc họp nhằm trao đổi về 03 nội dung: (i) thiết lập quy trình và phương pháp xác nhận diện tích đất trồng cao su không thuộc diện phá rừng kể từ 31/12/2020; (ii) hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị để xin xác nhận diện tích đất không phá rừng theo yêu cầu của EUDR; (iii) cơ chế cấp giấy xác nhận.
Đại diện PanNature chia sẻ nội dung về Quy định của Liên minh châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) và vai trò của việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Có 7 nhóm ngành hàng bị ảnh hưởng chính tại Việt Nam gồm cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, ca cao, đỗ tương, dầu cọ, chăn nuôi. Trong đó, tổng diện tích cao su trong nước là 918.000 ha, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt tới 10,2 tỷ USD.
Trước đó, PanNature cũng hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Dakruco (Đắk Lắk) và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông (Gia Lai) đáp ứng EUDR.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
