Tuần này, các quốc gia sẽ tập trung tại Rome để tìm kiếm giải pháp huy động 200 tỷ USD mỗi năm nhằm bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Những động thái cắt giảm tài trợ phát triển của Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 đã gây áp lực lên các cuộc thảo luận và các bên tham dự, dù Mỹ không phải là bên ký kết chính thức của sáng kiến này.
Sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Kunming-Montreal năm 2022, nhằm chấm dứt tình trạng suy thoái thiên nhiên vào năm 2030, các quốc gia đã họp tại thành phố Cali, Colombia, vào tháng 10/2024 để thảo luận về cách thức huy động tài chính.

Mặc dù đã nhất trí thành lập Quỹ Cali, quỹ thu phí từ các doanh nghiệp hưởng lợi từ dữ liệu di truyền trong tự nhiên, các nhà đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận về nguồn đóng góp khác cũng như cơ chế quản lý quỹ này.
Thách thức lớn nhất là thuyết phục các quốc gia giàu ở châu Âu và các khu vực khác đóng góp hỗ trợ các nước nghèo hơn, khi khả năng tài trợ và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp đang suy giảm do khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu.
Tại hội nghị Cali, cam kết tài chính mới chỉ đạt 163 triệu USD, con số quá nhỏ so với mục tiêu 30 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này.
Dù không kỳ vọng sẽ có những cam kết tài chính công lớn tại Rome, các quốc gia mong muốn có thêm sự minh bạch về nguồn đóng góp cho quỹ bảo vệ thiên nhiên.
Tuy nhiên, nguy cơ hội nghị đàm phán tại Rome từ ngày 25-27/2 thất bại vẫn cao, có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Brazil trong việc lồng ghép vấn đề bảo vệ thiên nhiên vào các sáng kiến toàn cầu về biến đổi khí hậu, khi nước này chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại thành phố Belem vào tháng 11 tới.
Dù Mỹ không phải là thành viên của Công ước Đa dạng Sinh học Liên Hợp Quốc, những thay đổi chính sách gần đây của Mỹ có thể khiến các quốc gia khác e ngại trong việc cam kết tài trợ và thúc đẩy các chính sách thân thiện với môi trường.
Các quốc gia nghèo cho rằng các quốc gia và doanh nghiệp tại phương Bắc, khu vực gây tổn hại đến đa dạng sinh học nhất, phải đóng góp phần lớn tài chính.
Trong khi đó, các nước giàu, bao gồm cả châu Âu, muốn các quốc gia có nền kinh tế trung bình đang phát triển, như các quốc gia vùng Vịnh và các quỹ đầu tư quốc gia, đóng góp nhiều hơn.
Trước sự do dự trong việc cung cấp viện trợ không hoàn lại, áp lực đang gia tăng để tìm kiếm các nguồn tài chính khác, như các khoản vay từ ngân hàng, nguồn lực trong nước và khu vực tư nhân.
Đồng thời, các quốc gia cũng sẽ thảo luận về cách chuyển hướng 500 tỷ USD mỗi năm, dùng để trợ cấp các dự án gây hại cho thiên nhiên, sang các hoạt động thân thiện với môi trường.
Một vấn đề quan trọng khác là xác định nơi tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính huy động được. Trong khi châu Âu ủng hộ việc giao quyền quản lý cho Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhiều nước như Cộng hòa Dân chủ Congo, Brazil và một số quốc gia khác lại đề xuất thành lập một hệ thống mới nhằm đảm bảo tiếng nói của họ trong việc quản lý quỹ.