Dựa trên đánh giá hơn 23.000 loài động vật nước ngọt, nghiên cứu cho thấy khoảng 24% các loài này có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó nhóm giáp xác 10 chân (như tôm, cua) bị ảnh hưởng nặng nhất.
Có tới 25% các loài động vật nước ngọt, từ cá, côn trùng đến giáp xác, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao do những mối đe dọa nghiêm trọng như ô nhiễm nguồn nước, xây đập thủy điện và hoạt động nông nghiệp.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong nghiên cứu mới công bố ngày 8/1 trên tạp chí khoa học Nature.
Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích bề mặt Trái Đất, nhưng hệ sinh thái nước ngọt – bao gồm sông ngòi, hồ, tầng ngậm nước và đầm lầy, là nơi cư ngụ của hơn 10% số loài được biết đến, trong đó có 1/2 số loài cá và 1/3 các loài động vật có xương sống.
Sự đa dạng này không chỉ cung cấp sinh kế cho hàng tỷ người mà còn đóng vai trò như “lá chắn xanh” tự nhiên, giúp giảm thiểu tác động của Biến đổi Khí hậu. Tuy nhiên, những lá chắn này đang bị phá hủy nhanh chóng bởi các hoạt động của chính con người.
Dựa trên đánh giá hơn 23.000 loài động vật nước ngọt, nghiên cứu cho thấy khoảng 24% các loài này có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, nhóm giáp xác 10 chân (như tôm, cua, tôm càng) bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 30% các loài động vật thuộc nhóm này đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, tiếp theo là 26% số loài cá, 23% số loài động vật bốn chân (như ếch, bò sát) và 16% số loài chuồn chuồn.
Kể từ năm 1500, đã có 89 loài động vật nước ngọt bị tuyệt chủng và 178 loài khác được cho là đã biến mất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều do thiếu hiểu biết về một số loài.
Từ năm 1970 đến 2015, 35% diện tích các vùng đất ngập nước như đầm lầy và hồ đã biến mất, tốc độ nhanh gấp 3 lần so với rừng. Khoảng 1/3 các con sông dài hơn 1.000 km không còn chảy tự do trên toàn bộ chiều dài.
Các tác nhân chính gây ra sự suy thoái này bao gồm ô nhiễm, hoạt động xây dựng đập, khai thác nước, thay đổi mục đích sử dụng đất, sự xâm lấn của các loài ngoại lai, Biến đổi Khí hậu và thời tiết cực đoan.
Dù đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu, nhưng nước ngọt vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức so với hệ sinh thái trên cạn và biển.
Các nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để bảo vệ và phục hồi những nguồn tài nguyên quý giá này.