Đáp tiếng gọi của thiên nhiên

Sức bền của chương trình cùng sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp cho thấy bước đi đúng đắn của Galaxy khi thực hiện sứ mệnh bảo vệ thiên nhiên Việt Nam.

Trong gần 10 năm qua, đã có nhiều thay đổi trên mặt báo của Nhịp Cầu Đầu Tư (NCĐT). Chuyên mục thay đổi, kỳ phát hành đổi, giấy cũng đổi. Nhà quảng cáo đến rồi đi. Tuy vậy, chỉ có 2 trang quảng cáo vẫn giữ nguyên trong suốt quãng đường nhiều biến động ấy, những trang có in hình ảnh loài voọc, cùng thông điệp “Bảo tồn voọc quý hiếm Việt Nam – di sản thế giới”.

Điều tích cực là những người điều hành Conservation Vietnam đều là các bạn trẻ, thậm chí là Gen Z, đầy tài năng và nhiệt huyết.

Lời kêu cứu của thiên nhiên

Đây là một chương trình mà Tập đoàn Galaxy phối hợp cùng các doanh nghiệp, đối tác truyền thông của mình bền bỉ thực hiện suốt gần 10 năm qua. Sức bền của chương trình cùng sự đồng hành của ngày càng nhiều doanh nghiệp cho thấy bước đi đúng đắn của Galaxy khi gắn mình với sứ mệnh bảo vệ thiên nhiên của Việt Nam.

Trong vài thập niên trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng chục triệu người. Nhưng đáng buồn là phát triển kinh tế cũng kéo theo sự đi xuống của môi trường sống, tình trạng tàn phá cảnh quan thiên nhiên và các đợt thiên tai ngày càng gây nhiều thiệt hại hơn.
Việt Nam là quê hương của một kho tàng đa dạng sinh học với ước tính có khoảng 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn, hơn 7.700 loài côn trùng và nhiều loài động vật không xương sống.

Trong số những loài chịu thiệt hại nặng nề từ tình trạng xuống cấp môi trường ở Việt Nam, vị trí dẫn đầu lại thuộc về các loài linh trưởng (khỉ, vượn, voọc, chà vá…), họ hàng gần gũi nhất của con người trong thế giới động vật. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 12 quốc gia có độ đa dạng linh trưởng cao nhất thế giới. Cũng đáng buồn thay là Việt Nam hiện nằm trong Top 3 nước có nhiều loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng nhất thế giới, bên cạnh Indonesia và Madagascar. Chưa kể, nằm ở ngã ba của tam giác Đông Dương, vị trí địa lý và những quan niệm dân gian có phần sai lệch đã khiến quốc gia hình chữ S là một điểm nóng của việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.

Chuyên gia bảo tồn người Anh Jonathan Charles Eames, vốn đã có rất nhiều năm gắn bó với Việt Nam, cho biết: “Việt Nam có tổng cộng 24 loài linh trưởng, trong đó có tới 21 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. 4 loài trong số đó cũng là loài đặc hữu (chỉ sinh sống tại Việt Nam), vì thế người Việt có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo tồn các loài này”.

Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đánh giá tỉ lệ và tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay cao gấp 100-1.000 lần so với tỉ lệ trong tự nhiên trước đây. Nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên trái đất, lần tuyệt chủng đầu tiên mà con người là tác nhân chính. Điều này đòi hỏi các hoạt động bảo tồn cần phải nỗ lực gấp nhiều lần!

Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế (Fauna & Flora International – FFI) cho rằng vấn đề tiên quyết để cứu các loài thú quý hiếm khỏi nạn tuyệt chủng nằm ở việc đảm bảo nơi sinh sống của chúng không bị hủy hoại. Vì vậy, bảo tồn môi sinh của các loài động vật phụ thuộc rất lớn vào bài toán nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Hành động của doanh nghiệp

Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết quần thể các loài hoang dã thuộc lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970. Năm 2010, con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã biến mất. Hiện thực nhức nhối này đã thôi thúc Galaxy bắt tay vào việc bảo tồn.

Có thể nói voọc là vedette đầu tiên của chiến dịch bảo tồn loài linh trưởng bền bỉ kéo dài trong 8 năm qua của Galaxy. Vào năm 2016, Tạp chí NCĐT đã đứng ra làm cầu nối kết nối doanh nghiệp với tổ chức FFI để thực hiện dự án “Bảo tồn linh trưởng Việt Nam”, với mục tiêu bảo tồn giống linh trưởng quý hiếm thế giới tại Việt Nam đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Galaxy nối dài danh mục đối tác bằng việc phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), tổ chức nổi tiếng với những nỗ lực bảo tồn một loài voọc quý hiếm tại quê hương của họ, voọc Ngũ Sắc (còn có tên là Chà Vá Chân Nâu) tại Đà Nẵng. Sau này, họ mở rộng phạm vi bảo vệ ra toàn bộ hệ sinh thái, bắt nguồn từ suy nghĩ bất kỳ loài động vật nào cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Do đó, bảo tồn đa dạng sinh học chính là bảo tồn muôn loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Đã là năm thứ 7 Galaxy đồng hành cùng GreenViet. “Sự tham gia trực tiếp của Galaxy đã tiếp sức cho cộng đồng địa phương, giúp họ cảm nhận được sự chia sẻ và chung tay của doanh nghiệp trong nỗ lực bảo tồn”, Tiến sĩ Hà Thăng Long, đồng sáng lập kiêm Giám đốc của GreenViet, nhận xét.

Năm 2016, FFI phát hiện và xác nhận có ít nhất 500 con voọc Chà Vá Chân Xám tại Việt Nam. Lúc đó, tổng lượng cá thể voọc Chà Vá Chân Xám trên toàn cầu được ghi nhận chỉ khoảng 800-1.000 con. Vì vậy, phát hiện này được Tiến sĩ Ben Rawson, Giám đốc FFI Việt Nam khi ấy, ví như việc tìm thấy một đất nước mới với dân số hơn 1 tỉ người.

Ông Josh Kempinski, từng giữ các vị trí cấp cao tại FFI Việt Nam trong 13 năm (2006-2022), hiện là cố vấn tại Wildlife & Natural Heritage, cho biết: “Càng lúc chúng ta càng nhận ra rằng môi trường tự nhiên mang đến cho chúng ta rất nhiều thứ có giá trị, bảo đảm cho con người khả năng phát triển kinh tế. Nếu không bảo vệ được những yếu tố đó, cái giá phải trả sẽ rất lớn”.

Hân hoan trước phát hiện trên, một buổi tọa đàm để công bố phát hiện đã được Tạp chí NCĐT tổ chức. “Khám phá của FFI là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nỗ lực của chúng ta đang mang lại những kết quả thiết thực và minh chứng rằng cộng đồng doanh nghiệp có thể tích cực bảo tồn tính đa dạng sinh thái thông qua các mối quan hệ hợp tác chiến lược”, một lãnh đạo của Galaxy nhận xét.

Không chỉ là “mảnh đất” 2 trang trên NCĐT, Galaxy còn tích cực giới thiệu những hoạt động bảo tồn đến với cộng đồng doanh nhân, bằng việc tài trợ thực hiện và xuất bản cuốn sách ảnh Bảo Vệ Linh Trưởng Việt Nam – Bên Bờ Vực Thẳm, hay việc mời lên sân khấu đại diện các tổ chức bảo tồn giữa buổi dạ tiệc toàn là những CEO hàng đầu của Việt Nam.

Các nỗ lực của Galaxy đã nhận được sự ủng hộ và thấu hiểu của những nhà lãnh đạo từ nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Ngân hàng ACB, Công ty Cơ Điện Lạnh (REE), Thiên Minh Group, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Ngân hàng HSBC Việt Nam…

Tham gia tài trợ cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên cũng mở ra mạch thông tin xuyên suốt giữa giới doanh nhân và các nhà khoa học. Ông Trần Hùng Huy, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết: “Tôi tham gia hoạt động bảo tồn vì lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của một người Việt và hơn nữa là nghĩ rộng hơn về môi trường sống cho các thế hệ sau. Về mặt cá nhân, tôi cũng muốn được làm một điều gì đó để con cái cảm thấy tự hào về cha mẹ chúng là những người có ý thức bảo vệ môi trường sống cho con cháu mai sau”. Ông cũng nhận xét: “Hằng quý, tôi đều nhận được thông tin qua email và mỗi năm đều có các cuộc họp trao đổi tình hình. Ngoài ra, năm nào cũng có vài chuyến đi thực địa”.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty REE, cũng cho biết: “Việc nhận thông tin là rất dễ dàng, khi nào tôi yêu cầu thông tin, các chuyên gia đều cung cấp đầy đủ”.

Hành động bảo tồn của Galaxy không chỉ giới hạn tại Galaxy Media, mà còn trong toàn bộ hệ sinh thái của Tập đoàn. “Galaxy Studio hỗ trợ chúng tôi thực hiện các workshop, Galaxy Media giúp thiết kế website và logo, còn Galaxy Education giúp truyền tải thông điệp bảo vệ hệ sinh thái lên nền tảng dạy học trực tuyến của họ”, Tiến sĩ Hà Thăng Long, người đồng thời hoạt động tại Conservation Vietnam (Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam), nói về những đóng góp của Galaxy.

Người trẻ và khoản đầu tư cho tương lai

Gần đây, hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã của Galaxy gắn với Conservation Vietnam, một quỹ được thành lập để tài trợ cho hoạt động bảo vệ hệ sinh thái của tổ chức phi lợi nhuận trong nước. Dự án này được ví như “nắng hạn gặp mưa rào” khi nhiều dự án bị hạn chế tiếp cận nguồn ngân sách nước ngoài.

Dù mới được thành lập nhưng Conservation Vietnam đã có các hoạt động dày đặc trong nỗ lực bảo tồn và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, động thực vật hoang dã tới cộng đồng trong và ngoài nước. “Với Conservation Vietnam, việc xem xét yếu tố đa dạng và hòa nhập đóng vai trò thiết yếu như một trong những tiêu chí hàng đầu trong việc thực hiện sứ mệnh bảo tồn động thực vật hoang dã cùng những giải pháp sáng tạo có ảnh hưởng tích cực”, bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai, Phó Giám đốc Conservation Vietnam, cho biết.

Sự kiện ra mắt sách Bảo Vệ Linh Trưởng Việt Nam – Bên Bờ Vực Thẳm 2016.

Đến nay, quỹ bảo tồn này đã huy động được một nguồn vốn tài chính từ các nhà tài trợ hiện hữu với cam kết lên đến 3 triệu USD tương đương với 75 tỉ đồng để chi cho các hoạt động tài trợ trong thời gian là 36 tháng cho mỗi dự án thuộc Kế hoạch chi tài trợ theo định hướng chiến lược 2023-2025 của Conservation Vietnam.

Quỹ đã có những dự án cụ thể để đồng hành như Bảo tồn loài gà lôi lam mào trắng Lophura Edwardsi cực kỳ nguy cấp; Bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển và các loài nguy cấp của bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; Tăng cường thực thi pháp luật nhằm bảo vệ các loài tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Việt Nam; Bảo vệ rừng vùng thấp tại Đồng Nai thành nơi cư trú cho các loài bị đe dọa toàn cầu…

Điều tích cực là những người điều hành Conservation Vietnam đều là các bạn trẻ, thậm chí là Gen Z, đầy tài năng và nhiệt huyết. Với thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, hiểu biết về pháp luật Việt Nam, bà Xuân Mai tự tin có thể đưa đội ngũ của Conservation Vietnam hướng đến sự phát triển bền vững trong chính tổ chức và thực hiện nhiệm vụ chi tài trợ, giúp các tổ chức được nhận tài trợ từ quỹ này có thể thực hiện các hoạt động bảo tồn cấp bách được đề xuất trong thời gian từ 3-5 năm, thậm chí đồng hành lâu dài hơn.

Điều đó gửi đi thông điệp cho thấy nhận thức bảo tồn thiên nhiên của người Việt Nam đã thay đổi và nâng cao đáng kể, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Mọi người đã ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt sự cần thiết phải bảo tồn các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.

“Nếu được bảo tồn đúng cách, thiên nhiên cũng như các loài động vật hoang dã hoàn toàn có thể mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế – xã hội lâu dài cho người Việt. Những lợi ích này gắn liền với hoạt động phát triển du lịch địa phương, tạo sinh kế cho người dân…”, bà Xuân Mai nói.