Các nhà khoa học chỉ ra rằng cơn bão Helene tại Mỹ, cháy rừng ở Amazon, những trận mưa trái mùa cực lớn ở Nam Á và các thảm họa thiên nhiên khác trong năm 2024 đều gây ra nhiều thiệt hại thảm khốc hơn do biến đổi khí hậu.
Những cơn bão lớn hơn và tàn phá hơn
Các nhà khoa học khí hậu đã chạy hàng nghìn mô phỏng trong các mô hình khí hậu, một số bao gồm và một số không bao gồm tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra trong khí quyển. Họ cũng đã kiểm tra dữ liệu thời tiết trong quá khứ và hiện tại để xem khả năng xảy ra các loại sự kiện này đã thay đổi như thế nào trong một thế giới nóng hơn. Cách tiếp cận này, được gọi là khoa học quy kết, cho phép các nhà khoa học kết luận rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra khiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây trở nên tàn khốc hơn trước rất nhiều.
Có thể lấy hai cơn bão lớn xảy ra tại Bắc Mỹ năm nay, Helene và Milton, làm ví dụ. Bão Milton, hình thành ở Vịnh Mexico vào đầu tháng 10, là một điển hình về cách biến đổi khí hậu khuếch đại thời tiết khắc nghiệt. Do nhiệt độ nước cao, cơn bão nhanh chóng chuyển từ bão nhiệt đới lên đến cấp 5 (cấp cao nhất trong thang bão của Mỹ). Helene đổ bộ vào đất liền vào ngày 26 tháng 9 năm 2024, gần Perry (bang Florida, Mỹ) với sức gió 220 km/h, khiến 247 người thiệt mạng và trở thành cơn bão gây ra nhiều cái chết thứ tư ở Mỹ kể từ năm 1963.
Một nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution sau đó đã công bố một phân tích về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến bão Helene. Họ chỉ ra rằng ngày nay, những cơn bão mạnh như Helene có xác suất xảy ra cao hơn khoảng 2,5 lần so với trước đây. Chúng xảy ra trung bình cứ 130 năm một lần trong điều kiện khí hậu tiền công nghiệp nhưng hiện chỉ còn 1/53 khả năng xảy ra trong bất kỳ năm nào. Một nhóm nhà khoa học tại Climate Central thì ước tính, nhiệt độ bề mặt biển ấm bất thường (dẫn tới hình thành bão Helene) cũng có xác suất xảy ra cao hơn từ 400 đến 800 lần do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu làm tăng lượng mưa của bão Helene khoảng 10%, gây ra trận lũ lụt thảm khốc tại Appalachians – một thảm họa vốn có xác suất xảy ra 1 lần trong 115 năm nay đã chuyển thành 1 lần trong 70 năm. Nhưng không chỉ có bão. Mưa cũng lớn hơn và để lại hậu quả nặng nề hơn. Vào tháng 9 và tháng 10, những trận mưa lớn ngoài sức tưởng tượng đã tấn công nhiều vùng ở châu Âu, bao gồm cả Tây Ban Nha – nơi lũ quét giết chết hơn 200 người và nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà trong bùn đất. Ở phía Bắc Kerala, Ấn Độ, một trận mưa gió mùa cực lớn vào ngày 30 tháng 7 cũng gây ra lở đất lớn khiến hàng trăm người thiệt mạng.
World Weather Attribution ước tính những sự kiện kể trên có xác suất xảy ra cao gấp đôi và dữ dội hơn 7% so với thời kỳ tiền công nghiệp. “Các cơn bão sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và sau đó làm nóng hành tinh”, Giáo sư Friederike Otto, người đứng đầu World Weather Attribution và là giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London (Anh) nhấn mạnh.
Thời tiết nóng hơn và hạn hán rộng hơn
Theo dữ liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thì ngày 22 tháng 7 năm 2024 là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh, với nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,16°C. Cần nhắc lại, đó là nhiệt độ trung bình toàn cầu, bao gồm dữ liệu từ những nơi nóng kỷ lục đến những vùng đất lạnh giá dưới 0°C như Siberia, Bắc Cực và Nam Cực.
Theo phân tích của Climate Central, gần một nửa số người trên Trái Đất vào ngày đó đã trải qua nhiệt độ nguy hiểm, một thực tế đã xảy ra với xác suất cao hơn 3 lần do biến đổi khí hậu. Climate Central cũng ước tính từ tháng 6 đến tháng 8, hơn 2 tỷ người – hoặc 1/4 dân số toàn cầu – đã phải đối mặt với ít nhất 30 ngày nhiệt độ nóng nguy hiểm, và điều này cũng xảy ra với xác suất cao hơn 3 lần do biến đổi khí hậu.
“Nền văn minh của chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với khí hậu nóng như hiện tại. Điều này đẩy khả năng ứng phó của chúng ta với các sự kiện cực đoan – và thích nghi với một thế giới ấm hơn – đến giới hạn tuyệt đối”. (Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan theo dõi khí hậu châu Âu Copernicus) |
Trên toàn cầu, kỷ lục về nhiệt độ cũng bị phá vỡ ở nhiều nơi. Nhật Bản đã ghi nhận mùa hè nóng nhất từ trước đến nay với hàng nghìn sự kiện “nóng cực độ”. Một số khu vực của Trung Quốc cũng ghi nhận thời tiết nóng kỷ lục vào tháng 8, trong khi kỷ lục của Úc về ngày nóng nhất trong tháng 8 đã bị phá vỡ với nhiệt độ 41,6°C được mô tả là “kinh ngạc” trong mùa đông của quốc gia này.
Ở những vùng khô hạn trên hành tinh, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và cháy rừng vì nhiệt độ cao làm tăng quá trình bốc hơi, làm khô đất và thảm thực vật. Điều này có thể kiểm chứng tại rừng mưa Amazon, nơi mà số ngày cực kỳ khô và nóng dễ gây cháy rừng đã gia tăng gấp ba lần so với thời tiền công nghiệp. Và đến năm 2050, những tình trạng này có thể khiến 10% đến 47% rừng Amazon chịu đủ áp lực để kích hoạt điểm giới hạn, sụp đổ và khiến rừng trở thành thảo nguyên cỏ với một ít cây bụi còn sót lại.
Năm 2024, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 13 triệu hecta rừng mưa nhiệt đới ở Brazil, giải phóng khoảng 150 triệu tấn carbon dioxide (CO2), tương đương 1/3 lượng ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch hàng năm của Brazil. World Weather Attribution ước tính, biến đổi khí hậu đã làm tăng khả năng xảy ra hạn hán ở Amazon lên gấp 10 đến 30 lần. Do đó, các trận cháy rừng ở đây cũng gây thiệt hại nhiều hơn khoảng 40%.
Trong một phân tích khác, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát hiện nồng độ các chất ô nhiễm làm nóng hành tinh và gây tắc nghẽn bầu khí quyển đã đạt mức kỷ lục. Theo đó, carbon dioxide đang tích tụ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người, với nồng độ tăng hơn 10% chỉ trong hai thập kỷ, làm nóng hành tinh và khiến thời tiết khắc nghiệt trở nên dữ dội hơn.
Tất cả những hiện tượng cực đoan đó, từ bão lớn hơn tới nhiệt độ nóng hơn và không khí ô nhiễm hơn, đều có thể sẽ cực đoan hơn nữa trong năm 2025 và đẩy nhiều người, nhiều hệ sinh thái tới bờ vực sống còn nếu các quốc gia không nghiêm túc thực hiện mục tiêu khí hậu như đã cùng cam kết trong Thỏa thuận Paris.
Những thảm họa thiên tai thảm khốc nhất năm 2024
Lũ lụt ở Afghanistan và Pakistan
Bão Yagi
Lở đất ở Ấn Độ
Bão Helene
Lũ lụt ở Tây Ban Nha
Lũ lụt ở Brazil, Uruguay
Bão Trà Mi
Lở đất ở Papua New Guinea
Bão Remal (Bangladesh)
Bão Beryl (Caribe, Mỹ, Mexico)