ĐBSCL: Không có độ trễ giữa hạn khí tượng và hạn thủy văn trong 12 tháng

Nếu rơi vào cảnh hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm thì người dân ĐBSCL sẽ phải đối diện với nguy cơ hạn thủy văn ngay lập tức, bất chấp việc đồng bằng này có cả một hệ thống sông dày đặc, theo một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Natural Hazards.

Là sông dài thứ 12 thế giới, sông Cửu Long đóng vai trò huyết mạch sống còn với hàng triệu người ở Đông Nam Á. Ở hạ nguồn, nó tạo ra ĐBSCL, đồng bằng lớn thứ ba thế giới với 21 triệu dân và tạo ra nguồn lúa gạo, hoa trái quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL ngày càng chịu nhiều sức ép lớn, không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà còn nhu cầu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Sau nhiều năm, việc xây dựng các đập thủy điện thượng nguồn, sự mở rộng các hệ thống thủy lợi, khai thác nước ngầm không theo quy hoạch… cũng đã tác động đến các nguồn nước ngọt, dẫn đến hệ quả đồng bằng này dễ bị xâm nhập mặn vào mùa khô và hạn hán. Hơn 40% diện tích ĐBSCL bị xâm nhập mặn vào mùa khô.

Vì vậy, việc hiểu về hạn hán và cơ chế tác động của nó là một phần trong chiến lược thích ứng của chính quyền và người dân ĐBSCL, thay vì chỉ phụ thuộc vào sự điều tiết của các đập thượng nguồn. Đây là lý do PGS. TS Huỳnh Vương Thu Minh (ĐH Cần Thơ) đã cùng các đồng nghiệp ở ĐH Cần Thơ và Viện Các chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản thực hiện nghiên cứu để tìm hiểu mối quan hệ giữa hạn khí tượng và hạn thủy văn để hỗ trợ việc phát hiện sớm hạn hán.

Đợt hạn hán năm 2021 ở ĐBSCL. Ảnh: TTXVN

Nghiên cứu này tập trung vào Bến Tre, một tỉnh duyên hải 1,3 triệu dân thường phải chịu những mất mát về kinh tế đáng kể do hạn hán và xâm nhập mặn, và sử dụng dữ liệu từ năm 1992 đến năm 2021 để tìm hiểu về mối tương quan giữa các chỉ số hạn hán của dòng chảy (SDIs) tại các trạm khí tượng chính trên sông Cửu Long và Ba Sặc và các chỉ số lượng mưa tiêu chuẩn (SPI), chỉ số hạn hán thăm dò (RDI) tại 8 trạm khí tượng thủy văn ở Bến Tre.

Để hiểu về hạn hán, chúng ta có thể biết sự kiện thời tiết cực đoan này có bốn cấp độ, 1) hạn khí tượng, 2) hạn nông nghiệp, 3) hạn thủy văn, 4) hạn kinh tế xã hội. Mối quan hệ giữa hạn khí tượng và hạn thủy văn rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân.

Việc phân tích các mô hình tính toán cho thấy, không có thời gian trễ giữa hạn khí tượng và hạn thủy văn, và một hệ số tương quan mạnh giữa các sự kiện hạn thủy văn và hạn khí tượng ở quy mô thời gian dài (trong 12 tháng). Điều này diễn ra ở mọi điểm hạ nguồn.

Sự biến thiên về lưu lượng nước trên sông và lượng mưa trong khắp 12 tháng nhỏ hơn sự biến thiên ở quy mô 9 tháng, 6 tháng và 3 tháng. Do đó, ở các quy mô thời gian nhỏ hơn, ở cấp độ trung bình và ngắn hơn như 9 tháng, 6 tháng, 3 tháng thì các sự kiện hạn hán khí tượng thủy văn có độ trễ từ 5 đến 6 tháng, 6 tháng và 3 đến 4 tháng, sau khi xảy ra các sự kiện hạn khí tượng. Các kết quả cho thấy hệ số tương quan trung bình giữa các chỉ số thủy văn được tính toán và chỉ số lượng mưa tiêu chuẩn, các quy mô thời gian 9 đến 3 tháng chỉ ở mức trung bình đến yếu.

Những phát hiện này đem lại những gợi ý giá trị về quản lý tình trạng hạn hán trong vùng. Thứ nhất, cần có sự tăng cường giám sát năng lực quản lý nước trong phạm vi nghiên cứu. Thứ hai, việc hướng đến những sự chuẩn bị ở đa lĩnh vực, tăng cường việc cảnh báo sớm và dự đoán các sự kiện hạn thủy văn là điều tối cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra. Cần có nhiều thông tin để tránh những mất mát kinh tế xã hội cũng như điều chỉnh việc quản lý nguồn nước, bao gồm việc vận hành các hồ chứa, lưu giữ nước ngọt và hệ thống cống để giảm thiểu xâm nhập mặn.

Các kết quả nghiên cứu chỉ dấu hạn khí tượng không tương quan đầy đủ với hạn thủy văn do các đặc điểm địa vật lý của đồng bằng, đặc trưng của đất, tình hình sử dụng đất và mối tương quan giữa các sông và nước ngầm… có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ này cũng như độ khốc liệt của hạn thủy văn ở ĐBSCL. Do tác động của hạn hán với sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực nên cần những chỉ số hạn hán đúng cho đánh giá các điều kiện hạn hán để hỗ trợ việc lập kế hoạch theo các khung thời gian khác nhau nhằm tăng cường thích ứng hạn hán và giảm thiểu tác động kinh tế, môi trường.

Kết quả được nêu đầy đủ trong bài báo “Deciphering the relationship between meteorological and hydrological drought in Ben Tre province, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Natural Hazards.

Bài đăng Tia Sáng số 24/2024