Những cánh rừng phòng hộ tại huyện Lâm Bình đang chết mòn bởi tình trạng ken cây, một hình thức phá rừng rất tinh vi.
Phá rừng tinh vi
Giữa tháng 12.2024, với sự dẫn đường của người dân bản địa, sau gần 2 tiếng đi bộ đường rừng, PV mới có thể tiếp cận được khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thôn Bản Phủng, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).
Khu vực này bị phản ánh nhiều năm qua diễn ra tình trạng ken cây (thuật ngữ chỉ việc cây bị cắt hết vỏ để chết từ từ, một hình thức phá rừng rất tinh vi).
Tại hiện trường, hàng loạt cây rừng với kích thước, tuổi đời khác nhau đã bị ken hết phần vỏ. Nhiều cây có đường kính cả vòng tay người ôm đã chết khô, một số cây khác thì không thể phát triển, lá vàng úa.Vị trí vỏ cây bị đẽo bỏ thường cách gốc gần 1m, toàn bộ phần vỏ được đẽo sạch, mục đích là khiến cây rừng không thể trao đổi dinh dưỡng và chết từ từ.
Trực tiếp đưa PV đến khu vực rừng phòng hộ thôn Bản Phủng đang bị phá hoại, ông Chúc Văn Lý (xã Khuôn Hà) cho biết, tình trạng ken cây đã diễn ra gần 5 năm nay.
“Đây đều là rừng phòng hộ, toàn người trong xã phá, chưa bắt hoặc xử lý được ai cả. Một người làm được sẽ có nhiều người làm theo, cứ thế này thì chẳng mấy chốc không còn rừng nữa” – ông Lý lo lắng.
Một khu vực khác, rừng phòng hộ thôn Nà Chang chỉ cách UBND Khuôn Hà chưa tới 5km nhưng tình trạng ken cây diễn ra táo bạo hơn. Không chỉ với số lượng lớn, những dấu tích của việc phá hoại rừng còn rất mới.
Tại đây không có cảnh chặt phá tan hoang, không có tiếng cưa máy gầm rú, nhưng cách ken cây âm thầm lại đang khiến rừng phòng hộ chết mòn. Cũng giống các khu vực khác mà PV đã tiếp cận, hàng trăm cây rừng đã bị ken sạch vỏ.
Bà Chẩu Thị Chi (thôn Nà Chang) thường xuyên đi rừng hái lá thuốc cho biết, thời điểm việc ken cây diễn ra nhiều nhất khoảng từ năm 2019 đến 2021. Gần đây đã ít hơn nhưng vẫn còn.
“Dân bản biết rõ tình trạng này nhưng không dám nói vì lo ngại bị trả thù. Nhiều người trong thôn được thuê đi ken cây với thù lao 240.000 đồng/ngày”, bà Chi có phần lo sợ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Anh Trung – Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà xác nhận, có tình trạng ken cây trong rừng phòng hộ trên địa bàn.
“Sự việc được xác định đã diễn ra từ vài năm trước, gần đây, chính quyền địa phương không phát hiện tình trạng này” – ông Trung khẳng định.
Khi được PV cung cấp những hình ảnh rất mới về tình trạng ken cây tại khu rừng phòng hộ thôn Nà Chang, ông Trung lại cho rằng: “Có thể đây là do người dân vào lấy vỏ cây rừng làm thuốc, tuy nhiên tiếp thu phản ánh, chúng tôi sẽ cho các lực lượng vào kiểm tra, xác minh”.
Cây công nghiệp ồ ạt xâm lấn
Tuổi đời của những cây quế có mối liên hệ với dấu vết của việc phá hoại rừng. Vết cắt cũ hoặc cây rừng đã chết khô thì cây quế trồng ngay dưới gốc đã 4-5 năm tuổi. Với những cây gỗ mới bị ken thì cây quế cũng chỉ vừa mới được trồng.
Trên diện tích nhiều ha rừng phòng hộ tại xã Khuôn Hà, chưa thể đo đếm hết có bao nhiêu cây quế đã được trồng nhưng đâu đâu cũng thấy quế.
Chị Cúc (xã Khuôn Hà) cho biết, đất rừng sản xuất ít nên người ta tính tới chuyện phá rừng phòng hộ để trồng quế. Những cây bị ken thì chỉ hơn 1 năm là chết khô, như vậy cây quế mới có tán, có đất để phát triển.
“Hành vi phá rừng này không thể diễn ra nếu không có sự lơ là hoặc tiếp tay của một số cá nhân”, chị Cúc bức xúc.
Cũng theo người dân, để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường thuê người dân địa phương đi ken cây, trồng quế trái phép trong thời gian dài. Cứ như vậy, cây quế âm thầm phủ kín rừng phòng hộ.
Tiếp tục làm rõ sự việc này, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hữu Tình – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình. Tuy nhiên, sau khi được thông tin vụ việc, ông Tình lấy lý do bận và đề nghị PV làm việc với cán bộ chuyên môn của Ban.
Qua hướng dẫn của ông Tình, PV đã có cuộc trao đổi với ông Quan Văn Hùng – Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật (Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình). Ông Hùng cho hay, việc ken cây Ban đã nắm được từ năm 2019, thời điểm đó đã làm hồ sơ, báo cáo cơ quan chức năng.
Theo ông Hùng, tại khu rừng phòng hộ Bản Phủng bước đầu xác định có khoảng 40 cây bị ken. Tuy nhiên thời điểm đó đúng lúc dịch bệnh COVID-19, hạn chế đi lại nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.
“Việc ken cây và trồng quế trong đất rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật. Việc điều tra, xác định người vi phạm khá khó khăn, hiện vẫn chưa tìm ra đối tượng để xử lý”, ông Hùng thông tin.
Đề cập tới hướng xử lý đối với cây quế đã trồng trái phép trong rừng phòng hộ, ông Hùng cho hay, có thể nhổ bỏ nhưng việc này nằm ngoài thẩm quyền của Ban. Nếu muốn cưỡng chế, nhổ bỏ thì phải thành lập đoàn gồm nhiều cơ quan.
Khi được hỏi việc ken cây, phá hoại rừng đang xảy ra trên địa bàn có nghiêm trọng không, ông Hùng cho rằng: “Việc xác định mức độ nghiêm trọng cần dựa trên quy mô và tác động của hành vi phá rừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể số cây, diện tích rừng bị ken”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.