Cam go cuộc chiến bảo vệ thú rừng

Vườn quốc gia Vũ Quang đang quản lý, bảo vệ trên 57.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam và được coi là Vườn di sản Asian. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều loài thú rừng nguy cấp, quý hiếm nơi đây trở thành “con mồi” của các nhóm thợ săn. Cuộc chiến bảo vệ động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Vũ Quang chưa bao giờ hết cam go, hiểm nguy.

Các “chiến binh” trong “biệt đội” bảo vệ thú rừng đang tháo gỡ một cái bẫy của thợ săn.

Biệt đội giải cứu thú rừng

Vườn quốc gia Vũ Quang (nằm trên địa bàn 3 huyện miền núi của Hà Tĩnh gồm Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang) được cả thế giới biết đến từ năm 1992 khi nơi đây phát hiện và công bố loài Sao La hay còn gọi là Kỳ lân Châu Á. Sự phát hiện này được xem là chấn động giới bảo tồn quốc tế. Một năm sau, thêm một loài thú lớn nữa được phát hiện và công bố đó là loài Mang lớn hay còn gọi là Mang Vũ Quang.

Ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang chia sẻ, theo các nhà nghiên cứu, trước đây tại Vườn quốc gia Vũ Quang có sự xuất hiện của 94 loài thú, trong đó có 64 loài thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn. Mới đây nhất theo kết quả điều tra giám sát về đa dạng các loài động vật theo hoạt động đặt bẫy ảnh với quy mô lớn nhất tại Đông Nam Á được thực hiện tại Việt Nam theo dự án hỗ trợ “Phương án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học” (viết tắt là VFBC) thì các kết quả thu được ở Vườn quốc gia Vũ Quang làm các nhà bảo tồn hết sức vui mừng và sửng sốt.

“Những kết quả đó đã khẳng định thêm một lần nữa về các giá trị đa dạng sinh học tại đây với sự ghi nhận của các loài rất có giá trị cho công tác bảo tồn với mật độ bắt gặp cao như: Mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn Bắc, voi Châu Á, tê tê; gấu chó; gấu ngựa; thỏ vằn Trường Sơn; cầy giông sọc…”, ông Nguyễn Việt Hùng tự hào kể.

Cũng vì tầng tầng lớp lớp động vật quý hiếm như thế nên nhiều loài thú ở Vườn quốc gia Vũ Quang luôn bị nhóm thợ săn nhắm đến. Để muông thú dưới những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn của Hà Tĩnh không còn gặp bất trắc từ những chiếc bẫy được giăng mắc khắp các lối đi và cây rừng không còn đổ xuống bởi sự tàn phá của thợ săn, lâm tặc, Vườn quốc gia Vũ Quang đã thành lập Tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng. “Biệt đội” này không chỉ có nhiệm vụ tuần tra, tháo gỡ bẫy mà còn có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác bảo vệ động vật hoang dã đến với người dân.

“Nhiệm vụ của tổ kiểm lâm cơ động này là liên tục thực hiện những chuyến tuần tra dài ngày xuyên khu rừng, tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú và giải cứu động vật hoang dã. Ngoài mục tiêu giảm thiểu mối đe dọa đa dạng sinh học từ bẫy, nỗ lực tuần tra dựa vào cộng đồng còn giải quyết được thực trạng thiếu nhân lực kiểm lâm của Vườn quốc gia Vũ Quang trong công tác tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực. Cùng với đó tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư vùng đệm, cũng như tuyên truyền phổ biến ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học tới cộng đồng”, đại diện Vườn quốc gia Vũ Quang cho hay.

Thời gian qua, dẫu hiểm nguy rình rập, dẫu núi rừng hiểm trở hay kẻ thủ ác đặt bẫy dày đặc… thì các “chiến binh” trong “biệt đội” vẫn miệt mài trèo đèo, lội suối, lần tìm bẫy thú để tháo gỡ, giải cứu những “đứa con” thứ hai trong ngôi nhà Vườn quốc gia Vũ Quang.

Khu vực gần các khe suối thường ẩn giấu vô vàn bẫy thú rừng.

Những “chiến binh” giữa rừng già

Chiều mùa đông, ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, giữa núi rừng âm u của Vườn quốc gia Vũ Quang, cái lạnh như thấu xương. Thế nhưng những “chiến binh” trong “biệt đội” vẫn trải bước thong dong. Lưng vác ba lô, chân mang dép quai, mặt bám đất, anh Đinh Hữu Chức (SN 1989), thành viên của tổ kiểm lâm cơ động dùng cây gậy từ từ gạt lớp lá giữa cánh rừng rậm để tìm những chiếc bẫy săn động vật hoang dã. “Chúng tôi nhiệm vụ ngoài tuần tra rừng còn gỡ những chiếc bẫy được con người đặt dưới đất nhằm bắt thú rừng. Thời tiết cuối năm khắc nghiệt, đường đi vất vả, nhưng anh em không thể dừng chân vì đây là nhiệm vụ”, anh Chức nói.

Nhiều năm gác rừng, anh Chức thông thuộc từng địa hình, vị trí của các đồi núi trùng điệp. Hai năm qua, kể từ khi thành lập đội tuần tra và tháo gỡ bẫy, anh Chức cùng các thành viên trong nhóm đã thực hiện hàng trăm chuyến vào rừng, tháo gỡ hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép.

“Địa hình rừng Vườn quốc gia Vũ Quang hết sức hiểm trở gây khó khăn, vất vả, nguy hiểm cho cán bộ, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Như điều kiện sinh hoạt, làm việc hết sức khó khăn, một số trạm kiểm lâm chưa có điện, sóng điện thoại, thiếu nước sạch, phải ở nhà tạm… nhưng mức đãi ngộ thấp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhân viên. Mức thu nhập của cán bộ, nhân viên còn thấp so với mặt bằng chung…” – ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang.

Theo các “chiến binh”, bẫy thú có nhiều loại nhưng thường gặp ở đây là bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy kẹp… Trong đó, phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, dễ lắp đặt trong rừng. Các bẫy này không chỉ gây tổn thương và chết các động vật hoang dã, mà còn làm giảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của khu vực. Hành trình tìm kiếm bẫy thú rừng không chỉ khó khăn về địa hình mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho cán bộ bảo vệ rừng. Chỉ cần sơ suất, không có kinh nghiệm, người bảo vệ rừng có thể mắc bẫy bất cứ lúc nào.

Theo những người gỡ bẫy thú, thông thường khi giăng bẫy, thợ săn dựng lán và sống dài ngày trong rừng để chờ thành quả. Những con thú có giá trị thương mại cao bị dính bẫy, họ bắt rồi ngụy trang đưa ra khỏi rừng để bán. Khi thợ săn rút ra khỏi rừng, những chiếc bẫy này vẫn tồn tại và những con thú khác đi ngang qua lại tiếp tục dính rồi chết rục trên bẫy.

“Có những con thú may mắn được phát hiện, giải cứu sớm nên thoát nạn. Đối với những con thú dính bẫy bị thương sẽ được sơ cứu rồi thả ra, còn bị thương nặng hơn được mang ra trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Vũ Quang có đội điều trị, chăm sóc riêng”, một thành viên trong đội tuần tra, tháo gỡ bẫy nói.

Nhắc đến những chuyến vào rừng sâu, “chiến binh” Đinh Hữu Chức trải lòng: “Giờ tình hình đã ổn, người dân ý thức hơn, biết giữ rừng. Còn trước đây vất vả, nguy hiểm hơn nhiều. Khi bị phát hiện, cả nhóm thợ săn mang dao ra chống trả lực lượng kiểm lâm của vườn”.

Mỗi chuyến đi săn bẫy thú, “biệt đội” thường có 4-5 người, kéo dài từ 10-15 ngày. Hành trang các “chiến binh” mang theo trên vai trong các chuyến đi phải đầy đủ lương thực, thực phẩm, chăn màn, dụng cụ y tế, ống nhòm… Dưới cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, dốc đá cheo leo nhưng những bước chân của tổ bảo vệ rừng, tháo bẫy giải thoát cho động vật chưa bao giờ ngơi nghỉ. “Vất vả, khó khăn lắm nhưng anh em trong nhóm luôn động viên, cố gắng làm việc. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa vì núi rừng, vì loài thú”, anh Chức bày tỏ.

Khu vực thợ săn hay đặt bẫy là hồ nước, sông suối, vì đây là những vị trí con vật thường di chuyển đi uống nước vì thế ở đây ẩn giấu rất nhiều bẫy thú. Nhiều năm trước, khi người dân địa phương còn sống ven lòng hồ Ngàn Trươi, kinh tế chủ yếu phụ thuộc từ rừng, công tác bảo vệ rừng vì thế khó khăn hơn. Để cứu thú rừng, cán bộ bảo vệ không ít lần giáp mặt với nhóm lâm tặc hung hãn, manh động.

Việc tuần tra luôn được cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Vũ Quang thực hiện nghiêm ngặt, thường xuyên.

“Chúng tôi thực hiện tuần tra thường xuyên, nhưng để phát hiện, tháo gỡ được hết bẫy thú rừng ở đây là rất khó, mất nhiều thời gian. Bởi lẽ, không chỉ người dân địa phương, mà còn có rất nhiều thợ săn là người dân ở các địa phương khác cũng ngày đêm lén lút, xâm nhập vào rừng này để săn bắn, bẫy bắt thú rừng trái phép”, anh Chức chia sẻ.

Từ năm 2023 đến nay, Tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng của Vườn quốc gia Vũ Quang đã tháo gỡ hơn 1.500 bẫy thú, phá bỏ gần 30 lán trại xây dựng trái phép trên lâm phần quản lý, bảo vệ của đơn vị.

Những bước chân không mỏi của các “chiến binh” và sự phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, quân sự, biên phòng, chính quyền địa phương… đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến bảo tồn sinh học, bảo vệ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Vũ Quang.

Trách nhiệm của các “chiến binh” trong nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động vật hoang dã hết sức nặng nề. Vườn quốc gia Vũ Quang quản lý, bảo vệ trên 57.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong khi biên chế cho việc thực hiện nhiệm vụ còn mỏng, chưa đủ theo biên chế được giao, do vậy việc tuần tra bảo vệ rừng hay một số nhiệm vụ chuyên môn các nhân viên phải “gồng mình” thực hiện.