Châu Á là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước những rủi ro y tế liên quan đến khí hậu.
Mary Johnston Hospital, một bệnh viện với quy mô 120 giường ở Manila, Philippines, đang tích cực giảm dấu chân carbon của mình. Những năm gần đây, hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà đã cung cấp tới 35% nhu cầu điện của bệnh viện này. Hay vào lúc đỉnh dịch COVID-19, Mary Johnston Hospital đã vệ sinh và tái sử dụng thiết bị bảo hộ y tế tới 3 lần trước khi thải bỏ. “Chúng tôi đang tìm cách cứu môi trường và cứu người cùng một lúc”, Tiến sĩ Glenn Paraso, Giám đốc Điều hành Mary Johnston Hospital, cho biết.
Tại Đông Nam Á, những bệnh viện “năng nổ” như Mary Johnston Hospital không nhiều vì như lo ngại của Manjit Sohal, Giám đốc Khí hậu Đông Nam Á, thuộc Health Care Without Harm (HCWH): “Hầu hết các hệ thống y tế công của Đông Nam Á không có đủ kinh phí để tiếp tục hoạt động ở mức bình thường (hậu COVID-19). Vì thế, việc thuyết phục họ triển khai khử carbon với nguồn lực bị hạn chế là một thách thức”.
Nỗi lo của Sohal là dễ hiểu khi ngành y tế đóng góp tới 5% tổng lượng thải khí carbon trên toàn cầu, cao hơn cả ngành hàng không và hàng hải. Nếu không sớm giải quyết vấn đề này, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), dấu chân carbon của ngành y tế có thể tăng gấp đôi vào năm 2050.
Phần lớn lượng thải khí này có nguồn gốc từ châu Á. Trong khi lượng thải khí từ ngành y tế chiếm 8,5% tổng lượng thải khí carbon của Mỹ và xấp xỉ 5% của châu Âu, thì tại châu Á, ngành y tế chiếm tới 30%. Một số lý do chính là dân số châu Á đang già đi (dự kiến chiếm tới 2/3 dân số trên 65 tuổi của thế giới vào năm 2030) và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định những năm gần đây cũng thúc đẩy chi tiêu vào y tế.
Châu Á lại là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các rủi ro y tế liên quan đến khí hậu. “Bằng chứng là biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt lên sức khỏe cộng đồng như các hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí và gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm…”, John Graham, CEO Zuellig Pharma, nhận xét.
Tuy nhiên, rất khó để giải quyết lượng khí thải vẫn đang tăng hằng ngày, được thải ra từ mỗi lượt người dân đến khám tại bệnh viện, từ mức năng lượng khổng lồ mà ngành y tế phải sử dụng để bệnh viện vận hành suốt ngày đêm như chạy hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí để đảm bảo môi trường vô trùng, hay sử dụng thiết bị y tế. Khó giải quyết hơn cả là lượng khí thải phạm vi 3, vốn là thủ phạm chính của ngành y tế. Đây là lượng khí thải trực tiếp từ chuỗi cung ứng và rác thải ra không đúng cách. Chẳng hạn như việc sản xuất các trang thiết bị y tế và dược phẩm; rác thải như thiết bị bảo hộ cá nhân và các công cụ dùng một lần như ống tiêm; vận chuyển dược phẩm, trang thiết bị cũng như bác sĩ, y tá, bệnh nhân đến nơi điều trị.
Manjit Sohal nhấn mạnh thách thức lớn trong việc theo dõi và đo lường lượng khí thải phạm vi 3, vốn là chìa khóa cho những nỗ lực giảm khí thải trong dài hạn. “Các cơ sở y tế thiếu các phương pháp được chuẩn hóa để thu thập dữ liệu chính xác như thói quen di chuyển của bệnh nhân hay thủ tục quản lý rác thải được thực hiện bởi bên thứ 3”, bà nói.
Số lượng lớn cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi cung ứng ngành y tế cũng làm cho nỗ lực này gian nan hơn vì liên quan đến vô số nhà cung ứng, nhà sản xuất, nhà phân phối, trong khi họ lại phân tán về mặt vị trí địa lý. Đó là lý do cần sự hợp tác giữa các nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các cơ quan quản lý trên khắp thế giới để giảm lượng thải khí phạm vi 3, theo Graham.
Nhận thức nguy cơ từ lượng khí thải y tế đang tăng mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến khích các quốc gia cam kết phát triển hệ thống y tế chống biến đổi khí hậu tại hội nghị COP26 vào năm 2021. Một tín hiệu tích cực là một số khung pháp lý và lộ trình cũng như các sáng kiến đang được vạch ra để giảm dấu chân carbon trong ngành này như chiến dịch Race to Zero của Liên Hiệp Quốc, dẫn đầu bởi HCWH, nơi các tổ chức y tế đại diện cho hơn 14.000 cơ sở y tế cam kết sẽ giảm phân nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt đến Net Zero vào năm 2050; hay sáng kiến Lộ trình Toàn cầu khử carbon trong ngành y tế cũng được dẫn dắt bởi HCWH và Công ty Arup.
Mặc dù các sáng kiến này đã cho thấy một số tiến triển nhưng ngành y tế vẫn chưa thể tạo ra sự thay đổi thực sự cho đến khi các quy định luật pháp cấp quốc gia được ban hành, Sohal khuyến cáo. “Không chỉ là từng cơ sở y tế mà phải là nỗ lực của cả một hệ thống. Chính phủ và bộ y tế các nước phải đưa ra các quy định bắt buộc báo cáo, theo dõi lượng khí thải cũng như chuyển sang carbon thấp, bền vững trong toàn bộ ngành”, bà nói thêm.
Chính việc thiếu khung pháp lý đã đặt trách nhiệm giảm khí thải lên vai các đơn vị cung cấp giải pháp y tế. Chẳng hạn, Zuellig Pharma giảm khí thải phạm vi 3 bằng cách đưa nhiệm vụ theo dõi khí thải vào các quy trình của Hãng và đánh giá tính bền vững của các đối tác kinh doanh thông qua bảng câu hỏi về tính tuân thủ. Công ty đã bổ sung thêm các mẫu xe điện vào đội xe của mình, giảm 30% lượng điện sử dụng cho điều hòa không khí, tìm cách tái chế rác thải bao bì y tế như ra mắt sáng kiến tái chế các túi lọc thận không nhiễm bẩn từ nhà của bệnh nhân để tái chế thành nguyên liệu thô thứ cấp… Theo báo cáo bền vững năm 2023 của Zuellig Pharma, Công ty đã giảm 24% rác thải được đưa đến bãi chôn rác trong 2 năm qua và đang phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2030.
Theo Sohal, trong khi chờ tìm kiếm các giải pháp dài hạn hơn, ngành cần áp dụng ngay các sáng kiến khử carbon nhanh chóng và dễ dàng. Chẳng hạn, đối với các cơ sở y tế mới, cần xây dựng theo hướng bền vững ngay từ đầu, như lắp đặt hệ thống thông gió, chiếu sáng tự nhiên và các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Những cơ sở y tế hiện hành có thể áp dụng các giải pháp như tư vấn, khám bệnh từ xa, video trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân theo thời gian trực để giảm khí thải phạm vi 3… Một báo cáo năm 2021 chỉ ra mỗi lần tư vấn y tế ảo có thể giảm từ 0,70-372 kg CO2. “Tính bền vững hoàn toàn có thể được đưa vào mục tiêu, hoạt động quản trị, quá trình ra quyết định cũng như mọi mặt của một tổ chức”, Graham khẳng định.
Việt Phong (Tổng hợp)