Nơi chim di cư chẳng có ngày về

Lẽ ra những đàn chim di cư đến Rú Lịnh (thuộc địa bàn 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh) trú ẩn sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để góp phần làm đa dạng sinh học. Vậy nhưng khi đến đây, chúng lại bị săn bắt theo kiểu tận diệt, trở thành món đặc sản.

Có người nói vui rằng, những đàn chim di cư đến đây chẳng khác gì để “nhận án tử”, chẳng có ngày trở về. Nghe mà xót xa!

Các loài động vật trong rừng đặc dụng Rú Lịnh cần được bảo vệ – Ảnh: Quang Hải

“Vào mùa” săn bắt chim hoét

Buổi sáng ngày cuối tháng 11/2024, chúng tôi đến Rú Lịnh để tìm hiểu về việc người dân địa phương đang “vào mùa” săn bắt chim di cư trú ngụ nơi cánh rừng đặc dụng này.

Bắt chuyện với vài người dân đang trỉa bắp ở cánh đồng sát bìa rừng thì được biết, từ tháng 11 đến tầm tháng 3 là thời điểm chim di cư về Rú Lịnh. Đây cũng là lúc cánh “thợ săn” vào rừng cắm câu, giăng bẫy bắt chim.

Cụ thể là săn bắt chim trọoc, theo cách gọi của người dân địa phương. Còn qua tìm hiểu thì chúng là chim hoét Nhật Bản, có tên khoa học là Turdus Cadis. Loài này to bằng khoảng 3 ngón tay, con trống lông đen bụng trắng, con mái lông màu vàng nhạt. Vài năm trước, người dân từng bẫy được chim hoét với chiếc vòng đeo chân có khắc chữ “Japan”.

Loài chim này trở thành mục tiêu săn bắt vì bán được giá cao. Mùa cao điểm, có “thợ săn” bắt được vài chục con mỗi ngày, thu nhập tiền triệu. Nhiều người nói thế khi chúng tôi gặng hỏi.

Ý định vào Rú Lịnh của tôi và bạn đồng nghiệp chẳng gặp phải cản trở nào, dù trong nhóm những nông dân trò chuyện ấy có người nói là bảo vệ rừng. Họ chỉ hỏi chúng tôi vào rừng làm gì và cho biết người dân địa phương vào ra khu rừng này một cách… bình thường, dù đã cho doanh nghiệp thuê làm khu du lịch sinh thái.

Chúng tôi men theo con đường mòn từ chiếc cổng được dựng lên đơn sơ bằng vài cây gỗ có treo tấm bảng “Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh”. Đi vào rừng chừng 60 m, lần theo tiếng sột soạt lá khô, chúng tôi phát hiện một chú hoét trống bị dính câu đang đập cánh giãy giụa, cố thoát thân. Con chim tội nghiệp đâu biết lưỡi câu mà nó nuốt phải đã vào quá sâu, càng cố gắng vùng vẫy càng khiến nó nhanh kiệt sức.

Quan sát khu vực xung quanh chú chim dính câu, chúng tôi đếm được gần chục cành câu vừa được thợ săn cắm xuống. Cành câu dài tầm 30 cm, làm bằng tre, vót tròn to hơn chiếc đũa, được vát nhọn một đầu cho dễ găm xuống đất. Lưỡi câu được buộc bằng loại dây dù chắc chắn. Mồi câu là giun đất. Người ta lùa lá khô đi để lộ mặt đất một khoảnh nhỏ, làm láng rồi cắm câu thả mồi vào đó cho chim dễ thấy. Tập tính kiếm mồi là những loại côn trùng, giun, nhện… nên chim hoét rất dễ dính câu. Tiến sâu vào rừng đặc dụng Rú Lịnh, chúng tôi phát hiện thêm nhiều khu vực khác với cành câu chim cắm la liệt, dấu vết mới tinh…

Chim di cư được bán công khai trong các thôn xóm quanh Rú Lịnh – Ảnh: Quang Hải

Ra khỏi rừng, chúng tôi bắt gặp nhóm người dân chuẩn bị làm đồng trở về. Khi được hỏi thêm “mùa săn bắt” loài chim di cư có tên là trọoc, họ không ngần ngại chia sẻ. Họ còn chỉ cho chúng tôi những nhà dân ở gần Rú Lịnh chuyên bán chim đã làm sạch cho những ai muốn mua về thưởng thức hoặc làm mồi nhậu. Lần theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một địa chỉ bán thịt chim di cư ở thôn Tân Trường, xã Trường Thành.

Phía sau nhà, người phụ nữ tầm 40 tuổi đang ngồi nhổ lông 2 con hoét, mà theo chị này là do chồng vừa bẫy được ở vườn tiêu gia đình. Chị cho biết mỗi con làm sạch có giá 25 ngàn đồng, nếu mua số lượng vài chục con thì có thể bớt. Ngoài đi bẫy, gia đình chị thu mua chim của những người dân trong vùng săn bắt được về làm sạch, bảo quản tủ lạnh rồi ai đặt thì bán kiếm lời.

Tại quán nước ven đường gần đó, hai người phụ nữ ngồi trạo chuyện, thấy chúng tôi thì vô tư “quảng cáo” độ ngon của thịt chim di cư. “Chim Rú Lịnh mới ngon, béo, chứ đừng ham rẻ mà mua chim nhập từ ngoài vào”, một người khuyên chúng tôi.

Tiếp tục tìm đến một địa chỉ gần đó chuyên bán bánh bột lọc gói, chúng tôi được gia chủ giới thiệu loại bánh nhân thịt chim trọoc có giá cao gấp đôi so với các loại bánh nhân thịt khác, vì là đặc sản. Người phụ nữ chủ nhà cũng chào mời chim làm sẵn, với giá 25 ngàn đồng/con.

Cấp bách bảo vệ chim hoang dã, di cư

Nói về công tác quản lý Rú Lịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh Đoàn Văn Phi cho biết, hiện đơn vị tư vấn đang làm các thủ tục để giao Rú Lịnh cho một đơn vị có đủ tư cách chủ rừng thực thụ, cụ thể là Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Trước đó, Rú Lịnh được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Sông Hiền CNF thuê để thực hiện dự án du lịch.

Khi chúng tôi đề cập đến nạn săn bắt động vật hoang dã, chim di cư ở khu rừng nguyên sinh này, ông Phi nói tình trạng người dân lén lút vào rừng đặt bẫy, giăng lưới vẫn có. Những năm gần đây khi nạn săn bắt chim di cư rộ lên, nhất là vào mùa này, lực lượng dân quân xã đi tuần tra, tháo dỡ bẫy, lưới nhưng không thường xuyên.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước của rừng Rú Lịnh, Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm khẳng định, chính quyền xã luôn lên án nạn săn bắt chim trời. Những cuộc tiếp xúc cử tri, nội dung này cũng được lồng ghép tuyên truyền.

Ông Kiêm thừa nhận qua nắm địa bàn có thấy người dân chở dụng cụ đi săn bắt chim nhưng không biết cụ thể ở vùng nào. Còn tình trạng người dân trong xã buôn bán chim di cư thì không có. Cũng theo ông Kiêm, công chức xã nhiều việc phải giải quyết, lại không được cấp kinh phí nên không thể tổ chức đội tuần tra, kiểm soát thường xuyên.

Cành câu săn chim cắm la liệt dưới tán rừng nguyên sinh Rú Lịnh – Ảnh: Quang Hải

Về trách nhiệm bảo vệ rừng, ông Đoàn Văn Phi nhấn mạnh nguyên tắc rừng đã thuê thì thuộc về doanh nghiệp. “Việc quản lý rừng hiện nay trách nhiệm chủ yếu thuộc về Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Sông Hiền, còn hai xã tổ chức lực lượng tuần tra định kỳ, hoặc khi có vụ việc. Kiểm lâm địa bàn chỉ tham mưu cho xã về công tác quản lý chung, định kỳ cũng có phối hợp đi kiểm tra”, ông Phi thông tin. Thực tế, tổ bảo vệ rừng Rú Lịnh của công ty hiện có 2 người.

“Rú Lịnh vẫn có người bảo vệ, một chính và một phụ. Việc giám sát người dân ra vào rừng khá kỹ. Còn tình trạng nhỏ lẻ như việc người dân vào Rú Lịnh bắt chim thì tôi nghĩ chưa triệt để được”, ông Phi nói thêm.

Rừng đặc dụng Rú Lịnh rộng gần 100 ha, là cánh rừng nguyên sinh duy nhất còn lại ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị. Rú Lịnh có nhiều loài thân gỗ hiếm sống lâu năm như gụ, huyệnh, dẻ rừng… cùng các loài cây làm thuốc khác như trầm hương, ngũ gia bì. Động vật trong Rú Lịnh được các nhà nghiên cứu ghi nhận có đến 73 loài, trong đó có 60 loài chim và 13 loài động vật có vú.

Ngày 20/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn. Chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài chim hoang dã, di cư theo mùa nói riêng. Đồng thời, chỉ đạo các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học bền vững trong lâm phận. Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã, loài di cư trong phạm vi quản lý theo phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Rú Lịnh là rừng nguyên sinh, đặc dụng nhưng với những gì đang diễn ra thì công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã và các loài chim di cư tại đây có vấn đề. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng để Rú Lịnh trở thành nơi chim về trú ẩn an toàn. Không chỉ dừng lại ở chim di cư mà tiến tới cả chim bản địa, chim tự nhiên ở Rú Lịnh đều phải được bảo vệ, gìn giữ.