Quá trình tìm kiếm nạn nhân mất tích không chỉ đòi hỏi sự can đảm, kỹ năng và nỗ lực không ngừng từ các đội cứu hộ, mà còn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều công nghệ tiên tiến và kiến thức chuyên sâu về hành vi con người trong tình huống nguy cấp.
Ngày 5/5/2023, một sinh viên 19 tuổi tên là Matthew Read bắt đầu thực hiện chuyến đi bộ dài khoảng 20 km tại một khu vực ít người qua lại thuộc Công viên Quốc gia Glacier (Mỹ). Read muốn ngắm nhìn cảnh quan hùng vĩ của dãy núi Livingston, nhưng chuyến đi nhanh chóng trở thành một cuộc thử thách sinh tồn khi anh bị mất phương hướng giữa rừng núi hoang vu.
Hai ngày sau, gia đình thông báo Read đã mất tích. Đội cứu hộ bắt đầu tìm kiếm trên mặt đất và triển khai trực thăng để quan sát từ trên cao, nhưng nỗ lực của họ bị cản trở do thời tiết xấu và sương mù che khuất tầm nhìn. Đến ngày thứ ba, nhờ vào camera hồng ngoại trên trực thăng và các dấu vết để lại, họ phát hiện Read trong tình trạng gần như bị hạ thân nhiệt và tê cóng nhưng vẫn may mắn sống sót.
Trong những tình huống như trên, lĩnh vực khoa học về tìm kiếm và cứu nạn (Search and Rescue – SAR) sẽ giúp đội cứu hộ hiểu rõ hành vi của những người bị mất tích để tối ưu hóa chiến lược tìm kiếm. Nhà nghiên cứu người Mỹ Robert Koester đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khoa học này vào thập niên 2000. Thông qua phân tích 50.000 trường hợp mất tích, ông đã hệ thống hóa và xây dựng Cơ sở Dữ liệu Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế (ISRID).
Năm 2008, Koester đã xuất bản cuốn sách “Lost Person Behavior” (Hành vi của người bị lạc), trong đó ông đã tổng hợp những đặc điểm và xu hướng hành vi của 41 nhóm người khác nhau khi bị lạc đường trong khu vực hoang dã, từ trẻ em, người già, thợ săn, cho đến những người đam mê thể thao mạo hiểm. Dựa vào đó, các đội cứu hộ có thể ưu tiên nguồn lực để tìm kiếm ở những khu vực tiềm năng.
Ví dụ, trẻ em trong độ tuổi đi học thường bị lạc vì cố gắng đi đường tắt. Người ta thường tìm thấy chúng trong bán kính khoảng 1,6km từ nơi mất tích, chủ yếu ở trong các công trình kiến trúc, sân bãi hoặc xe cộ. Trong khi đó, thợ săn cũng di chuyển một quãng đường tương tự, có xu hướng đi xuống dốc khoảng 30m và thoát khỏi đường mòn. Họ có thể bị lạc vì quá chú tâm lần theo dấu vết của con mồi trong bụi rậm. Đối với những người trượt tuyết xuyên quốc gia, họ thường tiếp tục di chuyển để giữ ấm, và có thể đi xa hơn gấp đôi so với thợ săn hoặc trẻ em.
Lịch sử tìm kiếm cứu nạn có thể truy nguyên từ Thế chiến II, khi máy bay trinh sát sử dụng phương pháp tìm kiếm dạng lưới để phát hiện tàu ngầm U-boat của Đức. Phương pháp này chia khu vực cần tìm kiếm thành các ô lưới nhỏ (grid), sau đó máy bay sẽ kiểm tra từng ô một cách cẩn thận và có trật tự để đảm bảo không bỏ sót.
Đến cuối thế kỷ 20, một số chuyên gia tại Mỹ, Anh, Canada và Úc bắt đầu nghiên cứu các nhiệm vụ cứu hộ trên đất liền. Họ thu thập và phân tích dữ liệu để thống kê những nguyên nhân khiến mọi người bị lạc và khoảng thời gian nạn nhân bị mắc kẹt trong tình huống đó.
Người có ảnh hưởng nhất trong số những chuyên gia này là nhà nghiên cứu William Syrotuck. Ông đã phân tích tổng cộng vài trăm người bị lạc, đánh giá hành động của họ và lập biểu đồ về khoảng cách mà họ di chuyển. Do số liệu thống kê về những trường hợp mất tích không đến từ các mẫu quy mô lớn, vì vậy đặc điểm hành vi của họ chưa được định hình rõ ràng cho đến khi Koester bắt tay vào nghiên cứu, làm cho lĩnh vực khoa học về tìm kiếm và cứu nạn thực sự trở thành một ngành khoa học dựa trên dữ liệu đáng tin cậy.
Ngay từ khi là sinh viên của Đại học Virginia (Mỹ), Koester đã gia nhập đội tìm kiếm và cứu nạn của trường – bộ phận thường xuyên đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm những người bị lạc do mắc chứng mất trí nhớ. Với phong thái điềm tĩnh như một kiểm lâm viên tận tụy, Koester bắt đầu nhận ra các mẫu hành vi của những người bị lạc đường và những vị trí mà họ thường dừng chân trên đường đi. Ông đã đưa ra “quy tắc ngón tay cái” đầy sáng tạo. Nếu ông đặt ngón tay cái của mình vào nơi một người bị mất tích, thì nhiều khả năng ông có thể tìm thấy họ trong phạm vi chiều dài ngón tay trên bản đồ địa hình tiêu chuẩn.
Khi lập kế hoạch, các đội tìm kiếm và cứu nạn thường bắt đầu từ vị trí cuối cùng của người mất tích và mở rộng tìm kiếm ra xung quanh, tập trung vào các đặc điểm địa lý có khả năng thu hút họ như đường mòn, dòng suối, hay giao lộ. Cách tiếp cận này hiệu quả hơn so với phương pháp tìm kiếm lưới truyền thống, vốn không phù hợp với môi trường đất liền có địa hình phức tạp như núi non hoặc rừng rậm.
Một nghiên cứu do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ tài trợ ước tính rằng việc sử dụng phương pháp phân tích hành vi của người bị lạc đã giúp giảm thời gian tìm kiếm xuống khoảng một nửa.
Những tiến bộ trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn không chỉ đến từ việc phân tích dữ liệu hành vi mà còn nhờ vào sự phát triển của công nghệ và mô hình dự đoán.
Các công nghệ hiện đại như phần mềm lập bản đồ SARTopo do nhà nghiên cứu người Mỹ Matt Jacobs phát triển có thể giúp tối ưu hóa chiến thuật tìm kiếm và cứu nạn. Dựa vào phần mềm, đội cứu hộ có thể chồng lên nhau nhiều loại dữ liệu địa chất và địa lý để dễ dàng lên kế hoạch và vẽ sơ đồ khu vực tìm kiếm. Các nghiên cứu gần đây của Jacobs cũng cho thấy ảnh hưởng của yếu tố địa hình đến hành vi của người bị lạc. Ông phát hiện khoảng 60-80% số người mất tích được tìm thấy gần giao lộ của các dòng suối, đường mòn hoặc gò đất cao, nơi họ hy vọng tìm thấy sự trợ giúp.
Năm 2022, Koester đã hợp tác với Amanda Hashimoto và các nhà nghiên cứu khác tại Đại học Virginia Technhằm phát triển một phần mềm có khả năng tái hiện phiên bản kỹ thuật số của người bị lạc tương tác với môi trường mô phỏng, từ đó đưa ra dự đoán về hướng đi hoặc nơi nạn nhân có thể bị mắc kẹt. Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu mô phỏng bằng phần mềm với hành vi thực tế của người mất tích trong cơ sở dữ liệu ISRID. Kết quả cho thấy, dự đoán của mô hình có độ chính xác hơn 50%.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ mới không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì tâm lý e ngại sự thay đổi. Nhiều đội cứu hộ vẫn ưu tiên các phương pháp tìm kiếm truyền thống, bởi vì mức độ tin cậy của chúng đã được kiểm chứng qua thời gian. Điều này đặc biệt đúng trong tình huống khẩn cấp, nơi áp lực thời gian và sự căng thẳng có thể khiến đội tìm kiếm và cứu nạn ngần ngại thử nghiệm những giải pháp mới.
Dù vậy, các công cụ hỗ trợ tìm kiến và cứu nạn hiện đại có thể được áp dụng để giải quyết một số vụ án mất tích lâu năm. Mặc dù khả năng tìm thấy người sống sót trong những tình huống này là rất thấp, việc xác định vị trí thi thể vẫn mang lại ý nghĩa lớn lao cho gia đình và cộng đồng.
Koester và đồng nghiệp của ông vẫn đang không ngừng cải tiến và mở rộng cơ sở dữ liệu ISRID. Từ 50.000 trường hợp ban đầu, ISRID hiện nay đã ghi nhận hơn 300.000 trường hợp và không ngừng tăng lên theo thời gian. Điều này không chỉ giúp cải thiện độ chính xác của các mô hình phân tích hành vi mà còn tạo điều kiện cho các nghiên cứu sâu hơn về sự tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên trong những tình huống nguy hiểm.
Bá Lộc dịch (Theo Popular Science)
Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)