Việc tiến hành thu hồi đất rừng bị lấn chiếm gặp nhiều khó khăn, do địa hình chia cắt, tình trạng người dân di canh, du cư…
Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
Ngày 10.12, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tỉnh đang nỗ lực kê khai diện tích rừng bị người dân xâm chiếm trái phép. Mục đích là để thu hồi trồng lại rừng phát triển kinh tế – xã hội.
Để làm được việc này, ngành chức năng ở Gia Lai đã vận động hàng nghìn hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ kê khai hơn 37.187ha. Trong đó, đất rừng bị lấn chiếm hơn 11.000ha.
Từ diện tích đất rừng bị xâm lấn, các Ban quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp, UBND huyện đóng chân trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người dân trồng rừng được gần 40.000ha.
Theo ông Nguyễn Văn Hoan, quá trình thu hồi đất lấn chiếm gặp rất nhiều khó khăn, một số nơi bị người dân phản ứng. Tại huyện Phú Thiện, một số hộ dân đã cam kết trồng rừng nhưng vào đầu mùa mưa, người dân đã tiến hành trồng cây nông nghiệp.
Đến khi cơ quan chức năng triển khai trồng rừng thì người dân không chịu hợp tác, gây ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng. Khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai tiến hành triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm thì người dân xã Ia Bă đã chống đối, đánh bị thương nhân viên quản lý bảo vệ rừng.
Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, quá trình triển khai phát dọn thực bì, chuẩn bị cho công tác trồng rừng cũng gặp phải sự phản ứng của người dân, ngăn chặn không cho đơn vị trồng rừng.
Trồng rừng tạo sinh kế cho người dân
Ông Trương Thanh Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, nhận thức của người dân về phát triển rừng cũng như chính sách hưởng lợi từ việc trồng rừng còn hạn chế.
Người dân miền núi lo ngại Nhà nước thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép không giao lại. Thế nên, việc tự nguyện kê khai diện tích lấn chiếm đất rừng chưa thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ.
Ngành chức năng cũng đang gặp khó khăn do khó tiếp cận các đối tượng. Người dân địa phương xâm canh từ tỉnh này sang tỉnh khác, huyện này sang huyện khác, xã này sang xã khác, có một số hộ dân thậm chí né tránh, không hợp tác.
Tuy vậy, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành kê khai, thống kê toàn bộ diện tích đất người dân xâm lấn, sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp.
Ngành chức năng, UBND huyện, xã phối hợp vận động người dân thống kê đất, hiểu được và tin tưởng vào lợi ích của trồng rừng. Chính quyền tỉnh sẽ giao khoán hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm đầu tư, canh tác lâu dài. Qua đó, nhằm giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân miền núi.
Tại Tây Nguyên, một số địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp cao như huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông có 12.801ha, chiếm 31,74% diện tích đất lâm nghiệp.
Huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 98.940ha. Diện tích đất nương rẫy của người dân xâm canh là 10.744ha (trước quy hoạch lâm nghiệp năm 2017 là 10.700ha và lấn chiếm sau năm 2017 là 44ha), chiếm 10,9% đất lâm nghiệp. Tại huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là 19.490ha, chiếm 13,3%. |