Biến đổi khí hậu thúc đẩy khủng hoảng di cư

UN News dẫn báo cáo mới đây của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, biến đổi khí hậu đang góp phần làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng người di cư trên toàn cầu, vốn đã ở mức rất nghiêm trọng.

Báo cáo của UNHCR nêu rõ, trong bối cảnh thế giới đang ngày một ấm dần lên, các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, lũ lụt, nắng nóng… gây ra các tình trạng khẩn cấp đáng báo động. Báo cáo nhấn mạnh, những người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn đang ở “tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu này”. Hiện có tới 75% số người phải di dời đang sống tại các nước dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Người di cư ở khu vực biên giới giữa Libya và Tunisia. Ảnh: AFP

Một thống kê của UNHCR vào tháng 6-2024 cho thấy, các thảm họa liên quan đến thời tiết đã khiến khoảng 220 triệu người di dời trong nước trong 10 năm qua, tương đương khoảng 60.000 người di dời/ngày. Việc ngày càng nhiều người rời bỏ nhà cửa đồng nghĩa với thiếu ngân quỹ cần để hỗ trợ những người di dời và các cộng đồng tiếp nhận họ.

Cùng với đó, UNHCR nhận định trong bối cảnh quy mô và tốc độ biến đổi khí hậu đang gia tăng như hiện nay, số người di cư sẽ tiếp tục tăng. Vào năm 2040, cơ quan này ước tính số nước trên thế giới đối mặt với những nguy cơ liên quan đến khí hậu cực đoan dự kiến sẽ tăng từ 3 lên 65, trong đó đa số là các quốc gia tiếp nhận người di cư.

Nói tới nguyên nhân của vấn nạn di cư, phần đa trong cộng đồng nghĩ tới các cuộc chiến tranh, xung đột. Nhưng giờ đây, những động cơ đó thường được “trộn lẫn” với tác động của biến đổi khí hậu. Thậm chí, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết, số người phải di cư vì biến đổi khí hậu hiện nay có thể còn nhiều hơn vì xung đột. IOM dự báo hơn 200 triệu người sẽ phải di dời trên khắp thế giới vào năm 2030 bởi nhiều yếu tố, bao gồm khủng hoảng khí hậu. Về phần mình, Ngân hàng Thế giới (WB) từng đề cập rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân thúc đẩy di cư ngày càng lớn, có khả năng khiến 216 triệu người phải di cư nội địa vào năm 2050 trên phạm vi toàn cầu.