Phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển ở Kiên Giang còn khó

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho Việt Nam, khu vực và thế giới.

Trong diễn đàn đối thoại mới đây do Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã thảo luận các vấn đề về tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có hệ động thực vật phong phú, hơn 2.400 loài. Ảnh: Nguyên Anh

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, diễn đàn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về quản lý khu dự trữ sinh quyển, hướng dẫn về xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường khu dự trữ sinh quyển. Qua đó giúp tỉnh Kiên Giang hiểu rõ hơn về yêu cầu và quy định pháp lý trong nước và quốc tế trong việc quản lý, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, giúp các nhà quản lý nắm bắt được thực trạng quản lý khu dự trữ sinh quyển tại địa phương. Từ đó rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý về khu dự trữ sinh quyển, góp phần tăng cường quản lý hiệu quả, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi, thảo luận về hiện trạng, công tác quản lý và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Mai

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận vào năm 2006 có tổng diện tích gần 1,2 triệu ha, trải dài 10 huyện/thị từ Hà Tiên đến U Minh Thượng và Phú Quốc. Trong đó, vùng lõi 37.000ha, vùng đệm 172.000ha và vùng chuyển tiếp 978.000ha. 3 vùng lõi chính, gồm: Vườn Quốc gia Phú Quốc (Khu bảo tồn biển Phú Quốc), Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Ban Quản lý rừng Kiên Giang, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Huỳnh Vĩnh Lạc, Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang: việc phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền vận động có tập trung thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao nhất là việc chấp hành pháp luật của người dân liên quan đến đất đai khu bảo tồn; kêu gọi đầu tư, đề tài dự án bảo tồn, đa dạng sinh học còn hạn chế; công tác bảo tồn, cứu hộ, phát triển sinh vật chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hạn chế…

Ông Huỳnh Vĩnh Lạc chia sẻ, hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang đang trong giai đoạn kiểm tra, đánh giá thực trạng biến động tài nguyên và đa dạng sinh học. Qua diễn đàn này, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường đối với khu dự trữ sinh quyển. Hướng dẫn xây dựng báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam và phân vùng khu dự trữ sinh quyển. Xây dựng kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển…

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang với 7 hệ sinh thái và 22 dạng sinh cảnh đặc trưng cho vùng nhiệt đới. Hệ động thực vật phong phú, hơn 2.400 loài, trong đó, động vật khoảng 913 loài với 95 loài quý, hiếm được ghi trong sách đỏ và 57 loài đặc hữu; thực vật gần 1.500 loài, với 118 loài quý, hiếm được ghi trong sách đỏ và 60 loài đặc hữu.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho Việt Nam, khu vực và thế giới; là khu vực trọng điểm nghiên cứu khoa học của hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học.