Xương rồng, niềm hy vọng cho thời biến đổi khí hậu

Dù chỉ cần rất ít nước và công chăm sóc, cây xương rồng vẫn có thể cho ra nhiều sản phẩm giá trị.

Tại nhiều nơi, nước ép bẹ xương rồng đã được chế biến thành thức uống năng lượng ít calo, giàu dinh dưỡng cho người. Xương rồng cũng là nguồn thực phẩm giàu đạm cho gia súc, góp phần bổ sung vào chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững. Chưa hết, bã xương rồng sau khi chế biến còn được đưa vào các bể phân hủy sinh học để sản xuất khí methane – loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường.

Tại Tunisia, xương rồng chiếm tới 12% diện tích đất canh tác, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân.

Những năm qua, tại miền Nam khô hạn của nước Ý ngành nông nghiệp liên tục phải đối mặt với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Thực trạng này đã đem đến ý tưởng cho công ty khởi nghiệp Wakonda với giải pháp từ cây xương rồng, loại cây phổ biến trên vùng đất này.

Ông Andrea Ortenzi, người sáng lập công ty đã nảy ra ý tưởng trồng xương rồng từ 20 năm trước khi còn làm việc tại Brazil, nơi cây xương rồng được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Không chỉ cực kỳ dễ sống, cây xương rồng còn tiêu tốn lượng nước chỉ bằng 1/10 so với bắp, một trong những cây trồng tiêu nước nhiều nhất hiện nay.

Ngành công nghiệp xương rồng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học.

Ý tưởng phát triển nông nghiệp với cây xương rồng thật ra đã có một số start up khác thử nghiệm. Tuy nhiên, Wakonda thành công nhờ có cách thức hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nông dân địa phương. Thay vì chiếm dụng đất canh tác, công ty này cam kết sẽ mua toàn bộ sản lượng xương rồng của nông dân trong vòng ít nhất 15 năm. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân mà còn giúp giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường. Công ty Wakonda còn hỗ trợ nông dân về mặt công nghệ, thiết bị và kiến thức, giúp họ phát triển cây xương rồng một cách hiệu quả và bền vững.

Thành công tại miền Nam nước Ý, mô hình này tiếp tục mở rộng xuống Bắc Phi và cả Nam Mỹ. Tại Tunisia, xương rồng chiếm tới 12% diện tích đất canh tác, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân, đặc biệt là phụ nữ. Còn ở Mexico, bẹ xương rồng đang được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất da thực vật, thu hút sự quan tâm của các thương hiệu lớn như Adidas và Toyota.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng tuyên bố rằng ngành công nghiệp xương rồng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học.