Do sản xuất lúa gạo chiếm tới 15% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) nên Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu phát thải này từ việc thay đổi các thực hành canh tác và giống. Liệu yếu tố nào là quan trọng?
Sản xuất lúa gạo có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm ở Việt Nam cũng như có tầm quan trọng với các hộ tiểu nông cũng như nền kinh tế. Với diện tích sản xuất lúa gạo là 7,3 triệu ha, Việt Nam đứng thứ sáu thế giới về sản lượng lúa gạo. Diện tích lúa được tưới tiêu chiếm ưu thế ở cả hai đồng bằng lớn là ĐBSCL, nơi chiếm 55% diện tích, và ĐBSH 18%, trong đó ĐBSCL có một hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi phức tạp gồm đê kè, kênh, cung cấp nước tới 90% diện tích mùa vụ. Tuy nhiên, mực nước biển dâng cũng như việc phát triển nuôi tôm dẫn đến những thay đổi về điều tiết thủy lợi đã dẫn đến rủi ro ngày một gia tăng về xâm nhập mặn, mặn hóa khu vực canh tác ven biển.
Xu hướng tiêu thụ gắn với sản xuất bền vững đang đòi hỏi ngành lúa gạo phải thay đổi, liên quan đến giảm phát thải metan (CH4) và mở rộng đến dinitơ monoxide (N2O). Nông nghiệp chiếm 27,9% tổng phát thải GHG, trong đó gần một nửa là sản xuất lúa gạo. Do đó cần phải có những đổi mới công nghệ, chiến lược sản xuất cụ thể và cải thiện giống.
Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu Viện Lúa ĐBSCL và Viện Khoa học nông nghiệp nhiệt đới, ĐH Hohenheim, Đức đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá phạm vi phát thải GHG trên nhiều giống lúa khác nhau để bổ sung khái niệm lựa chọn các giống lúa phát thải thấp, tập trung vào: định lượng phát thải 20 giống chọn lọc trong điều kiện canh tác ở ĐBSCL; đánh giá các hiệu ứng tương tác giữa các giống và hai phương thức thực hành quản lý nước khác nhau về phát thải GHG để có dữ liệu cho đánh giá các chiến lược giảm thiểu… Đây là nghiên cứu sàng lọc có hệ thống đầu tiên về sự tương tác giữa việc chọn lọc giống và quản lý nước về phát thải GHG.
Họ đã thực hiện thí nghiệm trong vụ đông xuân giai đoạn 2019–2020 và 2020–2021 tại cánh đồng lúa ở xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang, nơi có khí hậu nhiệt đới với lượng mưa hằng năm 1.415 mm và nhiệt độ trung bình 27,4°C đồng thời áp dụng thực hành thông thường của tập đoàn Lộc Trời.
Dẫu chỉ là một phần đại diện của sự đa dạng di truyền của lúa gạo canh tác ở ĐBSCL, 20 giống lúa đã được sàng lọc cũng đủ đưa ra những thông điệp quan trọng về vai trò phát thải của các giống khác nhau. Dữ liệu cho thấy không thể giảm phát thải GHG nếu chỉ phụ thuộc vào giống mà phải dựa vào sự tương tác phức tạp giữa các nhân tố môi trường và di truyền trong quản lý mùa vụ. Hiệu quả giảm phát thải từ giống nhỏ hơn so với hiệu quả giảm phát thải từ các biện pháp quản lý nước, vì vậy cần có cách tiếp cận riêng cho các chiến lược giảm thiểu phát thải theo không gian và thời gian.
Tuy không đóng vai trò quan trọng nhưng bộ dữ liệu về các tỉ lệ phát thải phụ thuộc vào giống thu được có thể sử dụng do những dự án giảm thiểu trong tương lai, các tác giả nhấn mạnh. Các giống lúa phát thải lớn nhất là trong điều kiện sinh trưởng có nước liên tục còn trong điều kiện canh tác khô ướt xen kẽ, nhìn chung là giảm được phát thải. Với cả hai phương pháp này, phát thải dinitơ monoxide đều ở mức nhỏ. Do đó các tác giả cho rằng, việc chọn giống có thể cân nhắc để giảm phát thải metan nếu các biện pháp thoát nước không hiệu quả hoặc cánh đồng còn bị ngập trong thời kỳ có mưa lớn.
Họ cũng lưu ý, các hộ trồng lúa thường không đồng ý với việc chuyển đổi từ tưới liên tục sang xen kẽ khô ướt trong khi các biện pháp can thiệp từ giống vẫn được áp dụng thuận lợi hơn. Do đó, việc lựa chọn giống vẫn sẽ là nhân tố quan trọng trong các nỗ lực giảm phát thải.
Kết quả được nêu trong bài báo “Varietal effects on Greenhouse Gas emissions from rice production systems under different water management in the Vietnamese Mekong Delta”, xuất bản trên tạp chí Journal of Agronomy and Crop Science.