Theo một nghiên cứu mới, thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi năm và phát tán chúng vào bên trong cơ thể con người từ khắp mọi nơi.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature hôm 4/9, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds ở Vương quốc Anh ước tính rằng lượng ô nhiễm mỗi năm đủ để lấp đầy Công viên Trung tâm của Thành phố New York bằng rác thải nhựa.
Hàng triệu tấn rác thải nhựa trong tự nhiên
Nghiên cứu này xem xét lượng rác thải nhựa thải ra môi trường tự nhiên tại hơn 50.000 thành phố và thị trấn trên khắp thế giới, không tính nhựa thải ra bãi rác hoặc được xử lý đúng cách.
Họ ước tính khoảng 52 triệu tấn rác thải nhựa đã thải ra môi trường vào năm 2020, trong đó 43% là rác thải không đốt và 57% là qua các hoạt động đốt rác ngoài trời.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara thải ra nhiều rác thải nhựa nhất. Con số này bao gồm 255 triệu người ở Ấn Độ.
Thành phố Lagos ở Nigeria là thành phố thải ra nhiều rác thải nhựa nhất. Các thành phố gây ô nhiễm nhựa lớn nhất khác là New Delhi (Ấn Độ), Luanda (Angola), Karachi (Pakistan) và Al Qahirah (Ai Cập).
Ấn Độ dẫn đầu thế giới về ô nhiễm nhựa, sản xuất 10,2 triệu tấn mỗi năm, cao hơn gấp đôi so với các quốc gia gây ô nhiễm lớn tiếp theo là Nigeria và Indonesia. Trung Quốc đứng thứ tư nhưng đang có những bước tiến lớn trong việc giảm chất thải.
Các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu khác là Pakistan, Bangladesh, Nga và Brazil. Theo dữ liệu của nghiên cứu, 8 quốc gia này chịu trách nhiệm cho hơn một nửa ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Vào năm 2022, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý ký kết hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ở đại dương. Các cuộc đàm phán hiệp ước cuối cùng sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 11.
Mối nguy khi đốt rác thải nhựa
Khi nhựa thải ra môi trường, những hạt nhựa siêu nhỏ, hay còn gọi là nanoplastic, trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Người ta tìm thấy nhựa trong tuyết trên đỉnh những ngọn núi cao nhất và dưới đáy đại dương xa xôi nhất, và các hạt nhựa nhỏ cũng được phát hiện trong máu và sữa mẹ.
Phần lớn nguyên nhân thường được cho là do rác thải nhựa: những mảnh nhựa như ống hút mất nhiều thời gian để phân hủy, có thể gây hại cho hệ sinh thái trong nhiều thế hệ sau này.
Velis, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Trước đây, chúng ta không nhận thức như vậy về rác thải biển hay ô nhiễm nhựa”. Ông cho biết việc đốt rác sai cách và để nhựa cháy âm ỉ không làm rác “biến mất” mà chỉ làm phát tán những mảnh nhỏ hơn ra khắp môi trường.
Ông cho biết thêm rằng nó cũng làm giảm chất lượng không khí và khiến người dân sống gần đó phải tiếp xúc với các chất phụ gia cực kỳ độc hại được giải phóng khi đốt nhựa.
Một số nghiên cứu trong năm nay đã xem xét mức độ phổ biến của vi nhựa trong nước uống và trong các mô của con người, chẳng hạn như tim, não và tinh hoàn, trong khi các bác sĩ và nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về rủi ro của nó đối với sức khỏe con người.
Hoài Phương (Theo AP, AFP)