Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024: Thông điệp bảo tồn mạnh mẽ

Trong 50 năm (1970 – 2020), quy mô trung bình của các quần thể động vật hoang dã được giám sát trên toàn cầu đã giảm 73%. Trong đó, các quần thể nước ngọt là nhóm phải chịu mức suy giảm nặng nề nhất, khoảng 85%. Tiếp đó là các quần thể trên cạn (69%) và biển (56%).

Đó là những con số đáng báo động mà Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố trong Báo cáo Sức sống Hành tinh (LPR) 2024. Đây như một lời cảnh báo tới toàn bộ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cảnh báo khủng hoảng dạng sinh học toàn cầu

Báo cáo Sức sống hành tinh 2024 được tổng hợp dựa trên quá trình quan sát 35.000 xu hướng quần thể và 5.495 loài lưỡng cư, chim, cá, động vật có vú và bò sát. Bằng cách theo dõi những thay đổi về quy mô quần thể loài theo thời gian, LPR được xem là chỉ báo cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng và giúp con người hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của các hệ sinh thái.

Khi một quần thể giảm xuống dưới một mức nhất định, loài đó sẽ khó có thể thực hiện vai trò thông thường của mình trong hệ sinh thái – dù đó là vai trò phát tán hạt giống, thụ phấn, chăn thả, chu trình dinh dưỡng hay nhiều quá trình khác giúp hệ sinh thái vận hành hiệu quả và khỏe mạnh.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng suy thoái và mất đa dạng sinh học là do sự phát triển của hệ thống lương thực toàn cầu. Ngoài ra, vấn đề khai thác quá mức tài nguyên, các loài xâm lấn và dịch bệnh cũng là những yếu tố đóng góp vào sự suy giảm này. Các mối đe dọa khác bao gồm biến đổi khí hậu (được trích dẫn nhiều nhất ở Mỹ Latinh và Caribe) và ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương).

WWF đã hỗ trợ cơ quan chức năng Việt Nam trong nhiều hoạt động bảo tồn rừng.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Trí Tín – Quản lý Chương trình Bảo tồn Đa dạng Sinh học (WWF Việt Nam) cho biết, dù không trực tiếp đề cập tới Việt Nam nhưng kết quả Báo cáo Sức sống hành tinh 2024 vẫn là cảnh tỉnh mạnh mẽ về tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu. Thông điệp này có ý nghĩa cấp thiết đối với Việt Nam, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên quý giá mà Việt Nam đang sở hữu, cũng như khẳng định cam kết sâu sắc trong việc ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học.

“Báo cáo mang đến thông điệp rằng bảo tồn động vật hoang dã không chỉ là bảo vệ từng loài riêng lẻ mà còn là bảo tồn cả hệ sinh thái đảm bảo điều kiện cần thiết để duy trì cân bằng tự nhiên và phát triển bền vững. Việt Nam, với vị trí là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học phong phú, cần tăng cường thực hiện các biện pháp bảo tồn ngay từ bây giờ. Điều này bao gồm bảo vệ các vùng sinh cảnh quan trọng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và biển, và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của động vật hoang dã đối với hệ sinh thái và đời sống con người”, ông Nguyễn Văn Trí Tín lưu ý.

Nỗ lực bảo tồn của Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất khu vực Đông Nam Á song cũng đang đứng trước nhiều thách thức đe dọa đến mất đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học không phải bài toán dễ dàng đối với Việt Nam. Tốc độ suy giảm nhanh và những áp lực từ hoạt động phát triển, biến đổi khí hậu, và suy thoái sinh cảnh đang đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực bảo tồn.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn động vật hoang dã để giảm thiểu mức độ suy giảm và bảo vệ loài quý hiếm.

Nỗ lực này được thực hiện qua sự phối hợp giữa chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương. Đến nay, những kết quả tích cực đã được ghi nhận bao gồm sự mở rộng các khu bảo tồn, cập nhật khung pháp lý với hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi săn bắn và buôn bán trái phép.

Nhiều hoạt động tuần tra tháo gỡ bẫy và chống săn bắt trái phép đã được triển khai. Đồng thời, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định quốc tế như Công ước đa dang sinh học CBD, Khung đa dạng sinh học toàn cầu GBF – Côn Minh và Montreal, Công ước CITES và Ramsar.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn, bao gồm các chương trình phát triển sinh kế bền vững, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động này không chỉ giúp giảm áp lực lên động vật hoang dã mà còn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trí Tín, vẫn còn nhiều thách thức đang cản đà “tiến lên” của những nỗ lực trên, như tình trạng săn bắn và buôn bán động vật trái phép diễn ra phổ biến, đặc biệt ở vùng nông thôn và biên giới. Nhiều khu bảo tồn còn thiếu nguồn lực và nhân lực chuyên môn cần thiết. Thậm chí, ở một số nơi còn xảy ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế khi tồn tại nhiều cộng đồng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Đặc biệt, biến đổi khí hậu cũng đang làm thay đổi môi trường sống của các loài động vật, tăng nguy cơ tuyệt chủng.

Trước những thách thức này, Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, tăng cường giáo dục cộng đồng, đảm bảo nguồn lực cho các chương trình bảo tồn, và phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

“WWF đã hỗ trợ cơ quan chức năng Việt Nam trong nhiều hoạt động bảo tồn rừng.Báo cáo LPR cung cấp xu hướng quần thể loài ở cấp khu vực, không ở cấp quốc gia. Do đó, không có dữ liệu riêng cho từng quốc gia. Tuy nhiên, báo cáo đề cập chung về các mối đe dọa đối với các loài hoang dã ở địa phương, đặc biệt là các loài đang trong tình trạng nguy cấp, tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng do mất môi trường sống, săn bắt trái phép, và khai thác quá mức” – Ông Nguyễn Văn Trí Tín – Quản lý Chương trình Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam)