Phương án xử lý gần 1.000 ha rừng trồng sai quy định

Cơ quan chuyên môn đề xuất cho khai thác diện tích rừng liên doanh sai quy định, sau đó chấm dứt hợp đồng.

Ngày 13.11, nguồn tin của Báo Lao Động xác nhận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có đề xuất gửi UBND tỉnh về việc xử lý các hợp đồng liên doanh trồng rừng sản xuất tại các ban quản lý rừng phòng hộ.

Rừng trồng liên doanh ở Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn. Ảnh: Hưng Thơ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị UBND tỉnh xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất để Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tổ chức khai thác hơn 600ha rừng trồng liên doanh năm 2016 và 2018. Sau khi khai thác rừng trồng ở diện tích trên, sẽ chấm dứt hợp đồng với các bên liên doanh trồng rừng.

Kinh phí thu được từ khai thác hơn 600ha rừng trồng sẽ sử dụng đúng quy định, tiếp đó sẽ xây dựng mới đề án liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với hơn 300ha rừng trồng liên doanh ở Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn được trồng năm 2020, do cây rừng chưa đến tuổi khai thác, nên đề xuất tiếp tục duy trì hợp đồng với các bên liên doanh. Đến cuối năm 2025, đầu năm 2026 thực hiện khai thác cây trên đất và chấm dứt hợp đồng liên doanh.

Liên quan đến việc liên doanh, liên kết trồng rừng trên diện tích gần 1.000ha đất rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, Báo Lao Động đã thông tin qua bài viết “Gần 1.000 ha đất rừng liên doanh trồng rừng sai quy định ở Quảng Trị”. Theo hợp đồng ký kết, 2 ban quản lý rừng nói trên đã giao đất rừng cho doanh nghiệp khai hoang, mở đường rồi trồng cây. Kinh phí do doanh nghiệp bỏ ra, đến khi khai thác, lợi nhuận sẽ chia theo tỉ lệ doanh nghiệp 70%, ban quản lý rừng 30% và doanh nghiệp được trồng cây trên đất 3 chu kỳ.

Vào tháng 10.2023, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị giám sát thì phát hiện việc liên doanh, liên kết trồng rừng ở 2 ban quản lý rừng sai quy định. Theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công, thì việc lấy đất rừng để liên doanh, liên kết trồng rừng nói trên phải làm hợp đồng thuê đất trả tiền 1 lần. Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện không phải lấy từ ngân sách nhà nước và đơn vị thực hiện là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên.