Ngày 13/11, tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, đã diễn ra Chương trình “Tập huấn hướng dẫn cứu hộ rùa biển, thú biển và thu thập thông tin khai thác không chủ ý nhóm loài này”.
Chương trình “Tập huấn hướng dẫn cứu hộ rùa biển, thú biển và thu thập thông tin khai thác không chủ ý nhóm loài rùa biển, thú biển” do Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam), Tổ chức bảo vệ động vật Humane Society International (HSI) tổ chức Chương trình “Tập huấn hướng dẫn cứu hộ rùa biển, thú biển và thu thập thông tin khai thác không chủ ý nhóm loài rùa biển, thú biển”.
Đây là chương trình tập huấn quan trọng, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho những cán bộ công tác bảo tồn biển, quản lý thủy sản ở các địa phương có thể tham gia cứu hộ hoặc tổ chức tuyên truyền, tập huấn lại cho ngư dân ở địa phương mình về quy trình cứu hộ các loài rùa biển, thú biển.
Tại lớp tập huấn, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, kết quả thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển cho thấy, công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển đã có những chuyển biến rõ nét, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo tồn, bảo vệ rùa biển đã có chuyển biến sâu sắc; công tác ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rùa biển đều có tiến triển tốt…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: môi trường nước ô nhiễm, nơi kiếm ăn bị thu hẹp, các bãi đẻ bị tác động mạnh (xây khu du lịch, tác động thường xuyên của các hoạt động kinh tế – xã hội…); tình trạng khai thác không chủ ý vẫn còn diễn ra; hiện tượng buôn bán, tiêu thụ rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển bất hợp pháp vẫn còn tiếp diễn tại một số địa phương; công tác phối hợp của các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về rùa biển còn chưa kịp thời; nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn rùa biển còn nhiều hạn chế, công tác cứu hộ chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ…
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết thêm, trong chương trình tập huấn, các học viên được hướng dẫn các kỹ năng chuyên sâu về cứu hộ rùa biển và thú biển, cách xử lý tình huống khẩn cấp, chăm sóc cá thể bị thương và các phương pháp giúp tái thả chúng về môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, khóa tập huấn cũng giới thiệu các phương pháp thu thập thông tin về các trường hợp khai thác không chủ ý đối với rùa biển và thú biển, một nhiệm vụ quan trọng giúp hiểu rõ hơn về tình trạng của loài, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp.
Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, cán bộ quản lý Chương trình biển và vùng bờ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam cho biết, Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) là nơi có rùa lên các bãi đẻ nhiều chỉ sau Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đã có những hoạt động rất thiết thực với công tác bảo tồn rùa biển, đặc biệt là chương trình tình nguyện viên đang được thực hiện hằng năm. Đây là những cơ hội truyền tải các thông điệp, truyền thông mang tính toàn quốc về công tác bảo tồn rùa biển.
Theo Cục Kiểm ngư, rùa biển và các loài thú biển là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái biển. Tại vùng biển Việt Nam đã ghi nhận được 5 loài rùa biển sinh sống và kiếm ăn dọc vùng ven biển và các đảo xa bờ gồm: Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng, Rùa da và khoảng hơn 30 loài thú biển.
Tất cả các loài rùa biển, thú biển đều nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN. Trong đó, các loài rùa biển thuộc Nhóm I của Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành tại Nghị định 64/2019/NĐ-CP; các loài thú biển đều thuộc Nhóm I của Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ban hành tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ.