Ban Kinh tế Trung ương trình xin ý kiến Bộ Chính trị 6 vấn đề quan trọng liên quan đến đất nông, lâm trường và sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.
Ban Kinh tế Trung ương vừa có Tờ trình gửi Bộ Chính trị về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và kết luận số 82 – KL/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, toàn quốc có 48 đầu mối quản lý 256 công ty nông, lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh thuộc diện phải sắp xếp, đổi mới. Tính đến hết tháng 9/2024 đã có 161/256 công ty hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại 31 địa phương, 3 tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Vẫn còn 95 công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành. Việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, không đạt mục tiêu đề ra…
Ban Kinh tế Trung ương xin ý kiến Bộ Chính trị 6 vấn đề cụ thể, gồm:
Thứ nhất, Bộ Chính trị xem xét, thông qua Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 30 và kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30, trong đó bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đất đai, lâm nghiệp…
Lý do vì việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp được thực hiện trong 10 năm nhưng còn 37% số công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty sau sắp xếp đổi mới rất thấp, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị để tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tình hình quản lý đất đai của nhiều công ty nông, lâm nghiệp rất phức tạp, cần có quyết tâm chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để giải quyết căn cơ những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
“Phần lớn các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đề cập trong Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện”, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị.
Thứ hai là vấn đề “giữ lâm nghiệp quản lý diện tích đất đai lớn, Nghị quyết 30 quy định: “Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thị trường”.
Tuy nhiên, Kết luận 82 lại bổ sung quy định: “Bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước đối với công ty nông, lâm nghiệp quản lý điện tích lớn (từ 500 ha trở lên đối với công ty nông nghiệp, từ 1.000ha trở lên đối với công ty lâm nghiệp)”. Thực tế cho thấy, từ khi có Kết luận 82 đến nay, chưa có công ty nông, lâm nghiệp nào thu hút được nhà đầu tư để chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH 2 thành viên Nhà nước giữ quyền chi phối.
Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp ý kiến từ các địa phương và cho rằng việc bổ sung quy định quyền chi phối của Nhà nước đã gây khó khăn cho thu hút doanh nghiệp tham gia góp vốn vào công ty nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, kiến nghị Bộ Chính trị cho giữ nguyên nội dung chỉ đạo này tại Nghị quyết 30, không quy định thêm điều kiện Nhà nước giữ quyền chi phối như Kết luận 82.
Thứ ba, về hỗ trợ kinh phí rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính; hỗ trợ xử lý dứt điểm giải thể các công ty nông, lâm nghiệp.
Việc hỗ trợ kinh phí để rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, theo báo cáo của các địa phương, có đến 30/45 tỉnh, thành phố chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp. Nguyên nhân chính là chưa có kinh phí để thực hiện các các nhiệm vụ này, gây nhiều khó khăn, hạn chế trong xử lý các vấn đề liên quan tới tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, khoán trắng trái quy định của pháp luật.
“Theo đề nghị của nhiều địa phương, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng cân đối từ ngân sách địa phương cho công tác đo đạc; cắm mốc ranh giới, lập sơ đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, tờ trình nêu.
Nhiều địa phương cũng có ý kiến, việc giải thể các công ty nông, lâm nghiệp cần có nguồn kinh phí nhất định phục vụ cho việc định giá tài sản, lập hồ sơ giải thể… song các công ty này nhiều năm sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có nguồn lực tài chính để thực hiện các thủ tục giải thể; mặt khác chưa có các quy định về hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho việc giải thể nên các địa phương không thể bố trí kinh phí thực hiện. Do đó, dù được phê duyệt phương án giải thể từ nhiều năm nhưng 22/28 công ty nông, lâm nghiệp không thể hoàn thành thủ tục giải thể. Do đó, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí để giải quyết dứt điểm việc giải thể các đơn vị còn tồn đọng.
Thứ tư, thí điểm huy động đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng không hiệu quả để thực hiện dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao. Thực tế có nhiều diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, nông, lâm trường qua thời gian dài quản lý, sử dụng không hiệu quả, không phát huy được nguồn lực đất đai, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự tại địa phương, để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp, khiếu kiện, mua bán đất nông, lâm nghiệp trái pháp luật; gây khó khăn cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp; nghiên cứu, thí điểm huy động quỹ đất được giao cho các công ty nông, lâm nghiệp, nông, lâm trường quản lý nhưng sử dụng chưa hiệu quả để thực hiện dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ năm, về cơ chế đặt hàng các dịch vụ công ích, một số bộ, ngành, địa phương có ý kiến rằng, đối với các công ty nông, lâm nghiệp được giao thêm nhiệm vụ về bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và các nhiệm vụ công ích khác thì cần tách bạch các nhiệm vụ này để bảo đảm sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hạn chế sự thiếu minh bạch trong sử dụng kinh phí thực hiện.
Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị đến Bộ Chính trị có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, chính sách thuế, tín dụng ưu đãi cho công ty nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp trên các địa bàn chiến lược. Quy định rõ cơ chế Nhà nước đặt hàng đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xen kẹt.
Thứ sáu, về vấn đề ưu tiên bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an ninh trật tự. Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị, kiên quyết thu hồi phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật và những diện tích đất quản lý, sử dụng không hiệu quả, có sai phạm kéo dài để giao lại địa phương quản lý, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất được giao của đồng bào dân tộc thiểu số, sớm giải quyết căn cơ tình trạng dân di cư tự do, nhất là tại vùng Tây Nguyên.