“Dấu chân carbon” (carbon footprint) trong du lịch là tổng lượng khí nhà kính, chủ yếu là CO2 được thải ra trong quá trình thực hiện một chuyến đi. Việc này bao gồm mọi hoạt động: Di chuyển tới điểm đến, ăn uống, lưu trú giải trí… Vì thế, du lịch tuy được gọi là ngành công nghiệp xanh, công nghiệp không khói nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ phát thải khá lớn. Thậm chí, ngành công nghiệp không khói còn được dự báo có thể sinh ra 6,5 tỷ tấn khí thải carbon vào năm 2025 và chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính; trong đó, hàng không chính là nguồn phát thải lớn nhất với 25% tổng lượng khí thải CO2 của ngành du lịch.
Trước thực tế trên, việc kiểm soát ô nhiễm khí thải carbon, giảm “dấu chân carbon” của ngành du lịch đang ngày càng trở nên cấp thiết và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng, trong những lĩnh vực được cho là trọng tâm, trọng điểm của chuyển đổi xanh tại Việt Nam, du lịch là ngành cần chuyển đổi xanh nhất vì đây là lĩnh vực trực tiếp phục vụ con người. Hơn hết, đó còn là câu chuyện của cạnh tranh điểm đến, là hình ảnh quốc gia. Mặt khác, xu hướng của phần lớn du khách hiện nay, nhất là thế hệ gen Z không chỉ quan tâm đến việc trải nghiệm, khám phá, tận hưởng cá nhân, mà bản thân họ cũng muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… ngay trong quá trình du lịch.
Theo một khảo sát của Booking.com năm 2023, có đến 97% du khách người Việt Nam muốn tham gia vào các điểm đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, năm 2022, số đo “dấu chân carbon” của Việt Nam là khoảng 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu, vượt nhiều quốc gia khác trong khu vực. Vì thế, giảm “dấu chân carbon” trong du lịch cũng sẽ góp phần đáng kể cải thiện “dấu chân carbon” của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo các chuyên gia, xác định “dấu chân carbon” là việc làm quan trọng mà ngành du lịch cần ưu tiên thực hiện để phát triển du lịch Net Zero – hoàn toàn không phát thải khí carbon và không gây hại môi trường.
Tuy nhiên, xác định “dấu chân carbon” của ngành du lịch là điều không hề dễ dàng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với nhiều hoạt động nhỏ lẻ như: Ăn uống, lưu trú, vận chuyển… nên không dễ xác định nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí về giảm thiểu phát thải để doanh nghiệp có mục tiêu phấn đấu, kiểm soát và thay đổi chiến lược phù hợp. Dựa vào bộ tiêu chí các cơ quan hữu quan sẽ đo lường được mức độ phát thải trong hoạt động du lịch của doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực cần cải thiện và hướng đến các giải pháp hiệu quả nhất. Ðồng thời, cần “xanh hóa” từng cấu phần của du lịch và quá trình này cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, nhất là vai trò của khách du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng điểm đến, cũng như sự ủng hộ, khuyến khích thông qua những chính sách cụ thể, thiết thực từ Chính phủ. Ðó là sự cộng hưởng từ những nỗ lực của ngành hàng không trong việc giảm phát thải trên mỗi chuyến bay; sử dụng phương tiện chạy bằng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt; đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống xe buýt xanh, ta-xi xanh, xe đạp công cộng từ các đô thị lớn cho tới các địa phương thủ phủ du lịch…
Ðối với mỗi du khách, nếu phải sử dụng phương tiện hàng không, có thể giảm lượng khí thải chung của chuyến bay bằng cách giảm trọng lượng hành lý, hạn chế chọn một số chuyến bay có quá cảnh, sử dụng vé máy bay điện tử… Khi đã tới điểm đến, du khách cần lựa chọn các địa điểm lưu trú thân thiện với môi trường; đi bộ hoặc đạp xe bất cứ khi nào có thể; nói không với ống hút nhựa, túi lưu niệm bằng nhựa khi mua sắm tại địa phương… Bằng những việc làm cụ thể như vậy chính là cách thiết thực để chúng ta bảo vệ môi trường sống của mình.