Để đạt mục tiêu khí hậu, Đông Nam Á cần tăng mạnh đầu tư vào năng lượng sạch và giảm phát thải từ nhà máy điện than, theo IEA.
Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng sạch lên 190 tỉ USD, gấp năm lần so với hiện nay, vào năm 2035 để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Báo cáo từ IEA cho rằng, mức đầu tư này phải đi đôi với các chiến lược giảm phát thải từ nhà máy điện than, hiện vẫn phổ biến trong khu vực. Dự báo cho thấy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khu vực sẽ chịu áp lực lớn về an ninh năng lượng và cam kết khí hậu.
Tuy nhiên, các nỗ lực đóng cửa sớm nhà máy điện than tại các quốc gia mới nổi, được hỗ trợ bởi các nước phát triển phương Tây, đang gặp nhiều trì hoãn. Hạn chót vào tháng 7 vừa qua để đạt thỏa thuận đóng cửa sớm một dự án thí điểm tại Indonesia đã trôi qua mà không đạt được kết quả.
Nhu cầu điện tại Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng 4% mỗi năm trong thời gian tới. Các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời, năng lượng sinh học hiện đại và địa nhiệt có thể đáp ứng hơn một phần ba mức tăng trưởng này vào năm 2035, theo IEA. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng điều đó vẫn chưa đủ để kiềm chế lượng phát thải CO2 từ năng lượng, dự kiến sẽ tăng thêm 35% từ nay đến giữa thế kỷ.
“Các công nghệ năng lượng sạch chưa phát triển đủ nhanh, trong khi sự phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu khiến các nước trong khu vực đối diện nhiều rủi ro”, ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA, nhận định.
Theo báo cáo, hiện khu vực Đông Nam Á chỉ thu hút 2% tổng vốn đầu tư năng lượng sạch toàn cầu, trong khi khu vực chiếm tới 6% GDP, 5% nhu cầu năng lượng và 9% dân số thế giới.
Để mở rộng và hiện đại hóa lưới điện của khu vực, nhằm hỗ trợ tỉ lệ năng lượng tái tạo cao hơn, khu vực cần gấp đôi khoản đầu tư hàng năm cho việc mở rộng và hiện đại hóa lưới điện, lên gần 30 tỉ USD vào năm 2035.
Nguồn Reuters