Đại biểu Quốc hội: Áp thuế 5% với phân bón có lợi cho “3 nhà”

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Ngày 29/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận

Phân bón chịu thuế 5% có lợi cho “3 nhà”

Liên quan đến nội dung còn ý kiến khác nhau về chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, Đoàn đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%.

Đại biểu phân tích, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số một đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện nay đang chiếm 64% đến 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Thuế GTGT đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71 chuyển từ diện chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ hoàn thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. “Điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới hướng tới sản xuất nhanh, bền vững; trong khi đó phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận

Đặc biệt, trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới trong giai đoạn 2015-2020 trước thời điểm đại dịch COVID-19 giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ có nguy cơ dẫn đến phá sản. Việc sửa đổi Luật thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư. Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho 3 nhà, nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Có chung quan điểm với đại biểu Đặng Bích Ngọc, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nội dung áp thuế 5% đối với phân bón đã được trao đổi rất nhiều, từ kỳ họp thứ 7 đến Hội nghị chuyên trách và rất nhiều hội nghị khác. Đại biểu cho rằng khi Chính phủ, Quốc hội bàn những lĩnh vực nhất là lĩnh vực liên quan đến người dân, liên quan đến doanh nghiệp thì chắc chắn không thể ban hành một chính sách ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp; chúng ta phải hướng tới một chính sách tốt nhất cho nền kinh tế của người dân, doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi được cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội trường

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, thuế GTGT phải có tính chất luân hồi, đầu vào và đầu ra phải đi cùng với nhau; không có nguyên lý đầu ra không chịu thuế mà đầu vào lại khấu trừ. Khi chúng ta làm Luật 71 đưa thuế GTGT phân bón từ 5% về không chịu thuế đã rất bất lợi cho doanh nghiệp. Lấy ví dụ, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đầu vào mua khoảng 80 đồng thì họ sẽ chịu thuế GTGT đầu vào là 8 đồng, bán giá phân bón ra là 100 đồng. Nếu giá đó không được khấu trừ thì về nguyên tắc họ phải đưa vào chi phí, phải tính vào giá và giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu chúng ta đưa vào 5% thì doanh nghiệp đó được khấu trừ đầu vào 8 đồng, ta cộng với 5% nữa thì giá chỉ còn 105 đồng.

“Khi làm giá phải theo nguyên tắc của kế toán, của tài chính, không phải đương nhiên chúng ta cứ áp dụng thuế 5% thì giá tăng lên 5%. Ta phải tính tính chất của Luật GTGT như vậy. Tôi đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều này là có cơ sở”, đại biểu Trịnh Xuân An nói, đồng thời nhấn mạnh thêm, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phải bình đẳng với nhau. Việc áp dụng thuế 5% chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước chúng ta bảo vệ được và người dân sẽ có cơ hội được giảm giá.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình áp thuế 5% với phân bón

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), liên quan đến nội dung chuyển phân bón sang mặt hàng chịu thuế 5%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trước Quốc hội

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu. Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất; Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,… Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Đúng như ý kiến ĐBQH, phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế GTGT phải nộp, song tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất; ngoài ra, mặt bằng giá còn đặt trong xu thế giảm giá chung của thị trường phân bón thế giới sau khi hết dịch Covid-19.

Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

“Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7”, ông Lê Quang Mạnh cho biết.