Thông qua bẫy ảnh, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã phát hiện một số loài động vật cực kỳ nguy cấp như gà lôi tía; một số loài nguy cấp, sắp nguy cấp như: cầy vằn bắc, cầy vòi mốc, gà so núi.
Theo thông tin của Vườn quốc gia Hoàng Liên, thực hiện Chương trình “Điều tra, đánh giá các loài thú tại Vườn quốc gia Hoàng Liên”, từ tháng 4 – 10/2024, Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên) đã thực hiện lắp đặt 20 máy bẫy ảnh trên 3 tuyến điều tra.
Các điểm bẫy ảnh được thiết lập theo ô lưới ngoài hiện trường ở sinh cảnh rừng chủ yếu các loài cây dẻ, sồi, vối thuốc,… mọc xen lẫn với các loài cây vầu, trúc, sặt, các loài cây bụi thảm tươi như cỏ gianh, ràng ràng, dương xỉ, cói.
Các điểm bẫy ảnh cách nhau khoảng 500m và được gắn chặt vào các thân cây ở chiều cao từ 20 đến 40cm so với mặt đất, nhằm tối đa hóa khả năng ghi nhận loài mục tiêu của nghiên cứu.
Kết quả thu được trên tuy chưa thể hiện hết hình ảnh đa dạng các loài động vật tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) nhưng phần nào cho thấy sự xuất hiện một số loài động vật hiếm gặp tại đây, chứng tỏ công tác quản lý bảo vệ rừng đã và đang thực hiện tốt.
Với kết quả lần đầu tiên được thực hiện cho thấy Vườn quốc gia Hoàng Liên đang sở hữu tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, độc đáo, có tiềm năng du lịch sinh thái, cần được tăng cường bảo vệ và giám sát đa dạng sinh học.
Kế hoạch trong thời gian tới, Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên sẽ phối hợp với các đơn vị tiếp tục lắp đặt máy bẫy ảnh ở nhiều sinh cảnh khác nhau nhằm điều tra, đánh giá một số loài thú cụ thể tại vườn quốc gia này.