Trước tình trạng các loài chim hoang dã di cư bị săn bắt, buôn bán nhiều, Kiểm lâm Thái Bình đã, đang tăng cường ngăn chặn, xử lý.
Tràn lan quảng cáo rao bán chim hoang dã làm mồi nhậu
Đến hẹn lại lên, mỗi năm đến mùa chim hoang dã di cư, trong các hội nhóm trên Facebook tại tỉnh Thái Bình lại xuất hiện tràn ngập những bài đăng quảng cáo, rao bán đủ các loại chim, cò, vạc, gà đồng… đến giang, diệc, tu hú, sâm sen, câu biển, le le… để khách mua về làm mồi nhậu.
Loài thông thường, nhiều, dễ bẫy bắt thì khi vào mùa, hầu như ngày nào cũng có, loài quý hiếm và khó săn bắt hơn thì thi thoảng lại thấy.
Anh Thành (tên nhân vật đã được thay đổi, 30 tuổi, trú TP.Thái Bình) cho biết, bản thân anh và bạn bè thường xuyên tụ tập liên hoan, nhậu nhẹt, vốn đã chán ngán những món ăn được nuôi nhốt nên khi gặp những bài đăng quảng cáo rao bán chim cò tự nhiên như trên thì khó có thể cưỡng lại được.
“Cứ lướt trên Facebook, lại thấy đủ loài chim với màu sắc còn tươi nguyên, béo múp, chủ bài đăng cho biết là vừa bẫy bắt được đêm qua, tối qua, hỗ trợ làm sạch, chuyển hàng tận nơi. Do vậy bản thân tôi và bạn bè thi thoảng lại đặt người ta chuyển đến tận nhà, mình nhận hàng xong thì chuyển khoản trả tiền.
Biết rằng mua ăn, tiêu thụ chim trời là tiếp tay cho hành vi săn, bẫy bắt, tận diệt các loài chim hoang dã nhưng nhiều khi vì hấp dẫn quá không cưỡng lại được, tâm lý là mình không mua thì người khác mua, mình không ăn thì người khác cũng ăn, việc săn bắt vẫn diễn ra… nên lại tặc lưỡi”, anh Thành chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, đa số các bài đăng quảng cáo trên Facebook với số lượng chim nhiều, đa dạng loài, tần suất đăng bài nhiều và đều hầu hết là của những người buôn bán chim trời, không phải từ những người trực tiếp bẫy, bắt.
“Nhà em đặt được nhiều chỗ, với nhiều loại khác nhau, giá cả cạnh tranh, khi có hàng là họ gọi đến lấy nên anh cứ yên tâm về chất lượng. Nhà em nói không với hàng cấp đông, hỗ trợ làm sạch, miễn phí ship, giao hàng tận nơi, anh nhận hàng xong thấy ổn thì chuyển khoản cho em”, D.G – một người chuyên buôn bán hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là chim trời trên các hội nhóm Facebook đông thành viên ở Thái Bình – cam kết khi PV liên hệ hỏi mua hàng.
Tăng cường ngăn chặn, xử lý nhưng chưa thể triệt để
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình), thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tiến hành tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi giăng lưới bẫy bắt và nuôi nhốt các loài chim hoang dã trái phép.
“Vừa qua, chúng tôi đã phát hiện 7 vụ việc người dân giăng lưới bẫy bắt các loài chim hoang dã và dùng chim mồi dẫn dụ bẫy bắt chim hoang dã tại khu vực cánh đồng, vùng đầm nuôi trồng thủy sản tại các xã Đông Long, Vũ Lăng (huyện Tiền Hải). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý tháo gỡ 1.300 mét lưới, thu gỡ 2 mô hình giả, thả tại chỗ tổng số 33 cá thể chim hoang dã trong đó có 5 cá thể diệc, 7 cá thể cò trắng, 21 cá thể vạc về môi trường tự nhiên”, ông Đinh Hải Lục – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Bình – thông tin.
Vẫn theo ông Lục, năm nào đơn vị cũng thành lập đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắt, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, trong đó có các loài chim hoang dã di cư trên địa bàn 7 huyện và thành phố trong toàn tỉnh.
Năm 2023, đoàn cũng đã phối hợp với UBND cấp xã sở tại tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát qua đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý 9 vụ điển hình vi săn bắn, bẫy, nuôi nhốt trái phép, rao bán các loài động vật, chim hoang dã. Thế nhưng, tình trạng này đến nay vẫn chưa thể được ngăn chặn triệt để.