Người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên đã qua đời

Ngày 28/10, người nhà của ông Đặng Vân Long (tên Chăm là Đàng Năng Long) cho biết ông đã qua đời vào chiều 27/10, thọ 63 tuổi. Ông nổi tiếng là người sở hữu số lượng voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên và cả nước. Số lượng voi ông sở hữu có lúc lên tới 7 con. Ông cũng là người yêu voi, hiểu biết về voi và luôn nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển đàn voi nhà.

Ông Đàng Năng Long năm 2023 bên đàn voi của mình.

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Nỗi lòng của “vua voi” Đàng Năng Long

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Những con voi có số phận bi thảm nhất Tây Nguyên

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Nỗi lòng của “vua voi” Đàng Năng Long

Cần tính toán kỹ phương án nếu muốn trả voi Thủ Lệ “về nhà”

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Hy vọng từ việc “cởi trói” cho voi nhà

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Việt Nam cần đưa ra kế hoạch bảo tồn voi bài bản và quyết liệt hơn

Ông Đàng Năng Long sinh năm 1962, quê ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ông Long xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi voi. Bố ông là Đàng Nhảy, một người buôn bán voi và sở hữu đàn voi nhà lớn trong vùng. Ông Long được thừa hưởng, tiếp nối truyền thống ấy.

Trong nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần xuống thăm, làm việc và viết bài về ông Đàng Năng Long về công tác chăm sóc và nỗ lực bảo tồn đàn voi nhà của ông. Ông là người rất yêu voi, xem đàn voi như người thân trong gia đình mình vậy.

Vì vậy, cũng như một số khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đàn voi của ông Long được sử dụng phục vụ chở khách du lịch để có thu nhập và mua thức ăn cho voi. Tuy nhiên, ông nhận ra việc đàn voi suốt ngày cứ “cõng” khách, ít có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, nhất là không được ở trong rừng tự nhiên để giao phối, sinh sản thì đàn voi sẽ chết dần, chết mòn khiến đàn voi nhà ở Đắk Lắk có nguy cơ biến mất. Do đó, cần phải chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi để đàn voi có nhiều thời gian nghỉ ngơi, kết bạn, sinh sản.

Từ suy nghĩ đó, ông Long đã đến nhiều quốc gia có truyền thống nuôi voi, xem cách họ khai thác du lịch có sử dụng voi ra sao… Sau đó, ông quyết định thử nghiệm mô hình sản xuất cà-phê voi bằng cách cho voi ăn hạt cà-phê, sau đó thải bằng đường tiêu hóa như dạng cà-phê chồn.

Đặc biệt, sau hàng chục năm cả đàn voi nhà 40-50 con trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không có con nào sinh sản được, do bị xiềng xích, phục vụ du lịch… nên ông Long là người đi đầu trong việc đưa đàn voi nhà vào rừng ghép cặp cho voi kết đôi, sinh sản…

Trong những năm dịch Covid-19 bùng phát, ông Đàng Năng Long đã đưa bảy con voi của gia đình về khu rừng bên kia sông Krông Ana để chăn thả, hòa mình với tự nhiên.

Để chăn thả 7 con voi này, ông Long đã thuê 7 lao động là người địa phương, với tiền công là 35 triệu đồng một tháng để chăm sóc đàn voi. Ngoài ra, từ 15 giờ đến 18 giờ hằng ngày, ông và con đều chạy xe máy băng rừng ra chăm sóc đàn voi. Nhờ được thả về với rừng, sinh sống trong môi trường tự nhiên, ăn uống đầy đủ nên con voi nào cũng mập ra.

Đàn voi của ông Đàng Năng Long tham gia một lễ hội của huyện Lắk.

Tôi vẫn nhớ rất rõ trong buổi làm việc giữa tôi và ông Đàng Năng Long vào giữa năm 2021, lúc ấy dịch Covid-19 đang bùng phát, ngồi bên hồ Lắk thơ mộng, ông Long đề xuất ý tưởng với tôi: “Để đàn voi nhà không phục vụ du lịch cưỡi voi như lâu nay nữa, thì chính quyền địa phương cần quy hoạch, bố trí một khu vực đất rừng để đưa tất cả đàn voi nhà trên địa bàn huyện vào đó sinh sống, chăm sóc (thời điểm ấy trên địa bàn huyện Lắk còn 17 con voi nhà). Tôi sẽ tình nguyện là người đi chăm sóc đàn voi không cần trả công. Bởi gia đình tôi đã 2-3 thế hệ gắn bó với đàn voi nên coi voi như người thân trong gia đình. Hơn nữa, khi thả voi về với tự nhiên, vừa để phục vụ du lịch ngắm voi, vừa bảo tồn tốt đàn voi vì khi trở về với thiên nhiên thì đàn voi còn có cơ hội để sinh sản, mới bảo tồn được đàn voi, còn cứ nuôi như lâu nay đàn voi vừa phục vụ du lịch, không có điều kiện chăm sóc tốt, vừa không có cơ hội sinh sản. Bởi lâu nay mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên, điều đầu tiên người ta nhắc đến là đàn voi, còn nếu không bảo tồn được đàn voi thì không còn là Tây Nguyên nữa”.

Ý tưởng, nguyện vọng của ông Đàng Năng Long là vậy, nhưng hôm nay nghe tin dữ ông đã qua đời, rồi mai đây không biết ý tưởng, nguyện vọng ấy của ông có ai tiếp nối hay không để đàn voi của ông cũng như đàn voi nhà ở Đắk Lắk được bảo tồn tốt nhất?