Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tính đến tháng 8 năm 2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội với 94.7% số gấu tập trung ở huyện Phúc Thọ. Chiếm khoảng 49% tổng số gấu bị nuôi nhốt tại Việt Nam.
Điểm nóng về nuôi nhốt gấu trên cả nước
Trong buổi họp báo “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam – Hành trình sắp cán đích” do ENV tổ chức ngày 22/10, số liệu thống kê của tổ chức này cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt nhiều nhất cả nước, chiếm gần một nửa tổng số gấu bị nuôi nhốt trên toàn quốc.
Trả lời câu hỏi của PV Báo TN&MT về tình trạng nuôi nhốt gấu tại Hà Nội trong buổi họp báo, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV cho biết, trong thời gian qua Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, chính quyền thành phố đã đẩy mạnh giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp gấu nuôi nhốt.
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 7 cá thể gấu được các chủ nuôi tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để chuyển đến trung tâm cứu hộ. Đây là những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố và nỗ lực của các bên liên quan.
Tuy nhiên, với 94 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại Hà Nội, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, ENV cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền các cấp. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố. Đồng thời, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, cần kiên trì vận động, thuyết phục các chủ gấu tự nguyện giao nộp gấu cho nhà nước.
“Một điều đáng chú ý ở Hà Nội là có sự khác biệt lớn về số lượng gấu nuôi nhốt giữa các chủ nuôi. Có những hộ chỉ còn nuôi 1-2 cá thể, nhưng cũng có những hộ nuôi tới cả chục, thậm chí gần 20 cá thể gấu. Việc nuôi nhốt số lượng lớn như vậy rõ ràng tạo ra áp lực kinh tế không nhỏ cho các chủ nuôi. Tuy nhiên, họ vẫn không mặn mà với việc chuyển giao gấu cho nhà nước. Điều này dấy lên lo ngại rằng một số chủ nuôi có thể đang tiến hành các hoạt động nuôi nhốt, buôn bán gấu trái phép.” – Bà Hà cho biết thêm.
Đại diện ENV nhấn mạnh, trong bối cảnh hoạt động nuôi gấu đang dần đi đến hồi kết tại các tỉnh thành trên cả nước, thành phố Hà Nội, đặc biệt là huyện Phúc Thọ, cần có những chỉ đạo và hành động quyết liệt hơn bao giờ hết để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi gấu lấy mật tại thủ đô.
Sau gần 20 năm nỗ lực nhằm chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, số lượng gấu tại các cơ sở tư nhân đã giảm 95% từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 xuống còn 192 cá thể tại 60 trại nuôi tư nhân, tính đến tháng 8/2024.
Tương lai không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật
Để nhanh chóng chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, vốn là nguyên nhân chính khiến số lượng gấu hoang dã ở Việt Nam suy giảm nghiêm trọng, các tỉnh thành còn gấu bị nuôi nhốt, bao gồm cả Hà Nội, cần hành động quyết liệt và khẩn trương hơn. Chính quyền địa phương cần thúc đẩy việc chuyển giao toàn bộ 192 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân đến các trung tâm cứu hộ để bảo tồn.
Ông Lương Xuân Hồng – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, đối với gấu là động vật hoang dã cứu hộ, không có khả năng tái tạo trong môi trường tự nhiên, vì vậy Trung tâm luôn ưu tiên công tác cứu hộ gấu, đặc biệt là trong bối cảnh loài gấu đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm quần thể gấu hoang dã tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Lương Xuân Hồng, hiện nay công tác cứu hộ gấu tại Trung tâm vẫn đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. “Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là trung tâm cứu hộ lớn nhất cả nước nhưng đến nay vẫn gặp trở ngại về diện tích. Điều này khiến việc vận động của gấu bị hạn chế đáng kể, gây khó khăn cho việc chăm sóc và phục hồi, mặc dù quy trình nuôi dưỡng gấu của chúng tôi gần tương đương với các tổ chức quốc tế.” – ông Hồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng gặp khó khăn do chế độ đãi ngộ thấp và thiếu nhân lực có kinh nghiệm, thâm niên trong lĩnh vực cứu hộ động vật hoang dã. Đào tạo chuyên sâu về cứu hộ động vật hoang dã, đặc biệt là gấu, vẫn còn là một thiếu sót lớn. Trung tâm hy vọng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ.
Hiện tại, 331 cá thể gấu được chăm sóc tại 7 Trung tâm cứu hộ; 25 cá thể tại 4 vườn thú nhà nước; 146 cá thể tại 14 vườn thú tư nhân. Tổng cộng 145 vụ án hình sự liên quan đến gấu đã bị truy tố.
Cũng tại họp báo “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam – Hành trình sắp cán đích”, Ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt) đã có chia sẻ về công tác cứu hộ và chăm sóc gấu tại cơ sở Ninh Bình. Theo ông, cơ sở hiện đang được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho gấu, bao gồm chế độ dinh dưỡng phong phú với 3 bữa ăn mỗi ngày, các hoạt động làm giàu hành vi, vận động giúp gấu phục hồi bản năng.
“Mỗi cá thể gấu đều được kiểm tra sức khỏe và điều trị thú y ngay từ những ngày đầu tiên khi về đến cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Sau khi các vấn đề bệnh lý đã được kiểm soát và điều trị, gấu sẽ được kiểm tra sức khỏe mỗi 2 -3 năm tuỳ vào tình trạng của từng cá thể. Tổng diện tích dự án sau mở rộng là 10ha, nâng tổng sức chứa lên đến khoảng 80-100 cá thể gấu.” – ông Trần Quốc Bảo chia sẻ.
Ngoài việc khuyến khích các cơ sở nuôi nhốt tư nhân chuyển giao 192 cá thể gấu còn lại cho các trung tâm cứu hộ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay ngăn chặn và xử lý các vi phạm liên quan đến gấu trên không gian mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook. Biện pháp này không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm nhu cầu sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu mà còn tạo sức răn đe hiệu quả.