Dakruco công bố Chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC-FM/CoC cho sản phẩm cao su

Ngày 22/10/2024, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco) tổ chức Lễ công bố Chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) cho việc quản lý rừng bền vững và Chứng nhận FSC CoC (Chain of Custody) cho chuỗi hành trình sản phẩm, đồng thời cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình theo Quy định Chống Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Hai chứng nhận này đảm bảo rằng cao su của Dakruco được khai thác từ các khu rừng quản lý có trách nhiệm, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, hoàn toàn đáp ứng Quy định EUDR của Liên minh châu Âu ngay trước cả khi đạo luật này chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.

Tổ chức Bureau Veritas Certification VIETNAM cấp Chứng nhận FSC-FM/CoC cho Dakruco
Ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch HĐQT Dakruco phát biểu tại sự kiện
Đại diện Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk phát biểu tại Lễ công bố
Đại biểu tham dự Lễ công bố
Đại diện Tổ chức FSC Việt Nam phát biểu
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu – Đại diện PanNature chúc mừng nỗ lực của Dakruco trong quá trình cấp chứng nhận FSC-FM/CoC

Dakruco thành lập năm 1993, hiện đang quản lý trên 10.000 hecta cao su cùng một số lĩnh vực kinh doanh khác. Công ty khởi động Dự án “Chương trình phát triển rừng cao su bền vững” từ cuối năm 2020 và thực hiện hàng loạt các hoạt động như: thành lập Ban phát triển cao su bền vững; tập huấn, đào tạo cho cán bộ và đội ngũ nhân viên; sửa đổi quy trình để phù hợp với 10 Nguyên tắc trong Bộ Tiêu chuẩn quản lý rừng FSC quốc gia Việt Nam, trồng cây rừng bản địa để đảm bảo diện tích phục hồi sinh thái…

Nông trường cao su của Dakruco

Từ cuối năm 2020 đến năm 2022, Dakruco đã gần như hoàn thiện các yêu cầu cần thiết của 10 Nguyên tắc trong Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng Quốc gia Việt Nam. Sau một số hoạt động đánh giá, bổ sung, sửa đổi tiếp theo đó, Dakruco đã chính thức được Bureau Veritas Certification VIETNAM cấp Chứng nhận cho Chuỗi hành trình sản phẩm của Dakruco tại Nhà máy chế biến mủ cao su vào ngày 02/02/2024 với mã chứng nhận BV-COC-19853 và Chứng nhận Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững với diện tích 1.121,76 ha tại 02 Nông trường 19/8 và Nông trường Phú Xuân vào ngày 06/9/2024 với mã chứng nhận BV-FM/COC-196797.

Gần đây, Công ty đặc biệt chú trọng thực hiện Chương trình số hóa trong quản lý, điều hành nhằm tạo nền tảng chuẩn bị sẵn sàng cho việc đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) từ cuối năm 2023. Cụ thể:

  • Về yêu cầu thông tin: Dakruco đã hoàn thiện sửa đổi các quy trình để việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao su từ vườn cây đến khi xuất bán cho khách hàng; định vị được vị trí các lô cao su; tuân thủ các quy định về pháp luật, các sản phẩm của Dakruco là sản phẩm không có nguồn gốc từ việc phá rừng;
  • Xác định và đánh giá rủi ro về phá rừng: diện tích trồng cao su của Dakruco đã là lần canh tác chu kỳ thứ 2 đối với cây cao su nên việc phá rừng sau năm 2020 là không có;
  • Xây dựng và triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro: Dakruco đang kết hợp với Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) thực hiện đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và biện pháp khắc phục.

Hiện tại, những lô hàng đầu tiên đáp ứng EUDR của Dakruco đã được xuất sang châu Âu. Đặc biệt, Công ty đang tiếp tục triển khai thực hiện Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững nhằm đảm bảo phát triển cao su bền vững, tiếp tục đưa ra kế hoạch lâu dài để mở rộng diện tích chứng nhận FSC để đạt được mục tiêu 100% diện tích rừng cao su có chứng nhận FSC, đóng góp vào Chương trình thực hiện mục tiêu NetZero đến năm 2050 của Chính phủ và bán tín chỉ carbon thông qua việc từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến dây chuyền công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tái sử dụng nước thải, phát triển diện tích rừng trồng phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên…

Là một trong những đối tác đồng hành với Dakruco, thời gian qua, PanNature và Dakruco đã cùng nhau thực hiện những tư vấn về xây dựng hồ sơ chứng chỉ, thực hiện tham vấn cộng đồng, khảo sát đánh giá đa dạng sinh học và tổ chức các lớp tập huấn cho người dân trồng cao su, qua đó, giúp Dakruco quản lý và bảo vệ các giá trị sinh thái một cách tốt nhất. Việc phát hiện và bảo vệ đàn chim di cư hàng năm trên những mảnh vườn cao su của Dakruco là một ví dụ điển hình về cách thức mà doanh nghiệp có thể góp phần vào bảo tồn đa dạng sinh học ngoài những khu bảo tồn.

Cùng với đó, PanNature cũng hỗ trợ Dakruco xây dựng và chuẩn bị hồ sơ để đáp ứng yêu cầu mới của châu Âu về sản phẩm không phá rừng bao gồm việc xác định vùng trồng, lập bản đồ định vị vùng trồng, kiểm tra nguồn gốc không phá rừng, và đánh giá rủi ro của cả quá trình sản xuất mủ cao su từ vườn cho đến sản phẩm xuất khẩu.

Thời gian tới, PanNature tiếp tục cam kết đồng hành cùng Dakruco để nhân rộng diện tích được chứng nhận FSC và nhiều sản phẩm đáp ứng EUDR hơn nữa, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thành công cho quản lý sản xuất và kinh doanh, mang lại hiệu quả và giá trị cho Dakruco cũng như ngành cao su và những người nông dân trồng cao su, công nhân khai thác cao su.

Nguồn:
PanNature