Quản lý lỏng lẻo: Khoáng sản như “miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo”

Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013; Nghị quyết số 02-NQ/TW năm 2011, Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, thì “khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp; đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp tương xứng với giá trị của nó vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển của đất nước”.

Thế nhưng, thực tế ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy tài nguyên khoáng sản quốc gia bấy lâu nay đang là “miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo”, chưa được quản lý và bảo vệ chặt chẽ. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng tài sản công của quốc gia bị “mèo ăn vụng,” đánh cắp; nhiều lãnh đạo, cán bộ vi phạm bị khởi tố; mà còn để lại vô số hệ lụy, ảnh hưởng đến kinh tế, đe dọa tới cuộc sống của rất nhiều người dân.

Bài 1: Quản lý lỏng lẻo: Khoáng sản như “miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo”

Bài 2: Hàng tỷ m3 khoáng sản đem đổ thải: Nghịch lý từ “núi vàng” dầm nắng, mưa

“Bỏ quên” đất đá thải: Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào đầu năm 2024, lãnh đạo Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, nhấn mạnh công tác quản lý cũng như hoạt động khai thác khoáng sản sau 38 năm đổi mới đã bộc lộ nhiều bất cập.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Trước khi giao tài sản công và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để cấp phép khai thác cho tổ chức, cá nhân theo quy định, Nhà nước phải xác định được loại hình, quy mô, giá trị tài sản (mỏ khoáng sản) thông qua công tác phê duyệt, công nhận trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản.


Trên tinh thần đó, thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010, từ năm 2011 đến nay, Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia cũng như ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã phê duyệt trữ lượng của gần 3.000 báo cáo thăm dò khoáng sản. Ngoài các loại khoáng sản quý như vàng; nhiều loại khoáng sản quan trọng, chiến lược như đá vôi ximăng, đất, cát san lấp,… cũng đã được phê duyệt trữ lượng.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đến nay vẫn còn những vấn đề tồn tại, bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý như: Luật chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính phù hợp; chưa quy định tính đúng, tính đủ khoáng sản ở dưới lòng đất…

“Đơn cử như việc cấp phép thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, luật hiện hành mới chỉ xác định trữ lượng của khoáng sản chính, chưa xác định rõ đất, đá thải là khoáng sản đi kèm có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy là chưa xác định đúng, đủ tài sản công của Nhà nước,” vị lãnh đạo Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia trăn trở và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua.

Dẫn ví dụ từ hoạt động khai thác đá hoa trắng ở huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), lãnh đạo Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia cho hay các mỏ đá chủ yếu được thăm dò, cấp phép trữ lượng khai thác dạng đá nguyên khối và đá làm bột canxi cacbonat. Với đá ốp lát thì yêu cầu là độ nguyên khối của đá phải cao, tuy nhiên khai thác thường chỉ đạt khoảng 0,4/m3.

Hoạt động khai thác đá hoa trắng tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hoạt động khai thác đá hoa trắng tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hoạt động khai thác đá hoa trắng tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Nếu cấp phép làm bột đá canxi cacbonat với yêu cầu độ trắng, bóng lớn hơn 90% thì khả năng thu được cũng chỉ đạt khoảng 30-45%, số còn lại là vứt bỏ; chưa kể đất đá thải đi kèm trong quá trình khai thác,” vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Hay như tại Phú Thọ – một trong số những tỉnh được “trời phú” nhiều cao lanh nhất cả nước, thế nhưng ngoài một số mỏ đã được cấp phép, nguồn “vàng trắng” ở trên địa bàn tỉnh này lại phân tán nhỏ lẻ tại nhiều khu vực khác nhau, cũng chưa được xác định trữ lượng cụ thể.

Lợi dụng việc này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lấy lý do “xin hạ cốt nền” để lách luật khai thác đất san lấp, cao lanh đem đi tiêu thụ. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba.

Hoạt động khai thác cao lanh ở huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Tan hoang nhiều ngọn núi, quả đồi ở huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ do hoạt động khai thác cao lanh trái phép diễn ra trong suốt nhiều năm qua. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Điều 49, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định: Việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cũng theo Điều 49, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí – cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khai thác, sử dụng khoáng sản phải thực hiện tận thu triệt để trong khai thác khoáng sản và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ hữu ích của hoạt động khai thác khoáng sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, tình trạng khai thác cao lanh trái phép trên diễn ra trong suốt hơn 10 năm nay, dẫn tới thảm cảnh hàng chục quả đồi chuyên trồng cây lâm nghiệp ở trên địa bàn Phú Thọ bị chặt hạ, đào bới tan hoang, làm thất thoát khối lượng không nhỏ “vàng trắng” của quốc gia.

Ngược vào miền Trung, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) được xem là “thủ phủ vàng” của cả nước. Thế nhưng, thực tế việc quản lý sản lượng vàng khai thác đối với các mỏ được cấp phép lại rất khó khăn; sản lượng khai thác thường khác xa so với kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng ban đầu; tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra phổ biến… Thực tế này không chỉ gây thất thoát vàng, mà còn kéo theo nhiều người bị tử nạn trong quá trình khai thác do không đảm bảo an toàn.

Đại điện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn cho hay theo quy định, các đơn vị khai thác vàng sẽ phải lắp đặt trạm cân, hệ thống camera truyền dữ liệu trực tiếp đến cơ quan thuế để kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, đa số các khu vực mỏ đều nằm sâu trong các vùng không có mạng Internet, hoặc mạng không ổn định, nên việc giám sát của các cơ quan gặp nhiều khó khăn, không thể giám sát được 100%.

“Vì vậy việc kê khai lượng quặng, khoáng sản thu hồi được phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước rất khó kiểm soát việc này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến gây thất thoát nguồn thu ngân sách,” đại điện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn cho hay.

Đấu giá vẫn tồn tại cơ chế “xin – cho”

Không chỉ bất cập trong khâu thẩm định, phê duyệt và quản lý trữ lượng khoáng sản, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, trong suốt hơn 10 năm qua, hàng nghìn mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép theo cơ chế “xin – cho,” không qua đấu giá; tiềm ẩn nguy cơ thất thoát hàng tỷ USD ngân sách Nhà nước.

Báo cáo 13 năm thi hành luật Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy trong số 441 giấy phép khai thác khoáng sản do bộ này cấp, chỉ có 10 giấy phép được cấp thông qua đấu giá (chỉ chiếm 2,2%).

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho hay theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 440 giấy giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu gía. Như vậy tỷ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp. (Ảnh minh họa)

Còn ở địa phương, trong số 5.200 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp ở 63 tỉnh, thành, chỉ có 827 giấy phép được cấp thông qua đấu giá (chiếm tỷ lệ rất thấp 16%).

Như vậy nếu so sánh với khoảng 5.000 mỏ khoáng sản quy mô khác nhau đang hoạt động ở trên cả nước, trong thời gian qua đã có hàng nghìn mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo hình thức “xin – cho.”

Chưa kể, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hiện còn nhiều tồn tại trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vi phạm thủ tục đấu giá…

Giải thích về vấn đề trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng lý do là bởi Chính phủ đã quy định rõ các khu vực khoáng sản không đấu giá và bộ này phải thực hiện cấp phép; thực hiện theo Nghị định 158/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản 2010.

Trong khi đó, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), thì tỷ lệ cấp phép mỏ theo hình thức “xin – cho” nêu trên là rất cao.

Điều đáng nói là mức giá khởi điểm để đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định hiện nay đang ở mức rất thấp. Nếu không đấu giá, ngân sách Nhà nước chỉ thu được số tiền tối thiểu từ công thức tính giá khởi điểm.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nhấn mạnh tỷ lệ cấp phép mỏ theo hình thức “xin – cho” trong thời gian qua rất cao. (Ảnh: TTXVN)

Nêu dẫn chứng, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho hay Nghị định 22/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoáng sản 2010 quy định “giá khởi điểm đấu giá thấp nhất bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.”

Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn “giá khởi điểm đấu giá thấp nhất bằng tiền khai thác khoáng sản.”

Chưa kể, tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản của Việt Nam còn thấp. Đơn cử giá quặng bauxite nguyên khai tính thuế năm 2023 tại tỉnh Đắk Nông là 390.000 đồng/tấn.

Căn cứ theo điều 5 Nghị định 67/2019/NĐ-CP hướng dẫn tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thì 1 tấn quặng bauxite có tiền cấp quyền khai thác là 6.318 đồng (khoảng 0,3 USD/tấn). Đây là mức rất thấp nếu so với giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite của Trung Quốc hay Ấn Độ là từ 5-6 USD/tấn.

Như vậy chỉ tính bauxite, nếu so sánh với giá khởi điểm của Trung Quốc, Ấn Độ thì trong 10 năm qua, số tiền có thể thất thoát là khoảng 7,5 tỷ USD.

Với trữ lượng bauxite của Việt Nam khoảng 31 tỷ tấn, nếu vẫn giữ nguyên giá khởi điểm bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngân sách có thể mất đi khoảng 20 tỷ USD.

Dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh hiện còn nhiều tồn tại trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm. Nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phê duyệt quy hoạch đấu giá nhưng không thực hiện, vi phạm thủ tục đấu giá.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, theo dõi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ.

“Rút ruột” tài sản công vì… siêu lợi nhuận

Ngoài những bất cập trên, việc cấp phép, quản lý khai thác cát, sỏi hiện nay cũng đang được hầu hết các địa phương thực hiện theo hình thức “cảm tính.” Lý do bởi cát, sỏi lòng sông được hình thành, phân bố theo quy luật tự nhiên; phụ thuộc lưu lượng, tốc độ dòng chảy, địa hình tích tụ, tốc độ bồi lắng; quy hoạch chỉ thực hiện trên phạm vi các đoạn sông thuộc địa bàn của từng địa phương…

Lợi dụng những hạn chế, bất cập trên cùng với đặc thù của cát sỏi dễ khai thác (công nghệ không phức tạp), dễ vận chuyển, dễ tiêu thụ, giá trị “siêu lợi nhuận” – nhiều tổ chức, cá nhân đã ra sức “rút ruột” tài sản công của quốc gia. Tình trạng này đã và đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; mà còn gây ô nhiễm môi trường, sạt lở cuốn theo nhà cửa, đất đai hoa màu của dân, làm mất trật tự, an ninh, kéo theo tệ nạn xã hội.

Theo nguồn tin từ một cán bộ đang công tác trong lĩnh vực môi trường ở tỉnh Tiền Giang (nơi được xem là “điểm nóng” khai thác cát sông trái phép ở Đồng bằng sông Cửu Long), trong khoảng 15 năm trở lại đây, ở khắp vùng đồng bằng này, xung đột giữa người dân bị sạt lở ven sông với “nhóm lợi ích” khai thác cát luôn gay gắt. Xung đột này càng lớn khi tình trạng thiếu hụt cát do nhu cầu sử dụng nhiều vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án giao thông, đường cao tốc, công trình trọng điểm ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, cát đã trở thành nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị siêu lợi nhuận. Đó cũng là cơ hội để “cát tặc” hoành hành, ngang nhiên thách thức người dân và tìm đủ cách để moi hàng triệu tấn cát tươi lên khỏi những “dòng sông đói.”

Lần theo những tiết lộ của vị cán bộ trên, trưa 20/7/2024, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã trực tiếp đi thực tế điều tra hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra tại tỉnh Tiền Giang. Khi biết chúng tôi là nhà báo tìm hiểu về vấn đề trên, rất nhiều người dân ở xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) – khu vực giáp ranh với xã Bình Đức (huyện Châu Thành) như “mở cờ trong bụng,” họ liên tiếp phản ánh nỗi bức xúc mà bấy lâu phải chịu đựng.

Trong câu chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Văn N. – một người dân sinh sống ven sông Tiền – đoạn thuộc xã Thới Sơn, cho biết trong khoảng 10 năm qua, đất vườn ven sông của gia đình anh đã bị sạt lở khoảng gần 200m2. Ngày trước, hoạt động khai thác cát trên sông Tiền diễn ra cả ngày lẫn đêm. Còn khoảng vài năm trở lại đây, cát tặc chủ yếu hoạt động vào ban đêm.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus theo chân người dân đi ghi nhận khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát trái phép ở xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo anh N, các đối tượng khai thác cát trái phép thường sử dụng các loại ghe, tàu hút cát công suất lớn với ống hút cát cao su lõi rộng từ 160-200mm. Cứ tầm khoảng 30 phút hút liên tục là những chiếc ghe tàu có khối lượng 30-60m3 đầy cát. Phương thức vận chuyển cát rất tinh vi.

Phần lớn ghe, tàu sau khi hút sẽ đổ vào các bãi cát ven sông ở gần khu vực hút cát. Thi thoảng, một số ghe, tàu nhập sẽ đổ cát sang các tàu cát cỡ lớn có giấy phép hoạt động, có biển kiểm soát rõ ràng để “hợp thức hóa” nguồn hàng rồi bán lại cho các dự án, công trình của Nhà nước.

“Thông thường hoạt động khai thác cát sẽ diễn ra vào khoảng từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng. Tôi cũng đã từng báo lực lượng chức năng, nhưng không hiểu lý do gì mà khi lực lượng chức năng đến kiểm tra lại không còn máy hút cát nào ở hiện trường. Thực tế này không chỉ khiến người dân chúng tôi mất đất canh tác, mà Nhà nước còn thất thu,” anh N. buồn rầu nói.

Một khu vực tập kết của nhiều tàu hút cát, vận chuyển cát ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Một khu vực tập kết của nhiều tàu hút cát, vận chuyển cát ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho biết trong quý I/2024, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về bảo vệ môi trường đã phát hiện 2083 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hôi tỉnh Kiên Giang) cho biết trong thời gian vừa qua và đến hiện tại, sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng

Có chung nỗi lo, ông Nguyễn Văn X., (người dân ở ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn) cho biết nhà ông có đất, nhà ở trên Cồn Thới Sơn ven sông Tiền. Trong nhiều năm qua, tình trạng hút cát diễn ra rầm rộ đã gây sạt lở bờ sông, nuốt trôi đất, nhiều góc “sổ đỏ” của người dân trong vùng, trong đó có nhà ông.

“Mấy năm trước, tàu thuyền hút cát trên sông đông như chợ. Quá bức xúc, tôi và 6 hộ gia đình khác đã nhiều lần phản ánh tới cán bộ giao thông đường thủy, làm đơn cầu cứu lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng cát tặc lộng hành vẫn diễn ra ồn ào suốt nhiều năm qua. Thậm chí họ (đối tượng khai thác cát) còn thách thức tôi phản ánh và tuyên bố có kêu cũng không ai giải quyết,” ông X., buồn bã nói.

Chỉ tay vào hàng cọc kè bao dọc vị trí sạt lở ven Cồn Thới Sơn, ông X., mắt đỏ hoe cho biết sau nhiều lần phản ánh vô vọng, gia đình ông đã phải bán một phần đất ven sông với giá rẻ để di dời vào sâu bên trong ấp sinh sống…

Từ thông tin người dân phản ánh, cùng dữ liệu sau thời gian tìm hiểu dọc sông Tiền trên địa bàn, rạng sáng 21/7, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã tiếp cận được “điểm nóng” khai thác cát trái phép trên sông Tiền ở khu vực giáp ranh giữa xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) và xã Bình Đức (huyện Châu Thành). Điều đáng nói là vị trí khai thác cát chỉ cách chân cầu Rạch Miễu khoảng 200m.

Hoạt động hút cát diễn ra rầm rộ trên sông Tiền tại khu vực giáp ranh giữa xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) và xã Bình Đức (huyện Châu Thành), tỉnh Tiền Giang, vào thời điểm 1 giờ 30 phút ngày 21/7. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Vị trí khai thác cát chỉ cách chân cầu Rạch Miễu khoảng 200m. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Khu vực sông Tiền giáp ranh giữa xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) và xã Bình Đức (huyện Châu Thành), tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Một điểm tập kết cát ở ven sông Tiền, thuộc địa phận tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tại thời điểm 1 giờ 30 phút ngày 21/7, nhóm phóng viên ghi nhận có ít nhất 3-5 điểm khai thác cát, tiếng hút cát náo động khắp vùng. Hoạt động khai thác cát tại đây diễn ra rầm rộ, bất chấp dòng người, phương tiện giao thông qua lại trên cầu.

Ngoài ra, phía bên kia cầu Rạch Miễu (hướng về phía Cảng du thuyền Mỹ Tho) cũng xuất hiện nhiều tàu đang hút cát. Từ trên cầu nhìn xuống, chính giữa sông Tiền như thể một đại công trường mờ ảo, với các loại tàu cát đang ra sức hoạt động, tiếng tàu hút gầm vang, vô tư rút ruột cát sông – tài sản công của quốc gia. Đến khoảng 2 giờ 10 phút, các nhóm tàu hút cát dưới sông Tiền thấy “động” khi phát hiện thiết bị ghi hình từ trên cao nên đã nhanh chóng tắt máy, rời đi.

Mở rộng tìm hiểu, nhóm phóng viên ghi nhận trong 9 tháng thực hiện “Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh” (tính đến tháng 7/2024), các sở ngành, địa phương của tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 294 vụ việc vi phạm với 405 đối tượng vi phạm. Trong số đó có 55 vụ việc khai thác cát trái phép; 223 vụ việc vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ…

Trước đó, giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 9/2023, tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý 1.237 trường hợp vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 46,7 tỷ đồng; tịch thu nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì số trường hợp vi phạm có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Nhiều phương tiện tàu hút cát bị lực lượng chức năng bắt giữ, tập kết tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tàu hút cát trái phép bị bắt giữ tạp kết ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hùng Võ /Vietnam+)
Nhiều phương tiện tàu hút cát bị lực lượng chức năng bắt giữ, tập kết tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Như vậy với hơn 1.500 vụ vi phạm trên, nếu mỗi tàu hút, vận chuyển cát trung bình tuồn lậu “trót lọt” khoảng từ 500-1.000 m3 trước khi bị bắt giữ, thì số lượng cát thất thoát, ngân sách thất thu trong suốt hơn 10 năm qua là vô cùng lớn.

Nằm giáp ranh với tỉnh Tiền Giang, tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra rất “nóng bỏng.” Thông tin tới phóng viên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long thẳng thắn thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép tiếp tục diễn ra ở cấp độ tinh vi hơn, khó kiểm soát hơn. Hình thức khai thác trái phép bằng ghe bơm hút, hoạt động thường xuyên vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ – thời điểm mà lực lượng chức năng khó giám sát, kiểm tra, tiếp cận các phương tiện vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cũng cho biết hiện nay nhu cầu nguồn vật liệu cát san lấp tăng lên, nguồn vật liệu cát bị khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu trong khi lại có siêu lợi nhuận. Thêm vào đó, lực lượng thực hiện nhiệm vụ còn mỏng, thiếu trang thiết bị, phương tiện nên nhiều đối tượng lợi dụng vào thời điểm ban đêm, các ngày nghỉ, lễ, tết, khu vực giáp ranh, địa hình phức tạp để khai thác khoáng sản trái phép nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Mặt khác, các quy định pháp luật xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản hiện hành còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép đến nay chưa được ngăn chặn triệt để.