Bầy khỉ nổi giận

Liệu nguồn thu nhận được từ lượng khách đông đảo có bù đắp được những tổn thất mà cộng đồng dân cư, động vật, môi trường sinh thái phải gánh chịu?

Từ năm 2000-2002, sau khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp về nghiên cứu mô hình du lịch sinh thái tại Lâm Viên Cần Giờ hay còn gọi là Đảo Khỉ (huyện Cần Giờ, TP.HCM), ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing TSTtourist, có 2 năm tham gia giới thiệu điểm tham quan này đến du khách. Trong thời gian đó, ông đồng thời quan sát hành vi, tập tính sinh hoạt của quần thể khỉ trên đảo.

Câu chuyện về sự thay đổi tính cách của những con khỉ ở Cần Giờ phản ánh một phần tính 2 mặt của phát triển du lịch tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Sự hung dữ của bầy khỉ 

“Trước đây, bầy khỉ tinh nghịch nhưng rất dễ thương. Chúng sống thành từng đàn, có con đầu đàn và các thành viên được tổ chức thành một xã hội loài khỉ’”, ông nhớ lại. Nhưng khi mật độ người đến Đảo Khỉ ngày càng nhiều thì cuộc sống của chúng thay đổi. Du khách mang theo lượng thức ăn lớn từ bên ngoài vào cho khỉ ăn, con người dùng que chọc phá khỉ, tiếng ồn xuất hiện thường xuyên… Những yếu tố này dẫn đến tính khí của bầy khỉ dần biến đổi. Chúng dạn và dữ hơn, dễ tấn công phụ nữ, trẻ em, giật tư trang của khách du lịch.

Có thể nhiều khách du lịch thấy vui và lạ nhưng ở góc độ nghiên cứu về du lịch sinh thái, đây được xem là sự biến đổi tâm lý có điều kiện do cuộc sống của bầy khỉ đang bị tác động, vượt sức chịu đựng của loài trong không gian cư trú và sinh hoạt nhất định, theo ông Mẫn.

Trên TripAdvisor, nhiều du khách nước ngoài khi tới Đảo Khỉ cũng thể hiện sự ngạc nhiên về sự hung dữ của chúng. Trong nhận xét được đăng tải vào tháng 11/2023, tài khoản có tên “Pac H” nói: “Mọi người hãy cẩn thận với bầy khỉ vì chúng có thể tấn công du khách”. Trước đó, từ tháng 5/2018, tài khoản “Kat C” đã phải thốt lên: “Rác ở khắp mọi nơi và du khách đang làm phiền những con khỉ Cần Giờ”.

Trong giai đoạn 2011-2016, huyện Cần Giờ thu hút tổng cộng 3,4 triệu lượt khách tới tham quan, trung bình 680.000 lượt khách/năm. Những năm sau đó, lượng khách tới địa phương tăng mạnh và đạt khoảng 3,8 triệu lượt vào năm 2023. “Lượng khách tăng quá nhanh đã phá đi ngưỡng cân bằng của môi trường. Không chỉ riêng loài khỉ, cư dân tại nhiều điểm đến nổi tiếng tại các quốc gia trên thế giới như Ý, Nhật cũng đang phản kháng vì quá tải, cuộc sống bị xáo trộn. Họ ngăn cản du khách tới tham quan bất chấp nguồn lợi kinh tế có thể nhận được”, ông Mẫn dẫn chứng thêm.

Chất lượng thay vì số lượng 

Câu chuyện về sự thay đổi tính cách của những con khỉ ở Cần Giờ phản ánh một phần tính 2 mặt của phát triển du lịch tại Việt Nam. Mặt tích cực là số lượng khách tới du lịch tăng nhanh. Mặt tiêu cực chính là “sự phản kháng có điều kiện” của tự nhiên. Liệu nguồn thu nhận được từ lượng khách đông đảo có bù đắp được cho những tiêu cực, tổn thất mà cộng đồng dân cư, động vật, môi trường sinh thái phải gánh chịu?

Với lý giải trên, theo ông Mẫn, đã đến lúc, ngành du lịch Việt Nam nên dừng đếm số lượng khách, thay vào đó, tập trung vào lợi nhuận thu được trên từng nhóm khách. Đặc biệt, đừng để sản phẩm du lịch Việt Nam mãi là du lịch rẻ tiền trong mắt khách quốc tế.

Có thể nói khách quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt đối với du lịch Việt vì họ chi tiêu cao gấp khoảng 7 lần mức chi tiêu của khách nội địa, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, theo Tổ chức Du lịch Thế giới. Tuy nhiên, sự kém hiệu quả dần về mặt kinh tế đang được thể hiện trong việc du khách đến Việt Nam ngày càng nhiều nhưng chi tiêu ngày càng giảm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mức chi tiêu bình quân của một lượt khách quốc tế khi tới Việt Nam là 1.283,3 USD vào năm 2004. Nhưng sau 15 năm, con số này đã giảm xuống còn 1.151,7 USD vào năm 2019 – năm được coi là tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt với 18 triệu lượt khách quốc tế.

Còn trong “Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2019”, con số còn thấp hơn. Cụ thể, khi tới Việt Nam, khách quốc tế nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú sẽ chi tiêu bình quân 1.083,36 USD/người. Còn khách không nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú (nghỉ tại nhà bạn bè, người thân…) chỉ chi tiêu bình quân 622,71 USD/người.

Cũng trong năm 2019, nếu so sánh với Thái Lan – quán quân trong khu vực, mức chi trung bình của khách quốc tế khi tới quốc gia này là 2.400 USD/người, Thái Lan đón khoảng 40 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây cũng chỉ ra, năm 2024 Việt Nam xếp hạng 59/119 nền kinh tế (đạt 3,96 điểm), giảm 3 bậc so với năm 2021. Nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, điểm số của Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Philippines, Campuchia. Ngành du lịch Việt Nam được đánh giá cao về yếu tố điểm đến an toàn, an ninh và sức cạnh tranh về giá. Nhưng điểm số về hạ tầng và dịch vụ du lịch, sự bền vững môi trường, tác động kinh tế – xã hội của du lịch lại ở mức thấp.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO của The Outbox Company, cho hay, năng lực cạnh tranh du lịch của điểm đến hay một quốc gia được cấu thành từ nhiều yếu tố, gồm lượng khách, tổng doanh thu, khả năng khách quay lại, chỉ số hài lòng… Do đó, số lượng khách cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng, nhưng nếu xét trên yếu tố quản lý tính bền vững, lợi nhuận của ngành du lịch thì các con số cần được đánh giá thận trọng.

“Việt Nam có lợi thế lớn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa. Định hướng phát triển trong nước chưa bao giờ là du lịch giá rẻ cả. Nhưng cách thức vận hành, dịch vụ cung cấp chưa tương xứng với nhu cầu chi tiêu của khách. Ngành du lịch đang bị động và sự bị động này làm giảm năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia”, ông nhận định.


 Nhiều việc cần làm

Nói về tính kinh tế trong du lịch, ông Nguyễn Đức Hạnh, CEO All Asia Vacation, một đơn vị chuyên tổ chức du lịch trải nghiệm cho giới siêu giàu khi tới Việt Nam, cho hay, chỉ cần một vị khách hay một đoàn khách cao cấp chi tiêu, họ mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Đơn vị này đang phục vụ những đoàn khách tới Việt Nam với mức chi 6.000 USD/người/ngày và đã có khách trả ở mức 15.000 USD/người/ngày.

Theo ông Hạnh, ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng khách thay vì số lượng. Việt Nam có thể đón khoảng 20 triệu du khách quốc tế một năm, nhưng trong đó có bao nhiêu du khách chất lượng cao, mang lại lợi ích gì và hành vi du lịch của họ tác động gì tới môi trường, văn hóa bản địa. Đó là điều cần được quan tâm. Cần tính toán để hướng đến du lịch bền vững, làm sao để chúng ta vừa có thể kiếm tiền, vừa duy trì bản sắc văn hóa, điều kiện thiên nhiên, không để ô nhiễm môi trường.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cho rằng đã qua thời điểm khách đến ồ ạt, giá rẻ, gây sức ép lên dịch vụ, môi trường. Du lịch Việt cần chuyển dịch theo xu hướng chọn lọc dòng khách, dựa vào đặc trưng của khách để cung cấp dịch vụ cao cấp hơn, kích cầu chi tiêu của họ. Nếu cứ mãi cạnh tranh về giá để hút khách, giá rẻ sẽ hình thành định kiến đối với du lịch trong nước và tạo ra những rào cản khi muốn tăng chi tiêu của du khách. Điều này dẫn tới việc ngành du lịch khó có những dòng sản phẩm du lịch cao cấp. Thiếu dòng sản phẩm này, vị thế du lịch quốc gia khó tăng trưởng.

Cũng theo ông Minh, nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng mô hình cụm ngành du lịch “tourism cluster” để nâng cao trải nghiệm cho du khách khi đi du lịch theo từng cụm đặc trưng. Đơn cử, Thái Lan dựa vào thế mạnh của các khu vực để chia thành 9 vùng phát triển, xây dựng câu chuyện hấp dẫn đi kèm. Trong khi đó, việc thực hiện chia vùng trọng điểm du lịch tại Việt Nam còn chung chung.

“Quá trình cung cấp trải nghiệm phải chạm được cảm xúc của khách. Bán cảm xúc cho du khách bằng cách cho họ hòa nhập vào đời sống của người dân và thấy được những nét đặc sắc trong văn hóa mỗi vùng miền. Làm du lịch là làm kinh tế nhưng đồng thời cũng là làm văn hóa, kết hợp cả yếu tố kinh tế và văn hóa sẽ đẩy vị thế du lịch đi lên”, ông Minh nói.

Tiến sĩ Matt Kim, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, đánh giá, việc khách du lịch coi Việt Nam là điểm đến giá rẻ có thể gây tổn hại đến sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người dân địa phương và khách du lịch. Với tình trạng trên, du khách được coi là những “ân nhân giàu có”, còn người dân địa phương là những người thụ hưởng lại khó khăn hơn.

Việt Nam có thể đón khoảng 20 triệu du khách quốc tế một năm, nhưng trong đó có bao nhiêu du khách chất lượng cao, mang lại lợi ích gì và hành vi du lịch của họ tác động gì tới môi trường, văn hóa bản địa. Ảnh: sigo.vn

Vấn đề này dựa trên sự khác biệt về sức mạnh kinh tế giữa bên “chủ nhà” và khách. Khách nước ngoài đến Việt Nam chi tiêu nhiều hơn khách nội địa vì thị trường quốc tế chính của Việt Nam bao gồm các nền kinh tế có GDP tương đối cao như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và EU. Do vậy, để đảm bảo doanh thu du lịch cao hơn, ngành du lịch Việt nên nghiên cứu thói quen chi tiêu của các tệp khách và phát triển thêm các sản phẩm hấp dẫn mà họ có thể quan tâm.

Cùng với đó, muốn tăng chi tiêu của khách, cần cải thiện đặc biệt về cơ sở hạ tầng. Đơn cử, đường phố sạch sẽ và vỉa hè an toàn sẽ tạo không gian đi bộ, khuyến khích khách du lịch ra ngoài, sử dụng nhiều dịch vụ địa phương hơn. Tương tự, nếu hệ thống giao thông liên tỉnh được thiết lập tốt sẽ giúp du khách dễ dàng di chuyển đến các thành phố khác, ở lại lâu hơn. Giao thông công cộng tốt cũng giúp du khách trải nghiệm các điểm đến nội thành, chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm, dịch vụ địa phương.

Tiến sĩ Matt Kim nêu thêm giải pháp là cần xây dựng chiến lược hình ảnh tốt cho ngành du lịch Việt Nam. “Chi phí hiệu quả” phải là phương châm của ngành. Để đạt được điều này, Việt Nam cần làm cho du khách tiềm năng tin rằng khi đặt chân đến quốc gia, họ có thể trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá cả hợp lý trong một môi trường an toàn, sạch sẽ. Cuối cùng, các sản phẩm, thương hiệu địa phương có thể gợi lên tính nhận diện của đất nước Việt Nam cũng cần được khuyến khích phát triển để tạo điểm nhấn.