Ngày 11/10, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định các loài động, thực vật hoang dã đề nghị đưa vào hoặc ra khỏi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch hội đồng, Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, được uỷ quyền chủ trì cuộc họp.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Điều 17 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học. Song song với việc xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị đưa vào, đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Ngày 09/09, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2889/QĐ-BTNMT về việc thành lập Hội đồng thẩm định các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã đề nghị đưa vào, đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo đó, ngày 11/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các Hội đồng thẩm định để đánh giá các hồ sơ, kết quả của cuộc họp sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trình Chính phủ ban hành Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ kèm theo Nghị định nêu trên.
Trong khuôn khổ cuộc họp, 4 hội đồng được thành lập để thẩm định với 4 nhóm: Động vật hoang dã lớp thú, bò sát lưỡng cư, thuỷ sản và thực vật hoang dã.
Đối với nhóm động vật hoang dã lớp thú, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đề xuất đưa vào 3 loài và đưa ra 3 loài khỏi danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Trong đó, 3 loài được đề xuất đưa vào bao gồm: Chó rừng; Cheo cheo Việt Nam và Mang Pù Hoạt. 3 loài được đề xuất đưa khỏi danh sách bao gồm: Chồn bay; Bò xám và Cá heo trắng Trung Hoa.
Về 3 loài đề xuất đưa vào, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhận định cả 3 loài này đều đang suy giảm về số lượng, có nguy cơ bị săn bắt và đều đảm bảo các tiêu chí theo điều 1 khoản 5 và điều 1 khoản 6 Nghị định 160.
Trong khi đó, với 3 loài đề xuất đưa ra, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng loài chồn bay có phạm vi phân bố rộng và ít nguy cơ bị săn bắt. Còn 2 loài bò xám và cá heo trắng Trung Hoa không còn được ghi nhận trên phạm vi Việt Nam trong 20-30 năm qua.
Nhận định về đề xuất trên, các thành viên hội đồng nhất trí với đề xuất đưa 3 loài chó rừng, cheo cheo Việt Nam và mang Pù Hoạt vào danh mục. Đối với việc đưa ra 3 loài, các chuyên gia đề nghị cân nhắc, xem xét thêm.
Tiếp theo cuộc họp, Hội đồng thẩm định với 2 nhóm Chim đã thảo luận đề xuất đưa vào danh mục các loài: khướu đầu đen má xám, khướu Kon Ka Kinh và mi Langbiang với lý do số lượng quần thể các loài đang giảm và có nguy cơ bị săn bắt cao; đưa ra 4 loài: cổ rắn; cò trắng Trung Hoa; niệc nâu và khướu Ngọc Linh.
Theo đó, các chuyên gia cũng đồng tình với đề xuất đưa 3 loài : Khướu đầu đen má xám, Khướu Kon Ka Kinh và Mi Langbiang vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Còn đối với các loài đề xuất đưa khỏi danh sách, các thành viên hội đồng cho rằng cần có xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặc biệt với loài Khướu Ngọc Linh. Cụ thể, khướu, trong đó có khướu Ngọc Linh, là loài nguy cấp, bị săn bắt nhiều vì đẹp, hót hay. Tuy nhiên, hiểu biết về loài này còn ít, phân bố không rõ ràng, chỉ được tìm thấy ở chỏm núi, sinh cảnh hẹp. Với tình trạng săn bắt chim, thú quý hiếm diễn ra nhiều, nếu đưa Khướu Ngọc Linh khỏi danh mục sẽ làm giảm nỗ lực kiểm soát, gây nguy hiểm với loài này.
Các chuyên gia nhận định cần cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ dựa trên số lượng loài nhiều hay ít, bao gồm mức độ đe doạ, xu thế giảm sút quần thể, xu hướng thu hẹp sinh cảnh.
Với nhóm Bò sát, lưỡng cư, thuỷ sản, đề xuất đưa vào danh mục 3 loài cá đao răng nhọn do tình trạng buôn bán cao; trai tai tượng khổng lồ, là loài nguy cấp ở Việt Nam, hiếm gặp, ít quan sát được và trai tai nghé hiếm gặp, ước tính có chưa tới 500 cá thể.
Về nhóm 3 loài động vật này, các chuyên gia đồng ý với đề xuất đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, cần cung cấp thêm thông tin, nghiên cứu cụ thể liên quan để tăng tính thuyết phục.
Nhóm cuối cùng, nhóm thực vật hoang dã quý hiếm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đề xuất đưa ra 2 loài sâm vũ diệp và sâm Ngọc Linh tự nhiên. Với trường hợp sâm Ngọc Linh tự nhiên, các tác giả cho rằng việc đưa sâm Ngọc Linh khỏi danh mục để tạo điều kiện cho việc nhân sống, trồng và phát triển.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia hội đồng thẩm định, việc bảo tồn thực vật khác với động vật. Sâm Ngọc Linh vẫn là loài thực vật thuộc nhóm nguy cấp của Việt Nam và thế giới, do đó, nếu đưa khỏi danh mục để phục vụ việc nuôi trồng nhân giống là không phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình nhân giống, nguồn gen cũng sẽ bị tác động. Do đó, thay vì đưa sâm Ngọc Linh tự nhiên ra khỏi danh mục ưu tiên bảo tồn, có thể tìm các giải pháp để vừa bảo tồn nguồn gen gốc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhân giống, phục vụ thương mại.
Theo đó, với nhóm thực vật hoang dã quý hiếm, hội đồng nhất trí với đề xuất đưa sâm vũ diệp khỏi danh mục ưu tiên bảo tồn và vẫn giữ sâm Ngọc Linh trong danh mục này.