Barranquilla, Colombia nằm trên bờ biển Caribe, được bao quanh bởi các vùng đất ngập nước và rừng nhiệt đới. Mặc dù vị trí này rất đẹp, nhưng cũng rất nguy hiểm: thành phố 1,3 triệu dân này phải đối mặt với nguy cơ hứng chịu các cơn bão thường xuyên quét qua vùng Caribe.
Để bảo vệ thành phố khỏi những cơn bão đó, Barranquilla đã đưa ra một nỗ lực đầy tham vọng nhằm khôi phục các đầm lầy, đường thủy và không gian xanh bao quanh thành phố. Các quan chức hy vọng rằng công việc này, được hỗ trợ một phần bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), sẽ tạo ra một vùng đệm chống lại gió mạnh và sóng biển.
Kết hợp thiên nhiên vào kết cấu đô thị
Barranquilla là một trong số nhiều thành phố của Colombia đã tái kết hợp thiên nhiên vào kết cấu đô thị của họ trong những năm gần đây. Quá trình này, được gọi là phục hồi hệ sinh thái, là chìa khóa để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp các thành phố ứng phó với các mối đe dọa môi trường khác như mất đa dạng sinh học.
“Khí hậu đang thay đổi và nếu không thích nghi, nhiều thành phố sẽ phải đối mặt với tương lai ảm đạm với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Tin tốt là các thành phố có một “đồng minh” mạnh mẽ trong quá trình thích ứng, đó là thiên nhiên”, bà Mirey Atallah, người đứng đầu bộ phận Thích ứng và Phục hồi Biến đổi Khí hậu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết.
Các khu vực đô thị là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu. Và nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, đến năm 2050, 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.
Tuy nhiên, các khu vực đô thị đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, khiến các đợt nắng nóng, lũ lụt và các thảm họa khác xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi. Đây là lý do tại sao 124 thị trưởng và thống đốc từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Cali, Colombia để tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) vào cuối tháng này.
Những nhà lãnh đạo này sẽ tìm giải pháp cho việc phục hồi hệ sinh thái đô thị giúp làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường đa dạng sinh học, vốn đang suy giảm mạnh ở nhiều thành phố và khu vực xung quanh.
Tại COP16, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên. Thỏa thuận này đặt mục tiêu về quy hoạch đô thị bao gồm đa dạng sinh học, khuyến khích chính quyền địa phương và quốc gia thực hiện cách tiếp cận toàn xã hội và tạo không gian cho thiên nhiên để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và giảm tác động của hoạt động cá nhân hoặc tổ chức đến môi trường của các thành phố.
Nhiều thành phố triển khai giải pháp dựa vào thiên nhiên
Nghiên cứu từ UNEP cho thấy các hệ sinh thái đô thị hoạt động hiệu quả giúp giảm nhiệt độ, bảo vệ người dân khỏi thảm họa, làm sạch nước và tạo không gian tự nhiên để đa dạng sinh học phát triển, cùng nhiều lợi ích khác. Các thành phố Colombia đang chứng minh cách thực hiện điều đó.
Với sự hỗ trợ của dự án Thành phố phục hồi thế hệ của UNEP, Barranquilla đang khôi phục lại sông Leon bị ô nhiễm, chảy qua trung tâm thành phố. Các quan chức đang hy vọng sẽ hồi sinh con sông đã bị lãng quên trong hai thập kỷ, với sự giúp đỡ của các cộng đồng sống dọc con sông.
Barranquilla cũng đang hồi sinh 600 ha đầm lầy Mallorquín, nơi ngăn cách thành phố với biển, tạo ra một rào cản chống lại bão và mực nước biển dâng. Nỗ lực này bao gồm việc trồng 250.000 cây, phần lớn là rừng ngập mặn, và tạo ra hơn 200.000 m2 không gian công cộng.
Ngoài ra, Barranquilla đang khôi phục Gran Malecón dọc theo sông Magdalena, một công trình dài 5km rải rác các không gian xanh được thiết kế để chống lũ lụt.
“Barranquilla đã thực hiện thử thách khôi phục hệ sinh thái đô thị để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân”, thị trưởng Barranquilla Alejandro Char cho biết.
Medellín, thành phố lớn thứ hai của Colombia đã trồng hơn một nghìn cây từ 215 loài bản địa dọc theo các tuyến đường bộ và đường thủy của thành phố, biến chúng thành hành lang xanh kết nối các không gian tự nhiên trong thành phố và góp phần vào khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Các nghiên cứu điển hình cho thấy điều này giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm 4 độ C nhiệt độ ở một số khu vực. Điều này được cho là quan trọng vì các thành phố phải hứng chịu hiệu ứng đảo nhiệt, khiến chúng nóng hơn vùng nông thôn xung quanh.
Cali, thành phố ở Tây Colombia, nơi tổ chức COP16 và nằm trong vùng Valle del Cauca đa dạng sinh học cũng đang triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Được bao quanh bởi 10 con sông, Cali tự hào có 12 công viên đa dạng sinh học và 61 vùng đất ngập nước, là nơi sinh sống của gần 600 loài chim.
Một trong những sáng kiến chính của Cali là Hiệp ước vì Động vật hoang dã nhằm mục đích hạn chế nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và ngăn chặn việc sở hữu của các loài ngoại lai. Các dự án khác bao gồm hệ thống giám sát động vật hoang dã, một hệ thống mở dựa trên khoa học để giúp các cơ quan chức năng kiểm soát các loài xâm lấn.
Các khu vực đô thị có tác động không cân xứng đến thiên nhiên và mất đa dạng sinh học, và biến đổi khí hậu đã được ghi nhận trong báo cáo năm 2021 của UNEP. Chúng chiếm ít nhất 60% lượng khí thải CO2 làm nóng hành tinh và 75% lượng tài nguyên được sử dụng, trong khi tạo ra khoảng 60% chất thải toàn cầu.
Theo các nhà quan sát, với tác động quá lớn của mình, các khu vực đô thị đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết nhiều vấn đề môi trường của thế giới.
“Các thành phố vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của sự suy thoái môi trường, nhưng chúng cũng là trung tâm của sự đổi mới và lãnh đạo. Khi chúng ta tiến gần đến COP16, điều bắt buộc là chúng ta phải nhận ra vai trò quan trọng mà các thành phố có thể đóng góp trong việc định hình tương lai bền vững cho tất cả mọi người”, bà Atallah cho biết.