Việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ lâm trường chưa phát huy hiệu quả; sử dụng quỹ đất của Nhà nước cho thuê, cho mượn, khoán trắng vẫn tiếp diễn…
Hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý sử dụng đất đai trong các công ty lâm nghiệp” vừa được Hội Khoa học Kinh tế NN-PTNT; Cục Lâm nghiệp phối hợp tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Cục Lâm nghiệp, các đơn vị thuộc Bộ NN- PTNT, đại diện các Bộ, ngành, Ủy ban Kinh tế Quốc Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, đại diện 5 Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh.
Tìm giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất của các công ty lâm nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Công Tuấn (Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN-PTNT) cho biết, các công ty lâm nghiệp (trước đây là lâm trường quốc doanh) được hình thành từ sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc (năm 1955). Với lịch sử gần 70 năm hình thành, phát triển, các công ty lâm nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực nông thôn, miền núi.
Trước bối cảnh Đổi mới, hội nhập quốc tế công ty lâm nghiệp đã được sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị Khoá XI và Nghị định 118 của Chính phủ, quá trình đổi mới sắp xếp vẫn còn gặp khó khăn, tồn tại, vướng mắc; quản lý, sử dụng đất đai tài nguyên rừng còn lãng phí, kém hiệu quả cần được nghiên cứu, đánh giá làm cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT: Kết quả thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, Bộ đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ 41/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp của các địa phương, tập đoàn, tổng công ty có công ty lâm nghiệp. Đến nay có 161/256 (đạt 63%) công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại 31 địa phương, 3 tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Trong đó có 76 công ty tái cơ cấu, giữ nguyên mô hình công ty TNHH MTV nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 54 công ty thực hiện cổ phần hóa; 22 công ty chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; 3 công ty chuyển thành BQL rừng, 6 công ty thực hiện giải thể; còn 95/256 (chiếm 37%) công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới theo phương án đã được phê duyệt và chưa được phê duyệt tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2 tổng công ty.
Về công ty lâm nghiệp, cả nước có 36 công ty trực thuộc quản lý của 28 địa phương cấp tỉnh; 2 Tổng công ty gồm Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết 30, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể của 30 địa phương, đơn vị với 136 công ty lâm nghiệp theo 6 mô hình, gồm: Tái cơ cấu, duy trì mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 3 công ty lâm nghiệp; Tái cơ cấu, duy trì mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích 61 công ty lâm nghiệp; Thực hiện cổ phần hóa 31 công ty lâm nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên 18 công ty lâm nghiệp; Chuyển thành BQL rừng hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu 5 công ty lâm nghiệp; Giải thể 16 công ty lâm nghiệp.
Tính đến hết tháng 4/2024, có 92/136 (đạt 67,6%) công ty lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động tại các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; còn lại 44/136 (32,4%) công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới.
Về quản lý, sử dụng đất đai, căn cứ các quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định 118 của Chính phủ đã quy định: các công ty lâm nghiệp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành triển khai thực hiện việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, phê duyệt phương án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; cấp giấy chhuwngs nhận quyền sử dụng đất.
Đất thu hồi bàn giao về địa phương bao gồm: Đất của các công ty giải thể, đất không sử dụng, đất công ty đang khoán trắng, sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã chuyển nhượng; diện tích đất đã bán vườn cây; đất kết cấu hạ tầng không phục vụ sản xuất; đất ở theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt và các loại đất khác phải thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Đất thu hồi được ưu tiên giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất
Nhà nước giao đất cho các công ty lâm nghiệp không thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên; cho thuê đất đối với đất sản xuất nông, lâm nghiệp không thuộc đối tượng trên; miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
Về miễn giảm tiền sử dụng đất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 107 ngày 10/6/2020, trừ diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Quốc hội đã quy định miễn thuế sử dụng đất đến hết năm 2025 đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các Công ty lâm, nông nghiệp trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Quản lý, sử dụng đất lâm trường chưa hiệu quả
TS. Vũ Mạnh Hùng (Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT – Ban Kinh tế Trung ương) nhìn nhận: những tồn tại, hạn chế trong sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm, không bảo đảm tiến độ sắp xếp. Tính đến tháng 9/2024, vẫn còn 54/169 (32%) công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới.
Việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ lâm trường còn bộc lộ nhiều yếu kém, nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, khoán trắng vẫn tiếp diễn; tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất là rừng trồng với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp , lâm trường sang đất khu.cụm công nghiệp tại huyện Tam Nông (Phú Thọ). Ảnh: Kiên Trung.
Việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai; mua bán hợp đồng giao khoán thực tế là chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà ở, công trình ở kiên cố trong phần đất được giao khoán nhất là tại vùng đất có giá trị, thuận lợi đi lại, ven đô thị, khoán trắng không quản lý được đất; tự tách thửa, mua đi bán lại nhiều lần… chưa được khắc phục và vẫn có nguy cơ tiếp diễn và gia tăng.
Một số vấn đề phát sinh mới đặt ra đối với việc xử lý đất giao khoán nhưng chưa có giải pháp bảo đảm hài hòa về vai trò, trách nhiệm, quyền, lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nhận khoán; đang gây ra sự so sánh, tâm tư tình cảm, thắc mắc, phản ứng tiêu cực trong nhóm hộ nhận khoán và với cả người dân xung quanh khu vực vốn đã có cuộc sống gắn với hoạt động của các lâm trường trước đây, nay tiếp tục phức tạp hơn.
Ngoài ra, các nông – lâm trường, công ty lâm nghiệp chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ về an sinh xã hội, nhất là các nhiệm vụ “Giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật”.