Bắc Cực ngày nay nóng hơn nhiều với tốc độ nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên trái đất.
Lãnh nguyên Bắc Cực. Bãi bồi rộng lớn của Brazil. Bãi lầy Indonesia. Mỗi địa điểm tuy hoàn toàn tách biệt nhưng lại chịu chung một loại cháy rừng đặc biệt đang thải ra lượng lớn carbon và làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.
Điểm khác biệt giữa các đám cháy này là chúng có xu hướng di chuyển xuống dưới lòng đất vào các lớp đất giàu carbon. Trong khi cháy rừng thường bùng lên trên nhanh chóng thiêu rụi rừng và đồng cỏ thì các đám cháy ngày càng dữ dội trong những năm gần đây lại di chuyển xuống dưới, nơi chúng âm ỉ cháy bên dưới bề mặt, thiêu rụi các lớp vật chất hữu cơ.
Những đám cháy ít được nghiên cứu này đang trở nên phổ biến hơn khi tần suất các vụ cháy rừng nghiêm trọng đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Ở Bắc Cực, năm 2024 đang dần trở thành năm cháy rừng tồi tệ nhất kể từ năm 2020, khi các đám cháy bùng phát trên khắp Siberia trong nhiều tháng, thiêu rụi 8,6 triệu mẫu Anh lãnh nguyên và khiến lượng khí thải tăng vọt lên mức kỷ lục.
Các đám cháy ngầm cháy chậm và có thể thải ra một lượng lớn khí nhà kính làm nóng bầu khí quyển. Điều đó làm suy yếu tiến trình của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tiến trình vốn đã không đủ để giữ cho hành tinh an toàn.
Ông Johann Goldammer, Giám đốc Trung tâm giám sát hỏa hoạn toàn cầu tại Đại học Freiburg, đã nghiên cứu cháy rừng trong 50 năm, từ những nơi lạnh nhất thế giới đến những nơi nóng nhất. Ông cho biết một đám cháy lan xuống lòng đất có thể dễ dàng nhận ra bằng mùi của nó.
Bắc Cực là nơi chứa hầu hết than bùn giàu carbon của thế giới một loại đất xốp được tạo thành từ thảm thực vật thời tiền sử. Vốn dĩ, lãnh nguyên đóng băng vào mùa đông hoặc ẩm ướt vào mùa hè đã bảo vệ các lớp than bùn dưới lòng đất khỏi các vụ cháy. Nhưng Bắc Cực ngày nay nóng hơn nhiều với tốc độ nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên Trái Đất và than bùn ướt bên dưới bề mặt đang khô đi. Khi bắt lửa, nó có xu hướng tiếp tục cháy lan sâu dưới bề mặt đất, âm ỉ trong nhiều tháng và cực kỳ khó dập tắt. Lượng carbon thải ra từ lớp than bùn bị đốt cháy đã góp phần làm tăng vọt lượng khí thải ở Vòng Bắc Cực, năm nay đã đạt mức cao thứ 3 trong lịch sử tính đến giữa tháng 6, theo Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus.
Đây là đòn giáng kép đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu: Cháy than bùn đẩy nhanh quá trình tan băng vĩnh cửu, từ đó giải phóng khí metan vào khí quyển, khiến Bắc Cực nóng hơn nữa. Các nhà khoa học ước tính khoảng 1/3 băng vĩnh cửu của thế giới sẽ biến mất vào giữa thế kỷ theo kịch bản phát thải cao.
Mặc dù những ngọn lửa âm ỉ này không bùng cháy, nhưng chúng tạo ra một loại muội than được gọi là carbon đen. Khi muội than này lắng đọng trên băng biển, bề mặt tối màu sẽ dễ hấp thụ nhiệt từ mặt trời thay vì phản xạ, khiến băng tan nhanh hơn. Các nhà khoa học ngày càng lo ngại về Bắc Cực và bầu khí quyển nếu các đám cháy tiếp tục gia tăng.
Nhưng một mối quan tâm cấp bách hơn đối với một số nhà khoa học là mức độ mà những đám cháy như vậy làm thay đổi vĩnh viễn cảnh quan. Ở Siberia, đã có những dấu hiệu cho thấy một số khu rừng không thể phục hồi; thay vào đó, đất bị cháy đang được gieo hạt cỏ dễ bắt lửa hơn, tạo ra một tiền đề cho các đám cháy khác, theo ông Goldammer.
Sự hiện diện của than bùn làm tăng lượng khí thải carbon của cháy rừng. Đó là lý do tại sao các đám cháy tàn phá Pantanal của Brazil vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới chứa trữ lượng than bùn khổng lồ lại có sức tàn phá khủng khiếp như vậy.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, than bùn chỉ bao phủ 3-4% bề mặt Trái đất, nhưng chứa tới 1/3 lượng cacbon trong đất của thế giới. Nó đã tích trữ carbon trong hàng nghìn năm và khi cháy, lượng carbon đó không thể được hấp thụ lại hoàn toàn bởi thảm thực vật mới. Điều đó có nghĩa là tác động của nó lớn hơn nhiều.
Theo dữ liệu được Copernicus công bố tuần này, sự kết hợp của các đám cháy Pantanal năm nay cùng với các đám cháy nghiêm trọng ở Amazon đã gây ra tác động tàn phá đến chất lượng không khí của Brazil. Tính đến giữa tháng 9, lượng khí thải carbon từ cháy rừng của quốc gia này trong năm 2024 đã cao hơn mức kỷ lục trước đó của cả năm 2010.
Nguồn Bloomberg