10 trong các siêu đô thị phát triển nhất trên khắp Châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Trung Đông dự kiến đón tổng cộng 8 triệu người di cư nội địa.
Một số quốc gia dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu trên thế giới sẽ chứng kiến sự di dời dân số hàng loạt khi các sự kiện thời tiết và môi trường khắc nghiệt thúc đẩy toàn bộ cộng đồng chuyển khỏi quê nhà để đến các thành phố vốn đã đông đúc trong nước.
Theo báo cáo mới từ liên minh C40 Cities và Mayors Migration Council, lũ lụt nghiêm trọng ở Bangladesh có thể khiến 3,1 triệu người trong nước phải di dời đến thủ đô Dhaka đông dân vào năm 2050, cộng thêm vào 12 triệu người hiện đang sinh sống tại đây.
Và tại Colombia, gần 600.000 người di cư vì khí hậu – chiếm 1/5 tổng số người di cư trong nước, dự kiến sẽ định cư tại thủ đô Bogotá, nơi tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng đến khoảng 8 triệu người.
Báo cáo này là một trong những báo cáo đầu tiên cung cấp dự báo về di cư do biến đổi khí hậu ở cấp độ thành phố trên nhiều khu vực, tập trung vào Nam bán cầu, nơi mà cả tác động của khí hậu và thách thức đô thị đều được cảm nhận rõ rệt.
Nếu lượng khí thải carbon toàn cầu không được thuyên giảm đáng kể, 10 trong số các siêu đô thị phát triển nhanh nhất trên khắp Châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Trung Đông có thể chứng kiến tổng cộng 8 triệu người di cư nội địa vào giữa thế kỷ, theo dự báo. Con số này cao hơn cả người tị nạn kinh tế và chính trị, và người di cư từ các quốc gia khác.
Bà Claudia Huerta, Giám đốc cấp cao về các chiến dịch về khí hậu và di cư tại C40, cho biết: “Mọi người đang chuyển đến các thành phố nơi họ có thể tìm thấy cơ hội, nhà ở và các mối quan hệ xã hội, mà không cần đối mặt những phức tạp như khi chuyển ra nước ngoài”.
Làn sóng dân số đổ về sẽ gây thêm áp lực lên các dịch vụ địa phương và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa không kiểm soát. Các thành phố tiếp nhận họ cũng phải đối mặt với những thách thức về khí hậu riêng.
Tại Brazil, người dân buộc phải di dời do các sự kiện như lũ lụt, thiếu nước và năng suất cây trồng thấp có thể phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm và cháy rừng tàn khốc ở São Paulo, hoặc nhiệt độ cực cao và lũ lụt ở các khu ổ chuột tại Rio de Janeiro.
Báo cáo cũng cho thấy nếu nhiệt độ toàn cầu tăng giới hạn ở mức 1,5°C theo quy định của Thỏa thuận Paris, các thành phố có thể giảm đáng kể tác động của di cư vì khí hậu. Dân số di cư nội địa vì khí hậu ở Bogotá, Rio de Janeiro và Karachi, nói riêng, có thể thấp hơn 3 lần so với trường hợp lượng khí thải toàn cầu không đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Trong bối cảnh vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào trong việc giảm phát thải, một số thành phố trong nghiên cứu đã chuẩn bị cho làn sóng dân số đổ về. Freetown, Sierra Leone và Accra, Ghana đang hỗ trợ những người thu gom rác thải không chính thức, nhiều người trong số đó là người di cư, bằng cách cung cấp các nguồn lực tài chính và y tế. Amman, Jordan một thành phố không xa lạ gì với việc tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ khắp Trung Đông đang tạo ra không gian xanh và các chương trình giáo dục cho những người trẻ mới đến. Và tại Bangladesh, các quan chức đang hy vọng sẽ giảm bớt tình trạng quá tải ở Dhaka bằng cách chuyển hướng những người mới đến đến các thị trấn thân thiện với người di cư gần đó.
Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết gánh nặng không nên đè lên chính các thành phố tiếp nhận, mà kêu gọi các chính phủ quốc gia và khu vực tư nhân cùng chung tay giảm thiểu rủi ro về khí hậu.
Ông Jazmin Burgess, Giám đốc hành động khí hậu toàn diện tại C40, cho biết: “Vấn đề lớn nhất mà chúng ta cần giải quyết để giảm tác động của di cư vì khí hậu đối với các thành phố là giảm phát thải. Và trách nhiệm đó không chỉ nằm ở các thành phố mà còn đòi hỏi hành động từ tất cả mọi người”.
Nguồn Bloomberg