Cái giá khủng khiếp của biến đổi khí hậu

Các sự kiện thời tiết cực đoan có dẫn đến những chi phí tổn thất đáng kể cho xã hội nhưng con số này là bao nhiêu? Việt Nam có nằm ngoài phạm vi tổn thất này không?

Lượng hóa tổn thất của thế giới

Lượng hóa được hệ quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế thế giới là điều mà các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia biến đổi khí hậu và các nhà kinh tế môi trường bàn thảo nhiều năm qua. Bão nhiệt đới, lũ lụt, sóng nhiệt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác… đã cướp đi nhiều mạng sống, phá hủy nhiều vụ mùa, làm điêu đứng bao nhiêu hộ gia đình trong hàng thập kỷ qua. Rút cục, có thể tính toán được chi phí mà các hiện tượng thời tiết cực đoan này gây ra không?

Thông thường, các chi phí liên quan đến các sự kiện thời tiết cực đoan được đo đạc theo hai cách. Thứ nhất là bao gồm các thiệt hại kinh tế trực tiếp sau sự kiện đó. Ví dụ đối với một trận lụt do mưa lớn, thiệt hại kinh tế trực tiếp thường gồm việc phá hủy đường xá, nhà cửa, mất mát vụ mùa. Tuy nhiên, một sự kiện thời tiết cực đoan cũng có thể dẫn đến những mất mát kinh tế gián tiếp như suy giảm giá trị gia tăng của thiệt hại kinh tế trực tiếp. Vì vậy cách tính thứ hai là đo lường chi phí gián tiếp. Trong trường hợp lũ lụt, có thể bao gồm những tác động vi mô như mất thu nhập từ việc làm khi bị chôn chân trên các tuyến đường bị ngập, những tác động kinh tế tầm trung như thất nghiệp tạm thời ở khu vực bị ngập hoặc là cả những đứt gãy cả chuỗi cung ứng vĩ mô trên phạm vi rộng hơn. Những mất mát kinh tế gián tiếp có thể lan tỏa ở ngoài khu vực bị ảnh hưởng và thậm chí vượt ra ngoài biên giới vùng/quốc gia bị ảnh hưởng. Dẫu vậy cần phải có thời gian để định lượng được những mất mát gián tiếp này. Về tổng thể, những sự kiện thời tiết cực đoan có thể sẽ dẫn đến nhiều mất mát kinh tế hơn nhưng mối quan hệ giữa thiệt hại trực tiếp và mất mát gián tiếp thường phi tuyến tính, bởi vì những phức tạp trong định lượng gián tiếp mất mát trên một hiện tượng thời tiết cực đoan trên một khu vực, một quốc gia bị ảnh hưởng.

Ông Lê Quang Lâm – thôn Quảng Thành, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông trên lòng suối trơ đá. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Vào năm 2023, hai nhà nghiên cứu New Zealand đã sử dụng phương pháp tính kết hợp từ những thiệt hại kinh tế trực tiếp với phần rủi ro có thể quy cho mất mát gián tiếp, trong đó kết nối phát thải khí nhà kính do con người gây ra và những thay đổi trong các sự kiện thời tiết cực đoan, sau đó so sánh với chi phí kinh tế xã hội do các sự kiện đó gây ra có liên quan đến biến đổi khí hậu. Sử dụng phương pháp này, họ nhận diện một bộ dữ liệu gồm 185 sự kiện thời tiết cực đoan từ năm 2000 đến năm 2019, tìm ra con số 60.951 người chết có thể là do biến đổi khí hậu. Kết quả là, trong hai thập niên qua (từ năm 2000 đến năm 2019), thiệt hại do khủng hoảng khí hậu thông qua các sự kiện thời tiết cực đoan là 16 triệu USD mỗi giờ, mỗi năm là 140 tỉ USD và 20 năm là 2,8 nghìn tỉ USD. Nghiên cứu cũng phát hiện ra số người bị các sự kiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng là 1,2 tỉ người.

Khi bóc tách các thành phần của thiệt hại, người ta mới thấy là hai phần ba chi phí thiệt hại thuộc về số người chết, một phần ba về của cải và những thiệt hại khác. Bão là nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại nhất, với hai phần ba chi phí, 16% là sóng nhiệt và 10% là hạn hán và lụt lội.

Chỉ tính riêng ảnh hưởng của lũ lụt thì theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm ở Việt Nam có 930.000 người bị ảnh hưởng và mất mát 2,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận với The Guardian là dữ liệu mà họ sử dụng cũng có giới hạn, ví dụ dữ liệu sóng nhiệt về số người chết chỉ có ở châu Âu. “Nó chỉ dấu là con số 140 tỉ USD mỗi năm của chúng tôi vẫn còn nhẹ hơn so với thiệt hại thực tế”, Ilan Noy, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Wellington, New Zealand nói. “Chúng tôi không biết có bao nhiêu người chết ở những vùng như hạ Sahara châu Phi”1.

Mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu khác ở Viện Nghiên cứu Tác động biến đổi khí hậu Potsdam và Viện Nghiên cứu Toàn cầu và Biến đổi khí hậu Mercator, Berlin đã dự tính ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai: ngay cả khi lượng phát thải CO2 được giảm đáng kể ngay từ bây giờ thì trong 25 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập toàn cầu khoảng 19%, nghĩa là vào năm 2049 thì mọi người sẽ mất đi 38 nghìn tỉ USD. Chi phí thiệt hại toàn cầu do biến đổi khí hậu ước tính sẽ từ 1,7 nghìn tỉ đến 3,1 nghìn tỉ mỗi năm, kể từ năm 2050.

Tuy nhiên, tác động này không đồng đều ở mọi vùng trên thế giới bởi cũng xuất hiện sự bất bình đẳng trong tác động, đó là những vùng nghèo nhất và những nơi ít khả năng phản hồi với tình trạng bầu khí quyển nóng lên cũng sẽ chịu cú đánh của nhiệt nhiều nhất. “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh vào sự bất bình đẳng đáng kể của tác động từ biến đổi khí hậu. Dù chúng tôi thấy thiệt hại có ở mọi nơi nhưng những quốc gia ở vùng nhiệt đới sẽ phải hứng chịu nhiều nhất bởi vì khí hậu của họ đã luôn ấm hơn và mức nhiệt gia tăng sẽ ảnh hưởng đến họ nhiều hơn”, Anders Levermann, đồng tác giả của nghiên cứu nói trong thông cáo báo chí của Viện. “Các quốc gia ít có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu được dự đoán là chịu đựng sự mất mát thu nhập cao hơn 60% so với quốc gia có thu nhập cao và lớn hơn 40% so với quốc gia phát thải cao. Họ thuộc về các quốc gia có ít nguồn lực thích ứng với tác động nhất”.2

Việt Nam chịu tổn thất gì?

Những thiệt hại của toàn cầu và đặc biệt là của các quốc gia nhiệt đới, khiến người ta không khỏi nghĩ đến Việt Nam, một trong những quốc gia luôn được xếp vào danh sách các quốc gia chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu.

Nếu tính chung tác động của các sự kiện khí hậu cực đoan thì theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), trong giai đoạn 2011-2020, tổng thiệt hại ước tính 229.958 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). Trung bình mỗi năm, thiệt hại trực tiếp vào khoảng 2,4 tỷ USD (tương đương 0,8% GDP). Nếu tính theo chi phí suy thoái môi trường nói chung, thiệt hại do biến đổi khí hậu được ước tính khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP3. Chỉ tính riêng ảnh hưởng của lũ lụt thì theo ước tính của Ngân hàng thế giới, mỗi năm ở Việt Nam có 930.000 người bị ảnh hưởng và mất mát 2,6 tỉ USD.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam đã tính toán tác động của biến đổi khí hậu lên một số lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam: cứ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1.5°C thì những thiệt hại trực tiếp là khoảng 4,5% GDP và khoảng 6,7% GDP nếu nhiệt độ tăng 2°C. Khi đưa các thiệt hại trực tiếp vào mô hình kinh tế vĩ mô, không chỉ tác động lên lúa gạo, năng lượng, năng suất lao động, thay đổi kỹ thuật mà còn cả tỉ lệ tử vong và ảnh hưởng sức khỏe, họ ước tính là thiệt hại kinh tế vĩ mô trung bình cao hơn 30% so với thiệt hại trực tiếp.

Sự tác động qua lại giữa tài chính chính thức dành cho biến đổi khí hậu và các nguồn lực xã hội tại địa phương sẽ định hình cấu trúc của đầu tư tài chính phù hợp.

Tuy nhiên, các sự kiện khí hậu cực đoan cũng tác động đến từng con người, từng hộ gia đình theo nhiều cách khác nhau, trong cuộc sống hằng ngày. Sử dụng kết quả từ Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020, các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam đã phát hiện ra, nếu một ngày có mức nhiệt độ cao hơn 33oC thì không chỉ làm giảm thu nhập mà còn tăng thêm bất bình đẳng thu nhập vì các hộ gia đình thu nhập thấp thiệt hại nhiều hơn 1,51% so với các nhóm hộ có thu nhập cao hơn. Từ kết quả Khảo sát Lao động việc làm, họ cũng phát hiện ra cứ tăng thêm 1oC sẽ dẫn đến làm tăng thêm 0,5% khoảng cách thu nhập theo giờ giữa lao động nam và nữ. Còn theo Khảo sát doanh nghiệp Việt Nam, họ cũng tìm thấy nhiệt độ tăng làm giảm năng suất, tổng sản lượng, doanh thu và cả quy mô của công ty.

Trong tiêu thụ năng lượng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á thì cứ tăng thêm 1oC thì nhu cầu điện năng trung bình tăng 0,5% đến 8,5%. Còn theo các nhà khoa học Việt Nam và Pháp thì khi nhiệt độ tăng thêm 1oC thì mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình tăng 5% và các công ty là 4%. Tuy nhiên, trong cơ cấu năng lượng Việt Nam năm 2023, 33,2% là từ các nhà máy nhiệt điện than và 28,5% từ các nhà máy thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than hoạt động càng nhiều thì càng gia tăng phát thải các chất ô nhiễm không khí4.

Việc lan truyền các dịch bệnh dẫn đến chi phí cho sức khỏe ở Việt Nam gia tăng. Các nhà khoa học ước tính, chi phí chăm sóc sức khỏe do nhiệt độ tăng vào khoảng 0,6 tỉ đến 2 tỉ USD theo giá trị hiện nay. Tuy nhiên, vào năm 2035 khi Việt Nam đối mặt với già hóa dân số thì việc chi tiêu cho sức khỏe sẽ còn tăng lên. Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu khiến khoản chi này có thể từ 1 tỉ đến 3,4 tỉ USD theo giá trị hiện nay. Các bệnh về nhiệt cũng dẫn đến mất mát năng suất lao động và thời gian lao động nên ước tính chi phí mất mát vào khoảng 6 tỉ đến 23 tỉ USD vào năm 2050 và sẽ là chi phí thành phần lớn nhất 5.

Những sự kiện thời tiết cực đoan ở Việt Nam cũng hết sức phong phú và có thể bao hàm nhiều sự kiện cùng một lúc, vì vậy khi chúng ảnh hưởng tới cuộc sống người dân thì cũng ảnh hưởng ở rất nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét đơn lẻ một sự kiện cực đoan, người ta cũng có thể cảm thấy choáng váng. Ví dụ hạn hán làm suy giảm sức khỏe của những người sống ở vùng nông thôn, buộc họ phải chi nhiều tiền hơn để đảm bảo sức khỏe, và thậm chí khiến nhiều hộ gia đình thêm nặng gánh kinh tế bởi không những thất thu mùa màng, thời gian làm việc bị rút ngắn mà còn tăng thêm chi phí cho sức khỏe. Khi xem xét “Tác động của các đợt hạn hán lên sức khỏe và chi tiêu cho sức khỏe ở vùng nông thôn Việt Nam”, Steffen Lohmann và Tobias Lechtenfeld của Đại học Göttingen vào năm 2014 đã ước tính, do hạn hán mà các hộ gia đình phải tăng chi tiêu cho y tế trung bình khoảng 10% tổng mức chi tiêu bình quân đầu người; với các hộ gia đình có thu nhập cao hơn thì họ cũng phải mất thêm 18% để dành cho thực phẩm. Sức nóng của hạn hán cũng phả vào những hộ gia đình giàu có: tăng 16% tổng mức tiêu dùng bình quân đầu người và 34% mức tiêu thụ thực phẩm6.

Ở một góc độ gần hơn với các hộ gia đình nghèo, vào năm 2015, nhóm các nhà nghiên cứu Đức và Mỹ cũng định lượng chính xác hơn: hạn hán làm tăng thêm chi phí cho sức khỏe, khi chiếm từ 9 đến 17% tổng thu nhập7.

Vậy còn trong tương lai, tổn thất và thiệt hại của Việt Nam sẽ là gì? Một ước tính cụ thể hơn của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, vào năm 2035 đến 2044, có khoảng 3 đến 9 triệu người sẽ bị lũ lụt từ sông ảnh hưởng và từ năm 2070 đến 2100 có 6 đến 12 triệu người chịu lũ lụt từ biển – phần lớn trong số này là do nước biển dâng. Văn phòng Giảm thiểu rủi do của Liên Hợp Quốc (UNISDR) vào năm 2014 cho rằng, những mất mát hằng năm của Việt Nam trung bình khoảng 2,4 tỉ USD, tức là khoảng 1,5% of GDP. Tuy nhiên, giá trị tuyệt đối của tổn thất được dự báo là trong những năm tới sẽ còn hơn thế khi giá trị của tài sản bị ảnh hưởng lẫn nguy hiểm liên quan đến khí hậu đều gia tăng.

Theo dự đoán của Cục Biến đổi khí hậu, nếu không có các giải pháp thích ứng hiệu quả, khi nhiệt độ tăng 1oC và 1,5oC, có thể gây tổn thất cho Việt Nam lần lượt khoảng 1,8% GDP và 4,5% GDP; thiệt hại kinh tế khoảng 4,3 tỷ USD trong 10 năm tới. Nếu nước biển dâng và nhiệt độ tăng lên theo kịch bản xấu nhất, ước tính đến năm 2050, ở Việt Nam có khoảng 3,1 triệu người phải di cư nội địa.

Sau khi có những tính toán ban đầu là Việt Nam tổn thất 10 tỉ USD vào năm 2020, tương đương 3,2%GDP do biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới nhận định, nếu không có những biện pháp thích ứng và giảm nhẹ thích hợp, ước tính từ năm 2050, Việt Nam sẽ còn chịu gánh nặng kinh tế vào khoảng 12 đến 14,5% GDP một năm.

Đó là một tương lai không ai dám nghĩ đến việc bước tới, nếu không có sự sẵn sàng của các khung chính sách phù hợp. Có quá nhiều thách thức của biến đổi khí hậu tồn tại khiến cho việc gia tăng tài chính cho một số dự án hoặc các chính sách đơn lẻ, không đủ hỗ trợ cho các lĩnh vực, các hộ gia đình có thể giảm thiểu rủi ro và tổn thương vì biến đổi khí hậu. Do đó nhóm các nhà khoa học Pháp và Việt Nam cho rằng, việc thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ có thể là kết quả của những tương tác qua lại giữa các chính sách được lên khung với sự lựa chọn của các cá nhân. Chính sự tác động qua lại giữa tài chính chính thức dành cho biến đổi khí hậu và các nguồn lực xã hội tại địa phương sẽ định hình cấu trúc của đầu tư tài chính phù hợp. Lấy ví dụ về trường hợp đã diễn ra ở ĐBSCL, họ nhận xét là con người ở đó đã thích ứng với những điều kiện môi trường, khí hậu thay đổi qua hàng thế kỷ và tiếp tục thực hiện ngay cả khi thiếu sự khuyến khích của chính sách4.

Phải chăng đó là một gợi ý chính sách để Việt Nam sẵn sàng vượt qua biến đổi khí hậu? □

———————————

Chú thích

1. https://amp.theguardian.com/environment/2023/oct/09/climate-crisis-cost-extreme-weather-damage-study

2. “The global costs of extreme weather that are attributable to climate change”.

3. Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT). “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.

4. Étienne Espagne. “Climate change in Vietnam: impacts and adaptation”.

5. Nu Quy Linh Tran et al. “Climate change and human health in Vietnam: a systematic review and additional analyses on current impacts, future risk, and adaptation”. The Lancet Regional Health – Western Pacific.

6. Lechtenfeld, Tobias; Lohmann, Steffen. “The effect of drought on health outcomes and health expenditures in rural Vietnam”, Discussion Papers, No. 156, Georg-AugustUniversität Göttingen, Courant Research Centre – Poverty, Equity and Growth (CRC-PEG), Göttingen.

7. Steffen Lohmann et al. “The Effect of Drought on Health Outcomes and Health Expenditures in Rural Vietnam”. World Development.

8.World Bank, Asian Development Bank. “Climate Risk Country Profile: Viet Nam”.

9. World Bank. “Vietnam Country Climate and Development Report”. 2022.