Lũ lụt, sạt lở – lực đẩy di cư?

Có lẽ, sau những cuộc di cư tự phát từ làng quê ra thành phố vì lực hút kinh tế, tới đây còn có một loại hình di cư mới, di cư vì môi trường.

Với những người như Cứ A Tùng, dù chưa từng nghe đến những nhận định của các chuyên gia về biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì hành trình di cư ra khỏi rốn lũ quét và sạt lở Mù Cang Chải, Yên Bái đã bắt đầu từ 2014. Sau khi lập gia đình, không thể đủ ăn chỉ với hai mảnh ruộng bậc thang, “một vụ chính thu được 15 bao lúa (khoảng 5 tạ) thì hay gặp lũ, một vụ đông xuân nước về ngày càng ít chưa bao giờ thu đủ 10 bao lúa”, cũng không còn tìm được nguồn lợi gì từ rừng như thời bố mẹ ông bà, Tùng theo anh em cùng làng đi phụ hồ ở dưới xuôi. Lợi thế du lịch của vùng giang sơn cẩm tú, ruộng bậc thang kỳ vĩ giúp Mù Cang Chải có một mùa vàng đón khách du lịch vào tháng 9 – 10 nhưng phần đa thanh niên như Tùng chỉ học hết cấp 1, cấp 2, không có nguồn vốn lớn và nhà đẹp đủ sức đón khách homestay cũng không thể tận dụng được lợi thế này. “Giờ ở quê toàn người già với trẻ con, thanh niên trong bản, trong xã đều tìm đường đi làm ăn xa như em”, Tùng thường đi Bắc Giang hoặc Hà Nội, nơi có những người Hmông khác trong bản Trống Là và xã Hồ Bốn cùng đi.

Một góc đường vào xã Hồ Bốn sau trận lũ 5/8/2023, ảnh ngày 6/8/2023 của Việt Cường.

Vào năm 2014, ở thời điểm mà Tùng bắt đầu đi tìm việc, các tính toán dự báo về di cư do áp lực môi trường mới đưa ra dự báo còn khiêm tốn “năm 2015, Việt Nam có khoảng 135.000 hộ dân phải di dời vì lý do môi trường”– từ đó đến nay cứ vào mùa mưa lũ, Mù Cang Chải thường xuyên trở thành tâm điểm trên truyền thông vì năm nào cũng oằn mình chống chịu với thiên tai, và bao giờ cũng cần tới cứu trợ khẩn cấp của Trung ương.

Ngày càng bất định khó lường 

Nguy cơ thiên tai và khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng. Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019, Việt Nam xếp thứ 13 trong số 180 quốc gia chịu nhiều rủi ro. Các phân tích mô hình cho thấy tính bất định lớn xoay quanh hai vấn đề quan trọng: xu hướng lượng mưa và xu hướng về cường độ của các hiện tượng cực đoan. Các kịch bản nhiệt độ tăng đều sẽ khuếch đại các tác động đối với sức khỏe con người, sinh kế và hệ sinh thái. Liệu nguy cơ, áp lực tới mức tạo thành lực đẩy những người dân di cư ra khỏi môi trường sống quen thuộc của mình để tìm sinh kế mới?

Trước tiên chúng ta phải nhận diện những nét cơ bản nhất về thiên tai, khí hậu cực đoan với những vùng cao như Tây Bắc, một nơi điển hình hứng chịu lũ lụt và sạt lở. Không chỉ có Cứ A Tùng cảm thấy mỗi năm mưa lũ ngày một dữ, các nghiên cứu gần đây cho thấy cảm nhận chung của người dân đều “nhận thấy xu hướng ngày càng tăng về tần suất và tác động của lũ quét và lở đất trong 15 năm qua” (từ 2000 đến 2015). Cuộc khảo sát 405 nông hộ ở Yên Bái cho thấy, 93% người trả lời cho biết tác động dễ thấy nhất của khí hậu cực đoan và thiên tai là mất mùa, giảm năng suất, về lâu dài ảnh hưởng tới an ninh lương thực, 97% số hộ được khảo sát cho biết nguồn thu từ nông nghiệp đã giảm đi, 87% người được hỏi cho biết lũ quét sạt lở đất gây khó khăn cho canh tác hơn nhiều. Chỉ có khoảng 5% số hộ được hỏi cho biết không chịu ảnh hưởng của khí hậu cực đoan và thiên tai (1).

Những cảm nhận “bất định” “thiên tai gia tăng” đó của người dân liệu có xác đáng? Hay dễ rơi vào cảm tính? Chúng ta cần thêm những đo lường, với dữ liệu cụ thể về các sự kiện tự nhiên để hình dung một bức tranh sơ khởi. Một xuất bản (2) vào đầu năm 2024, phân tích 226 điểm dễ xảy ra lũ quét, và 452 điểm dữ liệu lịch sử để dự đoán xác suất xảy ra lũ quét và xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét thời kỳ trong các năm từ 2013 đến 2022 ở huyện Mường La, Sơn La, ngay sát Mù Cang Chải, sử dụng dữ liệu từ Tổng cục Phòng chống thiên tai và các dữ liệu hiện trường của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho thấy những điều rất đáng suy nghĩ. Khu vực được phân loại là “có khả năng xảy ra lũ quét cao” và “rất cao” trong giai đoạn 2013 – 2022 tăng lên 11.7% so với giai đoạn 2001-2010.

Sau trận lũ 5/8/2023 tàn phá căn nhà cũ, Cứ A Tùng đang tự xây lại nhà trên nền của một thửa ruộng bậc thang. Ảnh: TQ

Nghiên cứu cũng đánh giá, việc thay đổi mục đích sử dụng đất, làm giảm độ che phủ đất, như nạn phá rừng, đô thị hóa hoặc các hoạt động nông nghiệp là nguyên nhân làm gia tăng lũ lụt. Trong khi các thông số về mật độ che phủ thực vật giảm đi, cho thấy thảm thực vật thưa thớt hoặc đất cằn cỗi, làm giảm khả năng hấp thụ nước và tăng nguy cơ xảy ra dòng chảy bề mặt và lũ quét thì ngược lại, các thông số cho thấy diện tích xây dựng tăng lên khiến cho các khu vực này dễ bị lũ quét hơn do dòng chảy tích tụ lại nhanh chóng khi có mưa lớn.

Sẽ rất khó để người bên ngoài hình dung được đầy đủ nguy cơ của thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan với đời sống của người dân vùng thường xuyên hứng chịu thiên tai. Việc có thêm các góc nhìn ở những khía cạnh khác sẽ khiến chúng ta dễ hình dung hơn, chẳng hạn như giao thông – yếu tố căn bản nhất trong loạt hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” với miền núi. Có nghiên cứu đánh giá (3) các nguy cơ lũ lụt với giao thông Tây Bắc quốc lộ 6, trục đường chính đi lên Tây Bắc đã cho thấy hiện trạng phức tạp, nguy cơ với trục giao thông huyết mạch của Tây Bắc này rất cao. Nghiên cứu thu thập dữ liệu về các vị trí lũ quét và trượt lở đất trong ba năm 2017, 2018, 2019, gồm 88 điểm lũ quét và 235 điểm trượt lở trên trục đường dài 115 km, tập trung vào phạm vi 3 km dọc theo trục đường nghiên cứu. Phân tích cho thấy tổng cộng diện tích có “nguy cơ cao và rất cao” là 60.44% (trong đó 44,89% diện tích nằm trong vùng nguy cơ “rất cao”, 15,55% diện tích có nguy cơ “cao”).

Dù vậy, các nghiên cứu trên cũng chỉ so sánh được những giai đoạn muộn, không có các dữ liệu lịch sử dài hơn, khu vực khảo sát rộng hơn. Có thể phải so sánh thời gian lùi sâu hơn mới thấy các hình thái thiên tai, khí hậu khắc nghiệt tăng lên rõ rệt hơn nhiều. Vì ngay từ đầu những năm 1990, các báo cáo (4) đã đánh giá đây là thời điểm Việt Nam có tốc độ mất rừng nhanh nhất khu vực. Việc mất mát lớp che phủ tự nhiên tất yếu làm gia tăng lũ lụt, sạt lở đất.

Tác động của thiên tai lên các nhóm yếu thế khoét sâu vào những bất bình đẳng đã có trong xã hội. Từ một thập kỷ trước, đã có tính toán cho thấy thiên tai làm tăng tỷ lệ nghèo của những người bị ảnh hưởng lên 2.7 điểm phần trăm (từ 18.9% lên 21.6%), và làm tăng bất bình đẳng chi tiêu trong toàn bộ dân số, đo lường bằng hệ số Gini, lên 0.65% (5).

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên tác động tới thu nhập của hộ gia đình, không chỉ ở một vùng nhất định, mà trên quy mô cả nước đã cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt và bão – làm giảm phúc lợi ngay lập tức ở các hộ gia đình ở các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%, theo một nghiên cứu dựa vào dữ liệu thống kê về mức sống hộ gia đình trên cả nước. “Biến đổi khí hậu sẽ khiến các nhóm nghèo đói, dễ tổn thương càng nghèo hơn vì so với các nhóm khác họ đã có ít nguồn vốn xã hội, kỹ năng thấp từ trước rồi”, TS. Nguyễn Việt Cường, tác giả nghiên cứu, nhận xét với chúng tôi, khi anh mới xuất bản công bố.

Thiên tai càng nghiêm trọng thì di cư càng nhiều hơn 

Trong 10 năm kể từ chuyến đi tìm việc làm đầu tiên ở dưới xuôi, vào cuối hè mưa lũ nhiều Cứ A Tùng thường hay về thăm nhà giúp đỡ vợ con thu hoạch, thì hè năm 2023 A Tùng gặp phải cú sốc không bao giờ quên trong đời. Trong trận lũ lịch sử đêm ngày 5/8, hai vợ chồng bồng bế 3 đứa con và dắt bố của Tùng chạy khỏi cơn lũ ập tới sau lưng nhưng ông đã không chạy kịp. Ông bị cuốn đi tận thủy điện Mường La cách đó chừng chục km nhưng đi bộ mất cả ngày đường mới tìm thấy.

Sau cơn lũ cuốn đi hơn 700 căn nhà, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống đường, điện, điện thoại, cô lập gần 10 nghìn hộ dân ở ba xã, thì vợ chồng Cứ A Tùng và Giàng Thị Chù không còn gì cả: căn nhà, tài sản giá trị nhất, toàn bộ đàn lợn 8 con và mấy chục con gà vịt, lúa trên thửa ruộng sắp thu hoạch đều cuốn trôi vào dòng suối. Con suối ngày thường hiền hòa, đến mùa lũ đã nạo vét rộng ra hàng chục lần, cuốn tài sản của cả bản Trống Là đi theo. Được nhà nước hỗ trợ 30 triệu tiền san nền nhà, dựng lại căn nhà mới ngay trên nền một thửa ruộng bậc thang, chỉ còn một thửa ruộng nhỏ chưa chắc thu được 7 – 8 bao lúa, Tùng rủ vợ đi Bắc Giang làm phụ hồ, để lại ba con nhỏ, đứa lớn nhất lớp 5, đứa nhỏ nhất lớp 1, cho mẹ trông hộ.

Dù những người dân hằng ngày phải hứng chịu thiên tai có nhận diện rõ rệt sự tàn khốc của tự nhiên và quyết định dứt áo rời quê hương, nhưng liệu đó có phải là những trường hợp đơn lẻ? Gần đây một số tính toán của các nhà kinh tế cho thấy bằng chứng rõ ràng về quyết định di cư của lao động làm nông nghiệp chịu ảnh hưởng từ sức ép môi trường, cho thấy rõ mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm mưa rất lớn, nóng hoặc lạnh cực đoan với xu hướng di cư (7).

Một nghiên cứu khác, phân tích dữ liệu từ Điều tra tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình trong cả nước, đã cho thấy trong khoảng 10 năm gần đây, những nơi chịu lũ lụt ngày càng thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn, thì người dân thường di cư nhiều hơn, cứ rủi ro lũ lụt tăng lên thì số người di cư lâu dài sẽ tăng lên. Đặc biệt, “các xã nơi lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn trong thập kỷ qua cũng có lượng di cư nhiều hơn đáng kể”, nghiên cứu nêu trong kết luận.

Thực ra, người dân di cư ra khỏi nơi sinh sống của mình để tìm sinh kế tốt hơn không có gì lạ. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, di cư luôn là một trong những biện pháp mà loài người áp dụng để tìm sinh kế mới. Khác chăng là hiện nay, biến đổi khí hậu trở thành một lực đẩy di cư mới. Đi sâu hơn vào quyết định di cư của các nhóm di cư do áp lực môi trường, một nghiên cứu vào năm ngoái cũng đã phân tích cụ thể quyết định di cư của các nhóm khác nhau và cho thấy “thiên tai có tác động tới quyết định di cư của nhóm hộ phụ thuộc vào nông nghiệp: cứ tăng thêm một đợt thiên tai thì xác suất có ít nhất một thành viên của một hộ gia đình di cư tăng 2,7% (8)”.

Các báo cáo gần đây của tổ chức Di cư quốc tế cũng đánh giá, mối quan hệ giữa thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và di cư thường chịu tác động của mối quan hệ đa chiều với các yếu tố khác, như tăng trưởng dân số, đói nghèo, quản trị, an ninh con người … Trong trường hợp suy thoái môi trường diễn ra từ từ, quyết định nên ở lại hay di dời và di dời đi đâu thực chất liên quan đến các yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và từng cá nhân, động lực của di cư rất đa dạng và có sự tương tác với nhau.

Trước đây vẫn có nhiều thảo luận rằng di cư là hậu quả tiêu cực của môi trường thay đổi và thường được cho là sự thất bại trong việc thích ứng với những thay đổi của môi trường hay di cư là một chiến lược sống giúp cải thiện khả năng chống chịu với các hiểm họa thiên nhiên của cá nhân và cộng đồng? Càng gần đây, càng có nhiều ý kiến cho rằng di cư chính là biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng, tăng khả năng chống chịu với khí hậu cho người dân nông thôn. Chính những nhóm cũng gặp thiên tai và biến đổi khí hậu nhưng không có nguồn lực, cao tuổi, không đủ sức khỏe và mạng lưới quan hệ xã hội nên “mắc kẹt lại” không thể di cư còn đối diện với nhiều khó khăn hơn. Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy, “cuộc sống của người ở lại không cải thiện nhiều, cụ thể là có tới 40% số hộ trong nhóm phụ thuộc vào nguồn trợ cấp từ người di cư và trợ cấp xã hội cho biết mức sống của họ không được cải thiện trong năm năm qua (9)”.

Dòng người di cư từ các vùng chịu thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đông hơn, các kịch bản khí hậu cho thấy, trong những kịch bản biến đổi khí hậu “dễ thở” nhất, sẽ vẫn có gần hai triệu người di cư do khí hậu, chiếm khoảng ¼ số người di cư trong cả nước (theo Báo cáo Groundswell của Worldbank). Dù vậy, di cư vẫn chưa được đề cập nhiều trong các chính sách phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong khi các nghiên cứu trước đây về cuộc sống của người di cư cho thấy người di cư luôn gặp nhiều khó khăn (10) ở nơi đến do thiếu kỹ năng, thiếu khả năng tiếp cận với các dịch vụ công, công việc thiếu ổn định, gặp nhiều rủi ro và gánh nặng trách nhiệm với cha mẹ, con cái ở quê hương. Chưa kể, dòng di cư tăng lên cũng gây áp lực cơ sở hạ tầng cho nơi di cư đến. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải đưa vấn đề di cư vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển, ở cả nơi di cư đi và nơi di cư đến.

——-

Chú thích:

(1) Nga Thanh Thi Pham, Duy Nong, Matthias Garschagen, Natural hazard’s effect and farmers’ perception: Perspectives from flash floods and landslides in remotely mountainous regions of Vietnam, Science of the Total Environment, Volume 759, 10 March 2021.

(2) Duc-Vinh Hoang, Yuei-An Liou, Assessing the influence of human activities on flash flood susceptibility in mountainous regions of Vietnam, Ecological Indicators, Volume 158, January 2024.

(3) Chinh Luu và cộng sự, Flash flood and landslide susceptibility analysis for a mountainous roadway in Vietnam using spatial modeling, Quaternary Science Advances, Volume 11, July 2023.

(4)Theo De Koninck, trong những năm 1990, tốc độ phá rừng Việt Nam nhanh nhất khu vực, che phủ rừng ở Việt Nam bị suy giảm xuống chỉ còn 20% hoặc 16%, thậm chí một số đánh giá còn cho rằng tỉ lệ che phủ xuống dưới 10%. Nguồn: https://idrc-crdi.ca/sites/default/files/openebooks/274-0/index.html

(5) Anh Tuan Bui, Mardi Dungey, Cuong Viet Nguyen and Thu Phuong Pham (2014). The impact of natural disasters on household income, expenditure, poverty and inequality: evidence from Vietnam, Applied Economics. 46:15, 1751-1766.

(6) Arouri, M., Nguyen, C., & Youssef, A. B. (2015). Natural disasters, household welfare, and resilience: evidence from rural Vietnam. World Development. Elsevier, vol. 70(C), pages 59-77

(7) Nguyen Viet Cuong (2021), “Do weather extremes induce people to move? Evidence from Vietnam”, Economic Analysis and Policy. Elsevier, vol. 69(C), pages 118-141.

(8) Hoàng Xuân Trung, Nguyễn Thu Hương, Trần Quang Tuyến, Heterogeneous effects of natural disasters on migration and household well-being in rural Vietnam: a panel data analysis, 14 August 2023.

(9) Hoang, C. V., Tran, T. Q., Nguyen, Y. H. T., & Nguyen, K. D. (2019). Is Land Ownership a Key Factor in the Choice of Livelihood in the Mekong Delta, Vietnam? Human Ecology, 47(5), 681-691. Springer.

(10) Điều tra di cư nội địa quốc gia 2015 của Tổng cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, điều kiện sống của người di cư thấp hơn người không di cư (chẳng hạn, tỉ lệ người di cư có diện tích ở bình quân rất nhỏ, dưới 6m2 cao hơn gấp 3 lần so với nhóm không di cư), tỉ lệ lao động di cư có hợp đồng dài hạn chỉ bằng 2/3 so với người không di cư. Trong khi đó người di cư thường phải gửi tiền về quê nuôi gia đình (chủ yếu chi cho việc cải thiện sinh hoạt hằng ngày và chi cho học hành, khám chữa bệnh).