Giữ rừng để giảm nhẹ thiên tai

Siêu bão Yagi (bão số 3) với sức gió cấp 16, 17 và hoàn lưu của nó “quần thảo” trên khắp 26 tỉnh, thành phố phía bắc, khiến hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế vượt con số 80.000 tỷ đồng. Tang thương nhất là những vụ sạt lở đã dìm cả ngôi làng với hàng chục ngôi nhà, hàng trăm con người, vật nuôi trong bùn nhão, như ở thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát hay thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, cùng ở tỉnh Lào Cai…

Sau bão, nguy cơ sạt lở vẫn rình rập. Đường giao thông xã A Lù, Bát Xát, Lào Cai.

Hiện tượng sạt lở đất, sạt lở núi xảy ra đã nhiều lần trong nhiều năm qua, nhưng đó là những lần đất bị mất chân gây trôi, sạt hay lở xuống. Còn lần này là bùn, bùn nhão. Trong thảm họa Yagi, ở nhiều nơi bất ngờ có tiếng nổ rung chuyển núi rừng, rồi cả cột bùn khổng lồ vọt ra từ sườn núi, cuồn cuộn lao xuống nhấn chìm mọi thứ.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu môi trường, địa chất thì một trong những nguyên nhân là do mất rừng. Rừng nguyên sinh với cấu trúc tự nhiên phức tạp nhiều tầng, nhiều tán có tác dụng quan trọng trong việc giảm tác động tiêu cực của thiên tai, ngăn nước mưa xối thẳng xuống đất.

Những cây cổ thụ có bộ rễ sâu hàng chục mét, đan kết chằng chịt, giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu, tạo thành một khối ổn định và vững chắc giữ lại phần lớn lượng nước mưa, ngấm từ từ xuống lòng đất thành mạch nước ngầm, chỉ một lượng nhỏ nước mưa trôi trượt trên mặt đất, ít khi đủ thành lũ quét.

Ở nhiều địa phương, từ miền núi phía bắc đến Tây Nguyên, phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đều có lễ cúng rừng, một nghi thức tín ngưỡng thiêng liêng của những người sống nhờ rừng, chết về với rừng; có những luật tục rất nghiêm khắc, phạt nặng ai vào rừng thiêng lấy củi, chặt cây. Từ đời này sang đời khác, người già vẫn nhắc người trẻ: Phải giữ rừng để mó nước tuôn trào, để đời đời sinh sôi. Nếu không có rừng, muôn loài sẽ bỏ đi. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.

Sau trận lũ quét, tại xã Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai.

Thế nhưng, trong bức tranh chung một thực tế đau xót là sau nhiều thập kỷ, phần thì bị khai thác không có kế hoạch hợp lý, phần thì bị người dân chặt hạ trái phép để canh tác, mưu sinh; phần do chuyển đổi cây trồng không phù hợp; do mặt trái của lạm dụng làm thủy điện dẫn đến… rừng ngày một mất dần.

Mất rừng, đất ngậm no nước, mối liên kết trở nên lỏng lẻo, đất đá mềm nhão, kết hợp với lũ quét làm mất chân, núi sẽ lở, đồi sẽ sạt, hàng trăm nghìn, hàng triệu mét khối đất, đá từ trên cao trượt sạt xuống, cuốn theo tất cả trên đường đi của nó. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, nhưng chủ yếu là rừng sản xuất ít tầng tán, khai thác theo chu kỳ vòng đời cây.

Mất rừng, đất ngậm no nước, mối liên kết trở nên lỏng lẻo, đất đá mềm nhão, kết hợp với lũ quét làm mất chân, núi sẽ lở, đồi sẽ sạt, hàng trăm nghìn, hàng triệu mét khối đất, đá từ trên cao trượt sạt xuống, cuốn theo tất cả trên đường đi của nó.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, nhưng chủ yếu là rừng sản xuất ít tầng tán, khai thác theo chu kỳ vòng đời cây. Riêng bão Yagi gây thiệt hại 170.000 ha rừng tại 13 địa phương phía bắc.

Cùng với sự hỗ trợ của trung ương, sự chung tay của người dân trong cả nước, các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đặc biệt là đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng ở cơ sở. Nhưng bên cạnh việc tái thiết cuộc sống cho người dân, công tác phục hồi rừng tự nhiên cũng phải được ưu tiên thực hiện trong trước mắt và cả lâu dài.

Dọc các tuyến đường lên các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát của tỉnh Lào Cai, những cánh rừng nguyên sinh đã mất gần hết, sau lũ xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Để có những khu rừng tự nhiên nhiều tầng, nhiều tán đủ sức giảm nhẹ thiên tai, góp phần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sinh thái phải mất hàng chục thậm chí cả trăm năm. Đây là công việc rất khó khăn, nhưng không thể không làm và phải làm với những kinh nghiệm, bài học xương máu từ hậu quả bão, lũ do mất rừng.

Hơn lúc nào hết, các địa phương có rừng cần có chiến lược phát triển bền vững, trong đó việc bảo đảm sinh kế, đời sống cho nhân dân, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương không thể tách rời khỏi việc bảo vệ môi trường nói chung, hệ sinh thái rừng nói riêng. Việc trồng, phục hồi, khai thác rừng phải đồng bộ căn cơ, giải quyết hài hòa giá trị kinh tế và giá trị môi trường của rừng, đặt mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu với những quy định chặt chẽ và thực thi pháp luật về bảo vệ rừng thật nghiêm minh.

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển các ngành phải được tính toán lại phù hợp vì lợi ích chung, giữa khai thác tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng, tài nguyên nước; giữa phát triển thủy điện và mục tiêu giữ rừng, bảo vệ nguồn lợi nông nghiệp, lâm nghiệp…