Người tiêu dùng Net Zero

Người tiêu dùng thế hệ mới đang thúc đẩy việc giảm dấu chân sinh thái qua quyết định mua sắm.

Khảo sát của McKinsey cho thấy, có tới 91% người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Gen Z cho biết họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các thương hiệu theo mô hình kinh doanh bền vững. McKinsey đã đưa ra kết luận: Giữa 2 lựa chọn sản phẩm có chất lượng và mức giá ngang nhau, nhóm khách hàng Zero Consumer sẽ ưu tiên những thương hiệu có cam kết và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của con người và trái đất. Vì vậy, các thương hiệu cần quan tâm những vấn đề chung mà xã hội quan tâm trong nỗ lực xây dựng các thương hiệu xanh.

Đã có hơn 150 quốc gia trên thế giới cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 Ảnh: stock.adobe.com.

Theo báo cáo từ Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2023, đã có hơn 150 quốc gia trên thế giới cam kết đạt Net Zero vào năm 2050. Việt Nam, hiện là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, với lượng phát thải khí carbon tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào mục tiêu Net Zero toàn cầu. Như khảo sát của McKinsey, người tiêu dùng đang hưởng ứng tích cực với trào lưu sống xanh, tiêu dùng xanh như đồ tái chế, tránh lãng phí, phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, người tiêu dùng kỳ vọng doanh nghiệp sẽ mang đến những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với người tiêu dùng Hà Nội và TP.HCM, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa. Đáng lưu ý, gần 90% ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao  Kantar Việt Nam, nêu thực tế: “Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường”.

Vì thế, xu hướng tiêu dùng xanh đang định hình lại hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Vinamilk triển khai hàng loạt dự án như Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam; triển khai năng lượng mặt trời, năng lượng xanh cho toàn bộ trang trại và nhà máy… Masan chung tay bảo vệ môi trường bằng các giải pháp khuyến khích thay thế nylon bằng 100% túi tự hủy sinh học. Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi 100% ống hút cho sản phẩm uống liền từ nhựa dùng 1 lần bằng ống hút giấy từ nguồn trồng rừng bền vững.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam, cho biết dù chi phí sản xuất ống hút giấy đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa, song doanh nghiệp phải đảm bảo việc thay ống hút không làm thay đổi giá sản phẩm. Theo ông Hưng, doanh nghiệp không quá chú trọng đến bài toán kinh tế ngắn hạn mà mong muốn thay đổi thói quen người tiêu dùng với sản phẩm xanh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, bám chắc xu hướng chuyển đổi xanh, nhờ đó được người tiêu dùng đón nhận. Nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự “đánh đổi chi phí” thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh và là tấm “hộ chiếu” để bước ra thị trường thế giới.


Ở góc độ thúc đẩy thời trang xanh, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết ngày càng nhiều thương hiệu thời trang lựa chọn, sử dụng các chất liệu xanh được sản xuất an toàn với môi trường như bã cà phê, gai, tre, sen, bạc hà, dứa, chuối, bắp… Tuy nhiên, thời trang xanh cũng như các sản phẩm xanh đang đối diện rào cản lớn là giá thành vẫn còn cao hơn những sản phẩm thông thường khác. Giải quyết rào cản này là nỗ lực để thúc đẩy tiêu dùng xanh trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam được coi là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

“Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc đến việc khuyến khích thời trang bền vững, thông qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia thu gom và sản xuất nguyên phụ liệu tái chế, thân thiện với môi trường…”, bà Mai cho biết.