Được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon, các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân có thêm nguồn kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng một cách bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình sẽ nhận được 235 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD). Gần 11.000 chủ rừng tại đây được hưởng lợi từ nguồn thu này, góp phần hiệu quả vào việc quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
“Lấy rừng nuôi rừng”
Ban Quản lý (BQL) rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 2014 với 25 thành viên và 4 tổ bảo vệ rừng, thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2.200 ha rừng tự nhiên quanh khu vực vùng đệm di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.
Trước đây, BQL rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm hoạt động với kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng hằng năm khá ít ỏi từ một dự án của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Năm 2020, khi dự án này kết thúc, BQL gần như không có kinh phí hoạt động, đứng trước nguy cơ giải thể.
Ông Cao Thanh Tùng, Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm, cho biết do thiếu kinh phí hoạt động nên việc bảo vệ rừng tại địa phương gặp nhiều trở ngại. “Thiếu kinh phí hoạt động thì không thể duy trì lực lượng để bảo vệ, gìn giữ rừng. Rừng ở đây lại có nhiều gỗ quý, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lâm tặc đột nhập khai thác. Dù khó khăn nhưng anh em động viên nhau cố gắng bảo vệ rừng đệm cho di sản” – ông tâm sự.
Năm 2023, BQL rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm được nhận tiền chi trả từ việc bán tín chỉ carbon hơn 800 triệu đồng. Đây là số tiền được ví như “trên trời rơi xuống” khiến nhiều người phấn khởi. Từ số tiền ấy, BQL đã sử dụng vào công tác bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện phương châm “lấy rừng để nuôi rừng” một cách bền vững.
BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hiện quản lý, bảo vệ trên 52.000 ha rừng. Năm 2023, đơn vị này được chi trả 8,2 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon.
Theo ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, sắp tới đơn vị sẽ dựa vào hướng dẫn để lập kế hoạch chi tiêu phù hợp số tiền này. Trong đó, 10% sẽ chi cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; số còn lại sẽ hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng, xây dựng các mô hình sinh kế…
“Nguồn kinh phí này sẽ được dùng hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân 16 cộng đồng thôn, bản. Mỗi cộng đồng được hỗ trợ một mô hình trị giá 50 triệu đồng/năm, trong 3 năm sẽ có thêm 48 mô hình nên số kinh phí còn lại vẫn rất nhiều” – ông Cừ tính toán.
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, cho biết với sự hỗ trợ của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF), giai đoạn 2023-2025, tỉnh được phân bổ từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải rừng tự nhiên hơn 235 tỉ đồng, cao thứ 2 trong 6 địa phương vùng Bắc Trung Bộ.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình đã phân bổ kinh phí từ nguồn chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ cho các đối tượng hưởng lợi với số tiền hơn 162 tỉ đồng, đạt gần 70% kế hoạch. Kinh phí còn lại sẽ tiếp tục chi trả trong năm 2024 và đưa vào kế hoạch tài chính năm 2025.
“Bể chứa” carbon
Quảng Bình là địa phương đứng thứ 2 cả nước về độ che phủ rừng với tỉ lệ hơn 68% – trên 590.000 ha. Chất lượng rừng tại địa phương này khá tốt, trữ lượng carbon trên 50 triệu m3. Vì vậy, Quảng Bình được đánh giá là một trong những “bể chứa” carbon rừng của cả nước.
Rừng tự nhiên ở Quảng Bình chủ yếu được giao cho các BQL rừng phòng hộ, BQL rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã… quản lý, bảo vệ. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế rừng mà còn góp phần vào việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Duẫn, được sự hỗ trợ từ IBRD, Quảng Bình đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng carbon rừng”. Quảng Bình đã xây dựng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để quản lý nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon; xây dựng đường phát thải tham chiếu làm cơ sở để tính toán mức phát thải, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá với hơn 590.000 ha rừng, Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng lớn về giảm phát thải và hấp thụ carbon. Nguồn tín chỉ carbon rừng đã góp phần tăng kinh phí cho việc bảo vệ và phát triển rừng; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn.
Cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ở Quảng Bình cũng có thêm nguồn kinh phí để chăm sóc rừng hiệu quả hơn. Việc triển khai thực hiện tín chỉ carbon rừng đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ rừng; giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Tháo gỡ vướng mắc về việc chi trả Theo ông Lương Sỹ Trình, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, đơn vị này quản lý diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Quảng Bình với gần 60.000 ha. Năm 2023-2024, công ty này nằm trong số các chủ rừng được chi trả hơn 21 tỉ đồng từ nguồn thu thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ với tổng diện tích rừng tự nhiên 57.973 ha. Tuy nhiên, theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP (quy định về khoán bảo vệ rừng), chủ rừng chỉ thực hiện khoán với cộng đồng dân cư, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty Long Đại đã được hỗ trợ 300.000 đồng/ha từ ngân sách nhà nước nên không thể nhận số tiền chi trả nêu trên. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng thu nhập còn bấp bênh dù công việc rất vất vả, nguy hiểm. Từ trường hợp nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng các cấp thẩm quyền cần điều chỉnh về đối tượng hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon để phù hợp với tình hình thực tế của từng chủ rừng, đơn vị, địa phương. Ông Trần Quốc Tuấn cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc chi trả kinh phí từ tín chỉ carbon rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình cũng được yêu cầu tổng hợp, báo cáo gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam nhằm có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh hoặc làm cơ sở ban hành chính sách mới phù hợp hơn khi kết thúc giai đoạn thí điểm. |
Bài và ảnh: Hoàng Phúc