Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Những năm qua, Mạng lưới CVĐC toàn cầu luôn thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững quan trọng như: giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học… Trong đó, mỗi CVĐC đều xây dựng các chương trình hành động quyết liệt như: Hưởng ứng các Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Làm cho thế giới sạch hơn (19/9), đồng thời thực hiện các quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đại dương, sông ngòi, khoáng sản, di sản cảnh quan CVĐC; giảm thiểu phát thải rác, chất thải; hỗ trợ người dân bản địa phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn net-zero; thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học kiến tạo lá phổi của hành tinh…
“Tuyên bố Cao Bằng” đề cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản công viên địa chất
Bảo tồn di sản địa chất góp phần ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu
Cao Bằng – nhịp cầu kết nối tài nguyên di sản và điểm hẹn văn hóa di sản công viên địa chất
Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Cao Bằng hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất Toàn cầu – Bài 3
Cao Bằng hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất Toàn cầu – Bài 2
Cao Bằng hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất Toàn cầu – Bài 1
Riêng tại Cao Bằng, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chính sách lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, Quy hoạch chung toàn tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 1486/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 đặt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 60%; kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động xâm hại tài nguyên rừng, di sản CVĐC; phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế rừng, mô hình trang trại, làng nghề truyền thống gắn với du lịch xanh, hạn chế phát thải rác…
Chia sẻ về hiệu quả chương trình bảo vệ môi trường đã và đang được áp dụng, Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho biết: Với chương trình hành động mang tên “Chiến dịch xanh”, CVĐC Đắk Nông đã vận động người dân “Đổi rác tái chế lấy quà tặng” (đổi pin, thiết bị điện tử, hộp sữa, thủy tinh, túi nhựa… lấy xà phòng, dầu gội, kem đánh răng, nước rửa tay, túi xách), đồng thời tổ chức các “Gian hàng sản phẩm xanh” nhằm khuyến khích người dân dùng chai giữ nhiệt tre, ống hút dương xỉ, xà phòng thảo dược… Sau hai lần tổ chức thành công, “Chiến dịch xanh” đã được Tổ chức phi chính phủ Gen Xanh – Môi trường ký kết hợp tác, hỗ trợ giai đoạn 2022 – 2025.
Đến từ Nhật Bản, ông Hikari Shiba (Hội đồng xúc tiến Công viên Địa chất Sakurajima-Kinkowan) chia sẻ: CVĐC Sakurajima-Kinkowan đã tạo ra một trò chơi thẻ. Thông qua trò chơi, người dân có thể tìm hiểu về thảm họa núi lửa, các biện pháp phòng ngừa cũng như hành động cần thiết áp dụng khi thảm họa xảy ra…
Một số đại biểu CVĐC đến từ các nước châu Á, châu Phi, châu Âu… cũng đề xuất nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp để cùng chung tay bảo vệ hành tinh. Trong đó, hầu hết đều đồng thuận cho rằng cộng đồng giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ di sản và thực hiện các hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, gìn giữ văn hóa-ẩm thực-giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú các giá trị di sản CVĐC.
Dẫn chứng câu chuyện của CVĐC toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), ông Đỗ Thế Vinh cho rằng người dân Hà Giang trải quá quá trình khá khó khăn để định hình chiến lược bảo tồn di sản và phát triển du lịch CVĐC như ngày nay, người dân cũng được tham gia đầy đủ vào các quá trình ra quyết định liên quan đến bảo tồn CVĐC và phát triển bền vững, tuy nhiên, phần lớn đồng bào còn gặp khó khăn về sinh kế, do đó, cần các chính sách hỗ trợ về sinh kế, giáo dục, văn hóa… nhằm giúp bà con cải thiện cuộc sống, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng và bảo tồn di sản hiệu quả hơn.
Ông Hari Wiki Utama, Giáo sư Đại học Jambi, đại diện đoàn CVĐC toàn cầu Merangin Jambi, Indonesia chia sẻ: CVĐC toàn cầu Merangin Jambi là vùng rừng nhiệt đới, bên trong vùng lõi là miệng núi lửa Masurai và các dãy đứt gãy hoạt động núi lửa… Với yếu tố tự nhiên dễ chịu tác động bởi thiên tai nên Ban Quản lý đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng, tăng cường vành đai xanh, đảm bảo ranh giới an toàn miệng núi lửa và rừng nhiệt đới, góp giảm thiểu thảm họa từ thiên tai.
Ban Quản lý CVĐC toàn cầu Ijen, Indonesia chia sẻ về việc khởi xướng Chương trình ẩm thực dân tộc nhằm huy động người dân bảo tồn, sử dụng nguyên liệu địa phương để duy trì và phát triển ẩm thực truyền thống, vừa làm phong phú di sản văn hóa ẩm thực, vừa tích cực bảo vệ sức khỏe và phúc lợi cộng đồng, góp phần giải quyết thách thức lớn về tình trạng suy dinh dưỡng ở Indonesia.
Các chuyên gia của Trung tâm CVĐC toàn cầu Nanki Kumano, Nhật Bản thì sử dụng các CVĐC để triển khai các hoạt động bảo tồn và giáo dục trải nghiệm cho học sinh, doanh nghiệp, tổ chức, qua đó, lan tỏa trong xã hội về giá trị di sản CVĐC gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải rác, thúc đẩy du lịch CVĐC theo hướng xanh và bền vững.
Các phiên chuyên đề về “Kiểm kê di sản, bảo vệ và sử dụng bền vững”, “CVĐC và các mục tiêu phát triển bền vững khu vực”, “CVĐC tham vọng phát tiênr – khó khăn và thách thức”… cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, nghiên cứu, khoa học. Trong đó, một trong số các giải pháp được đề xuất là tránh phát triển “nóng”, đồng thời cần đánh giá thực trạng di sản CVĐC theo từng giai đoạn để có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu thiên tai, giảm nghèo bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên khẳng định: Để tạo ra một tương lai bền vững, có sức chống chịu tốt và thiên nhiên được phục hồi, mỗi chúng ta cần phải hành động ngay hôm nay. Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO với vai trò tích cực của mình, CVĐC các quốc gia phải xây dựng kế hoạch chung hướng đến giảm phát thải trên toàn cầu, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa vì thế hệ hôm nay và mai sau. Đặc biệt, chúng ta cần ghi nhận và kế thừa những đóng góp của người bản địa và cộng đồng địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững, kiến tạo hành tinh xanh.
Minh Hòa – Trường Hà