Ba thách thức môi trường lớn nhất của Việt Nam, nhìn từ báo cáo EPI của ĐH Yale

Theo báo cáo Chỉ số Hoạt động môi trường (Environmental Performance Index, EPI) năm 2024 do Đại học Yale công bố gần đây, Việt Nam đang đối mặt nhiều với thách thức môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, mất đa dạng sinh học và năng lực về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Báo cáo EPI được công bố hai năm một lần nhằm đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu môi trường dựa trên Khung chỉ số EPI do Đại học Yale (Mỹ) xây dựng từ năm 2006.

Các chỉ số EPI được phân thành ba nhóm: Sức khỏe môi trường, Sức sống hệ sinh thái, và Biến đổi khí hậu. Về phương pháp tính, EPI tính toán kết quả thực hiện (có thể lượng hóa được) của các chính sách và so sánh với mức mà mục tiêu đã đặt ra. Dữ liệu dùng cho việc tính toán được lấy từ các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và cơ quan chính phủ. Các quốc gia/vùng lãnh thổ được xếp hạng theo điểm tổng hợp và điểm càng lớn thì xếp hạng càng cao.

Kết quả báo cáo EPI năm 2024 được công bố vào tháng Sáu vừa qua cho thấy Việt Nam xếp ở vị trí thấp nhất, 180/180, giảm hai bậc so với năm 2022, và 39 bậc so với năm 2020. Cùng với đó, điểm EPI tổng hợp cũng giảm từ 33,4/100 vào năm 2020 xuống 20,1 vào năm 2022 và 24,5 vào năm nay.

Ô nhiễm không khí là một thách thức môi trường lớn của Việt Nam. Nguồn: essi.org.vn

Rà soát 11 nhóm vấn đề của Việt Nam trong báo cáo EPI mới nhất, có chín nhóm có điểm số dưới mức trung bình. Trong đó có ba nhóm vấn đề có điểm thấp nhất gồm: Đa dạng sinh học và Môi trường sống (25,4/100 điểm, xếp thứ 160/180); Giảm nhẹ biến đổi khí hậu(17,9 điểm, xếp thứ 175); và Ô nhiễm không khí (7,5 điểm, xếp thứ 180), cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm không khí, mất đa dạng sinh học và năng lực về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Hai nhóm vấn đề còn lại có điểm trên trung bình gồm Nông nghiệp (73,0 điểm, xếp thứ 16/180); và Nước & Vệ sinh môi trường (53,7 điểm, xếp thứ 94/180).

Theo các chuyên gia ở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường ISPONRE (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kết quả của chỉ số EPI thay đổi qua các kỳ báo cáo do có sự thay đổi các chỉ tiêu đánh giá, trọng số, số lượng chỉ số, nguồn số liệu, và phương pháp đánh giá. Cụ thể, gần đây nhất, EPI 2022 sử dụng 40 chỉ tiêu đánh giá, nhưng EPI 2024 đã tăng thêm 18 chỉ tiêu, trong đó một số chỉ tiêu trong nhóm Sức sống hệ sinh thái đã được điều chỉnh và tăng gấp đôi số lượng so với năm 2022. Bên cạnh đó, nhóm chỉ số Biến đổi khí hậu vào năm 2020 chỉ là một phần trong nhóm chỉ số Sức sống hệ sinh thái, thì đến năm 2022 đã trở thành một chỉ số độc lập, chiếm trọng số đến 38% tổng điểm. Ngoài ra, việc thay thế chỉ số Axit hóa bằng chỉ số Ô nhiễm không khí cũng góp phần ảnh hưởng tới thứ hạng của Việt Nam.

Do đó, việc so sánh kết quả đánh giá của báo cáo EPI giữa các năm sẽ tạo nên sự khập khiễng, không rõ ràng – các chuyên gia ISPONRE chỉ ra và kết luận nên hạn chế so sánh kết quả và thứ bậc của các năm với nhau.

Nguồn: https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/tinh-hinh-thuc-hien-chi-so-hoat-dong-moi-truong-epi-cua-viet-nam-nam-2024-2752.html; https://epi.yale.edu/measure/2024/epi