Mở khóa sàn giao dịch carbon

Vai trò của thị trường tín chỉ carbon trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow vào năm 2021, Việt Nam đã tuyên bố đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là tiền đề để Việt Nam tái khẳng định quyết tâm chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại COP28 diễn ra ở Dubai vào tháng 12/2023.

World Bank đã theo dõi thị trường carbon trong khoảng 2 thập kỷ và công bố báo cáo Các quốc gia và xu hướng định giá carbon hằng năm tới năm thứ 10.

Động lực từ chính sách

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định, quyết định liên quan đến vấn đề này. Đáng chú ý là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ nay đến năm 2027, Chính phủ dự định hoàn thiện các quy định, chính sách để đến năm 2028 có thể chính thức đưa ra sàn giao dịch carbon đầu tiên tại Việt Nam.

Trên thực tế, việc hình thành thị trường carbon là thực hiện cam kết Net Zero bằng các công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, thị trường carbon chính là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Đây chính là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc chỉ ra, có thể phân loại thị trường thành 2 loại gồm thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Đối với các thị trường bắt buộc, có nghĩa vụ tuân thủ hằng năm để giám sát lượng khí thải carbon và cung cấp lượng tín chỉ carbon chính xác tương ứng với lượng khí thải thực tế và sẽ bị phạt nếu không tuân thủ. Thị trường tự nguyện thì nhắm vào những công ty muốn bù đắp lượng khí thải carbon. Do đó, thị trường tự nguyện không có cơ chế tuân thủ hay trừng phạt.

Thị trường carbon cũng có thể được chia thành thị trường đóng và thị trường mở. Thị trường đóng chỉ cho phép tín chỉ carbon được tạo riêng để đáp ứng theo yêu cầu của chính các thị trường đó, trong khi thị trường mở cho phép tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án có khả năng bù đắp hoặc giảm lượng carbon. Giao dịch tín chỉ carbon có thể diễn ra song phương hoặc trên một nền tảng giao dịch trực tuyến, chẳng hạn như Carbon Trade eXchange (CTX) hoặc CORSIA. Đối với một số nền tảng giao dịch như CORSIA, tín chỉ carbon phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Một trong những hình thức thị trường carbon phổ biến nhất là ETS – hệ thống trao đổi phát thải theo nguyên tắc cap-and-trade (mức trần và giao dịch phát thải). Hình thức còn lại là thu thuế carbon. Với mô hình ETS, trong phạm vi quốc gia, các doanh nghiệp (thường là công ty hoạt động trong ngành phát thải cao) sẽ được giao định mức phát thải nhất định. Doanh nghiệp nào vượt định mức thì phải mua định mức từ đơn vị khác để bù vào và bên bán chính là doanh nghiệp không sử dụng hết định mức đã được cấp. Mô hình này cũng được xây dựng cho thị trường lớn hơn trong phạm vi một quốc gia, chẳng hạn ETS của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng cho các công ty trong ngành sản xuất điện thuộc các quốc gia thành viên, các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (Iceland, Liechtenstein và Na Uy) và Bắc Ireland.

Định giá tín chỉ carbon

World Bank đã theo dõi thị trường carbon trong khoảng 2 thập kỷ và công bố báo cáo Các quốc gia và xu hướng định giá carbon hằng năm tới năm thứ 10. Khi báo cáo đầu tiên được công bố cách đây một thập kỷ, chỉ có 7% lượng khí thải toàn cầu được thống kê bởi thuế carbon hoặc ETS. Báo cáo năm 2023 nhấn mạnh gần 1/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (23%) hiện được theo dõi bởi 73 công cụ định giá carbon. ETS đặt ra giới hạn về lượng phát thải khí nhà kính. Nó cho phép những doanh nghiệp có lượng phát thải thấp hơn bán cho các đơn vị phát thải bổ sung của họ (hoặc “phụ cấp”) cho những bên phát thải cao hơn, từ đó thiết lập giá thị trường cho lượng phát thải. Trong khi đó, thuế carbon trực tiếp đặt giá cho carbon bằng cách xác định thuế suất đối với khí thải.

Xét trên bản đồ tổng quan về khoảng giá carbon tại các thị trường ETS và mức thuế carbon trên thế giới, có thể thấy một số nước có mức giá cao như Uruguay, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Hà Lan do chính phủ các nước này đánh thuế carbon rất cao với quyết tâm loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế; còn giá tín chỉ carbon tại các thị trường ETS như EU, Mỹ, Mexico đang ở mức trung bình và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường; các thị trường ETS và thuế carbon tại một số nước mới phát triển như Trung Quốc, Argentina, Kazakhstan thì giá carbon đang ở mức thấp.

Định giá carbon, khi gắn chi phí vào lượng khí thải CO2, được coi là một công cụ trong số nhiều công cụ khác, giúp chính phủ và doanh nghiệp chuyển đổi sang một tương lai Net Zero. Cuối năm 2021, hơn 21% (năm 2020 là 15%) lượng khí thải trên thế giới được bao phủ bởi một số hình thức định giá carbon. Báo cáo gần đây từ PwC và Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định đây có thể là một công cụ trọng yếu. Báo cáo đã nghiên cứu một số kịch bản định giá carbon. Theo kịch bản “cốt lõi”, trong đó mức giá carbon quốc tế (ICPF) như mức giá do Quỹ IMF đề xuất vào năm 2021 ít nhiều được áp dụng trên toàn cầu, lượng khí thải có thể giảm 12% vào năm 2030. Hơn nữa, đây là giải pháp có thể giúp tự chi trả. Báo cáo đã xem xét các khoản thu có thể được tăng lên thông qua việc định giá carbon và sau đó đầu tư vào các nỗ lực để quản lý quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp. Đề xuất của IMF kiến nghị sử dụng một phần doanh thu từ ICPF ở các nước thu nhập cao để giảm thiểu các tác động bất lợi ở những nền kinh tế khác.

Việc chuyển giao như vậy có thể giúp thu hút sự tham gia rộng rãi và làm cho quá trình chuyển đổi trở nên công bằng hơn. Phân tích chỉ định cho thấy sẽ cần một phần doanh thu carbon bổ sung từ việc thực hiện ICPF ở các nước thu nhập cao như Mỹ để bù đắp hoàn toàn tác động tiêu cực của GDP ở những quốc gia hoặc khu vực có thu nhập thấp như châu Phi cận Sahara. Giảm GDP từ việc định giá carbon ước tính phần lớn được đối trọng bởi việc tránh những chi phí liên quan đến nhiệt độ tăng. Mức độ hợp tác toàn cầu (giữa các khu vực và các cấp độ kinh tế) để đạt được mục tiêu định giá carbon này sẽ khá khó khăn, nó đòi hỏi sự hỗ trợ và ủng hộ của các CEO và nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.

Điều kiện mở khóa thị trường carbon

Theo ước tính, Việt Nam cần đến 473 tỉ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu Net Zero đã cam kết. Vì vậy, doanh thu từ tín chỉ carbon sẽ mang tính thiết yếu cho quá trình phát triển bền vững và mục tiêu cho các dự án tài chính xanh. Việc gia nhập thị trường carbon làm tăng khả năng tương thích với thị trường trong khu vực và trên thế giới, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam, đồng thời cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn giữa Việt Nam và thế giới.

Tại cuộc họp “Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam” ngày 8/1/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng cần phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ông nhấn mạnh đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, đồng thời giúp tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán 51,5 triệu USD từ World Bank dựa trên kết quả giảm phát thải. Thành công này đưa Việt Nam đến gần hơn với thị trường tín chỉ carbon, thực hiện những cam kết về khí hậu mà Việt Nam đã đưa ra, bao gồm cả mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Chênh lệch giá và đơn vị tiền tệ giữa các thị trường khác nhau cũng là một trong những thách thức nên được giải quyết bằng việc đưa ra một thị trường carbon nội địa. Giá tín chỉ carbon do môi trường kinh tế và pháp lý quanh nó quy định, do đó không thể so sánh giá tín chỉ carbon giữa các khu vực pháp lý khác nhau. Xét trên khía cạnh hợp tác quốc tế, EU đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), áp thuế carbon với một số sản phẩm nhập khẩu bên ngoài khối khiến nhiều người quan tâm đến sự khác biệt về giá bán tín chỉ carbon chênh lệch với châu Âu. Giá carbon của thị trường ETS Trung Quốc hiện dao động ở mức 8 USD/tấn, trong khi giá ở EU cao hơn 10 lần, vào khoảng 110 USD/tấn. Ở thị trường carbon nội địa, giá bán sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của nước đó.

Xét đến thị trường Việt Nam, khi tạo ra một thị trường trong nước, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận dễ dàng với cùng một đơn vị tiền, ít tốn kém hơn. Chuyển động xung quanh thị trường carbon giúp doanh nghiệp có thể trao đổi và tăng doanh thu nhằm tái đầu tư vào công nghệ xanh.

Ngoài ra, việc hình thành thị trường carbon nội địa cũng cần chú ý đến một số vấn đề. Cụ thể, việc thiếu các nguyên tắc thống nhất và được chấp nhận rộng rãi trong việc tính toán trợ cấp carbon có nghĩa là công ty phải lựa chọn từ rất nhiều khả năng khác nhau, không có định hướng rõ ràng về các lựa chọn tốt nhất hoặc khả năng so sánh, đối chuẩn với các doanh nghiệp khác trong thị trường. Những quyết định đầu tư, giao dịch và hoạt động có thể bị trì hoãn hoặc bị cản trở do thiếu cách xử lý kế toán rõ ràng.

Đáng lưu ý, nếu không có sự cân nhắc thích đáng, việc đưa ra những yêu cầu báo cáo mới để tạo điều kiện điều chỉnh lượng carbon ở biên giới (hoặc các biện pháp bắt buộc phải báo cáo hoặc chứng nhận khác) có thể làm tăng chi phí hành chính và giao dịch. Điều này có thể vô tình hạn chế sự tham gia vào thị trường toàn cầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc kém phức tạp hơn. Rủi ro này có thể được giảm thiểu bằng cách tinh giản và hài hòa những yêu cầu báo cáo, giúp giảm thiểu chi phí và tránh áp đặt các rào cản thương mại ngoài ý muốn.

Thị trường carbon quốc gia có thể đối mặt với thách thức lớn là độ tin cậy của dữ liệu. Soi chiếu theo thị trường Trung Quốc, thách thức về quản lý dữ liệu là lý do khiến thị trường carbon chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác, theo Caijing, một tạp chí tài chính ở Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp trở ngại đáng kể trong việc hình thành và kinh doanh tín chỉ carbon. Thách thức lớn nhất là việc xác minh sự hình thành tín chỉ carbon. Sau khi nộp đơn đăng ký theo cơ chế giao dịch tín chỉ carbon, doanh nghiệp sẽ cần bên thứ 3 xác minh. Tuy nhiên, chi phí xác minh các khoản tín chỉ carbon này không hề rẻ và khó khăn về phương pháp luận. Những hạn chế về mặt kỹ thuật dẫn đến số lượng tín chỉ carbon được hình thành ở Việt Nam rất thấp, đặc biệt đối với các dự án liên quan đến tín chỉ carbon rừng. Việc chấp nhận đầu tư và bỏ ra một khoản vốn lớn cũng khiến nhiều doanh nghiệp e dè.

Nhìn chung, bất kỳ thay đổi nào trong giá carbon đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến hồ sơ chi phí của nhà sản xuất và vị thế cạnh tranh của họ. Thực vậy, một mô hình của PwC ước tính rằng riêng việc triển khai đầy đủ CBAM sẽ làm tăng chi phí carbon cho nhiều hàng hóa từ 5 lần trở lên. Theo đó, PwC đã chỉ ra 4 thực tiễn có thể giúp các lãnh đạo doanh nghiệp chuẩn bị cho sự chuyển động dự kiến trong chi phí carbon để mở khóa sàn giao dịch carbon.

Đối chuẩn lượng phát thải và rủi ro bị đánh thuế tương ứng. Thu thập thông tin về lượng khí thải carbon trong quy trình sản xuất của công ty, từ lượng khí thải tại chỗ đến chuỗi cung ứng nguồn. Sau đó, xác định giá carbon áp dụng như thế nào đối với những phát thải đó, chú ý đến giá cả thay đổi như thế nào theo ngành và theo loại phát thải.

Biến mọi thứ thành cơ hội. Doanh nghiệp có thể được tài trợ một phần đáng kể các khoản đầu tư năng lượng sạch bằng các khoản tài trợ, những khoản vay chi phí thấp và các hình thức hỗ trợ khác của chính phủ. Ngoài ra, hầu hết các hệ thống giao dịch khí thải cho phép doanh nghiệp giảm lượng khí thải của họ tạo ra những khoản tín dụng carbon có thể được bán, mở ra một con đường mới để tạo ra giá trị.

Lên kế hoạch trước để tránh những cú sốc về giá. Bằng cách kiểm tra chi phí carbon của công ty theo những kịch bản giá trong tương lai và các chế độ quản lý mới, doanh nghiệp có thể xác định những cơ hội để giảm chi phí carbon và tránh rủi ro định giá trong tương lai.

Thu hút các nhà đầu tư. Một số ngân hàng và công ty cổ phần tư nhân đã đánh giá rủi ro định giá carbon mà người vay và các công ty danh mục đầu tư phải đối mặt. Các nhà điều hành nên tham gia với nhà đầu tư, người cho vay, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác để giải thích cách công ty quản lý việc tiếp xúc với giá carbon và nêu bật những nỗ lực để giảm bớt sự tiếp xúc đó.