Cao Bằng hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất Toàn cầu – Bài 2

BÀI 2: NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Qua hơn 6 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC, làm “đòn bẩy” cho Cao Bằng phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bài 1: Non nước Cao Bằng hành trình mới phát triển Công viên địa chất Toàn cầu

PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn, thành viên Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO, trên 4 tuyến trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng có nhiều giá trị trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm, như: các điểm di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước… tạo thành cảnh quan đẹp nổi tiếng như cúc đá tay cuộn Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn (Trùng Khánh)… và sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vì vậy 4 tuyến trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng rất độc đáo, đặc sắc chưa nơi nào ở trên thế giới có được.

Đây là lợi thế để Cao Bằng xây dựng, khai thác những sản phẩm du lịch mới đặc trưng riêng có theo hướng bền vững, thúc đẩy giải quyết vấn đề toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.

UBND tỉnh, sở, ngành, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục đầu tư 4 tuyến trải nghiệm CVĐC về hạ tầng cơ sở, xây dựng các bãi đỗ xe, đường, các điểm dừng chân ngắm cảnh, lắp đặt hệ thống pano, biển báo, biển thuyết minh di sản… đã nối gần di sản CVĐC dãy núi đá Karst hùng vĩ Lục Khu (Hà Quảng) sang Quảng Hòa – Trùng Khánh – Hạ Lang… để khách chụp ảnh, ngắm cảnh checkin bãi đá cổ san hô Lang Môn (Nguyên Bình), cúc đá tay cuộn Kéo Yên (Hà Quảng), cầu gối bazan đèo Mã Phục (Quảng Hòa)… Tăng cường quảng bá CVĐC qua clip, phim tài liệu, phát hành tờ rơi, cuốn Guidebook về các tuyến du lịch CVĐC bằng 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Trung; phối hợp với Tạp chí Heritage của VietnamAirlines và các hãng thông tấn, báo chí tuyên truyền về CVĐC Non nước Cao Bằng…

Hướng dẫn, tập huấn cho người dân vùng di sản CVĐC làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) homestay gắn với làng nghề truyền thống, sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc hữu với các sản phẩm OCOP. Các huyện quan tâm phục dựng nhiều lễ hội văn hóa các DTTS, động viên nghệ nhân sưu tầm dân ca dân vũ cổ, xây dựng đội văn nghệ xóm, bản phục vụ phát triển du lịch… Từ đó có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế mới cho bà con DTTS giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết: Huyện có trên 20 điểm di sản CVĐC, nổi bật là thác Bản Giốc. Để thu hút khách dừng chân lâu hơn, huyện tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc và 10 lễ hội khác với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc Tày, Nùng, thi ẩm thực giới thiệu sản phẩm OCOP là hạt dẻ, gạo nếp Ong, vịt cỏ, thạch trắng mác púp… Khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, nâng cấp dịch vụ du lịch. Đến nay, huyện có điểm DLCĐ làng đá Khuổi ky, 22 dịch vụ lưu trú homestay, 22 khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, thành lập 67 câu lạc bộ dân ca, 7 đội văn nghệ quần chúng… phục vụ du lịch.

Đồng bào các dân tộc trong vùng công viên địa chất luôn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch CVĐC được các huyện, Thành phố và nhân dân hưởng ứng, tổ chức lễ hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, liên hoan hát Then – đàn tính; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Lễ mừng cơm mới, Lễ hội thác Bản Giốc, Lễ hội Pác Bó… tạo ra những không gian văn hóa giàu bản sắc các DTTS… thu hút hàng nghìn lượt du khách đến trải nghiệm lễ hội, thưởng thức ẩm thực độc đáo, mua sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Hoàng Thị Hiếu chia sẻ: Từ bảo tồn, phát huy giá trị di sản CVĐC, huyện có thêm sản phẩm du lịch Lễ hội tranh đầu pháo, Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội Thanh Minh với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút hàng nghìn du khách các nơi đến dự. Các làng nghề truyền thống dịch chuyển sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình sản xuất nông nghiệp du lịch, như: làm hương, giấy dó, làm ngói máng, đan lát mây tre… kết hợp với làm DLCĐ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, di sản CVĐC; kết hợp mô hình xây dựng nông thôn mới và chương trình xây dựng làng văn hóa – du lịch. Cùng phát triển du lịch CVĐC tạo sinh kế mới, bà con Tày, Nùng vừa giữ được bản sắc vừa thúc đẩy phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống.

Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng và các huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho tuyên truyền viên cơ sở, đối tác CVĐC, học sinh và nhân dân những kiến thức về di sản CVĐC, di sản văn hóa, đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị văn hóa DTTS… nên nhân dân tích cực bảo vệ các giá trị di sản CVĐC, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, chung tay xây dựng CVĐC

NHIỀU SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC SẮC, RIÊNG CÓ

Với sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành và nhân dân trong phát huy các giá trị di sản, CVĐC Non nước Cao Bằng đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có.

Theo Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Vi Trần Thùy, khi mới thành lập CVĐC chỉ có 3 tuyến trải nghiệm, sản phẩm du lịch còn khiêm tốn, đến nay có thêm tuyến trải nghiệm thứ 4 và đang xây dựng tuyến thứ 5 kết nối  với CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Hiện nay, CVĐC Non nước Cao Bằng có trên 10 sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với trải nghiệm CVĐC gồm: du lịch thắng cảnh, du lịch đỏ, DLCĐ, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch sự kiện, du lịch biên giới… đã thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là người nước ngoài đến trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng.

Bà Jitka Hertig, du khách người Thụy Sỹ chia sẻ: Mỗi tuyến trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng có sự cuốn hút riêng. Tuyến hướng Tây “khám phá Phja Oắc – Vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình, tôi được đi trong rừng trúc xanh ngút ngàn, ngắm những cô gái dân tộc Dao Tiền thêu sáp ong. Tuyến trải nghiệm hướng Nam “Một thời hoa lửa”, tôi đã leo những ngọn núi đá cao hùng vĩ với tới mây trời để xem nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy mặt trận… Tôi sẽ trở lại Cao Bằng để khám phá những tuyến CVĐC khác tìm hiểu lễ hội truyền thống…

Trải nghiệm tuyến du lịch phía Tây để khám phá vùng núi của những đổi thay Phja Oắc – Phja Đén (Nguyên Bình).

Phát triển DLCĐ gắn với làng nghề, sản phẩm OCOP, văn hóa bản địa và bảo vệ các giá trị di sản CVĐC là hướng đi mà Cao Bằng triển khai hiệu quả đã cải thiện sinh kế cho đồng bào các DTTS và thu hút người dân bảo tồn di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường… đưa du lịch Cao Bằng phát triển theo hướng bền vững. Tiêu biểu, bà con dân tộc Nùng An tại điểm DLCĐ làng hương thơm Phja Thắp, điểm DLCĐ Pác Rằng; xã Phúc Sen (Quảng Hòa); dân tộc Tày, Nùng tại điểm DLCĐ Lũng Niếc, Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); dân tộc Dao Tiền tại điểm DLCĐ xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình)…

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Lương Văn Huấn cho biết: Bà con dân tộc Nùng An trong làng nghề rèn nông cụ, làm hương thơm và giấy dó từ tham gia làm đối tác CVĐC nên vừa có cơ hội được tập huấn, nâng cao chất lượng sản phầm làng nghề và giới thiệu sản phẩm đến với bạn bè trong nước và quốc tế vừa nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị di sản CVĐC, môi trường sinh thái. Bà con mạnh dạn đầu tư DLCĐ homestay đón khách nước ngoài, doanh thu từ bán sản phẩm nghề truyền thống đạt trên 10 tỷ đồng/năm, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên hộ khá.

Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng đang từng bước xây dựng thương hiệu riêng CVĐC để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách, như: du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP… Hiện nay, để khai thác tối đa “sức hấp dẫn” của 112 nghề thủ công truyền thống, có 21 làng (xóm) với 10 nghề truyền thống của đồng bào DTTS đang hoạt động trong tỉnh, các địa phương tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm CVĐC như: ngói máng, hương thắp, thạch đen, chanh dây, lê Nguyên Bình, rượu mía, sổ lưu niệm bằng giấy bản… sẽ tiếp tục mở ra nhiều sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế mới cho người dân trong vùng CVĐC.

Mỗi DTTS nơi đây với bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo riêng đã đem lại cho CVĐC Non nước Cao Bằng giá trị tự thân hiếm thấy, một diện mạo văn hóa đặc sắc của vùng Đông Bắc. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc trưng của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đang trở thành “nguồn tài nguyên” phát triển du lịch với sản phẩm đặc trưng riêng có, đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển theo hướng bền vững, bắt nhịp với xu thế chung toàn cầu, đưa tỉnh tham gia sâu rộng hội nhập quốc tế.

Bài 3: Uy tín lớn với bạn bè quốc tế