Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi dành nguồn lực tài chính cho công nghệ xử lý không khí sạch để giải quyết 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh là ô nhiễm, khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Ngày 21/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư vào không khí sạch để cứu sống được nhiều người và chống biến đổi khí hậu.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế không khí sạch vì bầu trời xanh được tổ chức vào ngày 7/9 hằng năm, người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết: “99% nhân loại hít thở không khí ô nhiễm, dẫn đến ước tính 8 triệu ca tử vong sớm, trong đó có hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi”.
Ông Guterres cảnh báo rằng tình trạng ô nhiễm cũng đang bóp nghẹt các nền kinh tế và làm trái đất nóng lên, “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời cho rằng tình trạng ô nhiễm đang làm ảnh hưởng đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người già.
Ông Guterres chỉ rõ: “Tuy nhiên, ô nhiễm là kẻ giết người thầm lặng có thể ngăn chặn được.”
Ông Guterres lưu ý những hành động mà cả chính phủ và doanh nghiệp nên thực hiện là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, tăng cường giám sát chất lượng không khí, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng không khí, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi sang nấu ăn sạch, xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững và phát triển giao thông bền vững, làm sạch chuỗi cung ứng và giảm lượng khí thải độc hại.
Ông nêu rõ: “Việc định giá carbon cũng rất quan trọng.”
Ngoài ra, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi các tổ chức phát triển, định chế tài chính nên dành nguồn lực tài chính cho công nghệ xử lý không khí sạch để giải quyết 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh là ô nhiễm, khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Ông cho biết: “Trên hết, chúng ta phải làm việc cùng nhau ở cấp độ khu vực và toàn cầu.”
Ông Guterres nhấn mạnh: “Đầu tư vào không khí sạch sẽ cứu được nhiều mạng sống, chống biến đổi khí hậu, củng cố nền kinh tế, xây dựng xã hội công bằng hơn và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững”.