Lời giải cho đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là lời giải cho hệ sinh thái bền vững, trong đó có sự tồn tại và phát triển của con người.

Gà lôi lam mào trắng là loài chim trĩ đặc hữu của miền Trung Việt Nam thường phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, loài gà lôi này được báo động tuyệt chủng ở một số khu vực và sự biến mất rất lâu trong tự nhiên khiến cộng đồng bảo tồn lo lắng. Năm 2012, Gà lôi lam mào trắng được nâng cấp lên mức rất nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên). Mới đây, Hội Trĩ Thế giới tài trợ khoảng 600 triệu đồng cho dự án “Hỗ trợ bảo tồn Gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam” nhằm góp phần bảo tồn loài này tại Việt Nam thông qua việc xây dựng chuồng, nhân nuôi bảo tồn.

Diện tích rừng bị chia cắt và suy giảm chất lượng do sự lấn chiếm để canh tác nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá. Ảnh: shutterstock.com.

Vai trò của quỹ bảo tồn

Đây cũng là lý do Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (Conservation Vietnam) vừa vinh danh và tài trợ cho dự án cùng với 3 dự án bảo tồn khác. Bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai, Phó Giám đốc Conservation Vietnam, đã có chuyến công tác đến Quảng Bình để đại diện nhà tài trợ trong Hội thảo khởi động dự án bảo tồn loài gà có tên khoa học là Lophura Edwardsi đang cực kỳ nguy cấp. “Mong ước của chúng tôi là một ngày nào đó sẽ nhìn thấy lại Gà lôi lam mào trắng trong rừng tự nhiên”, bà Mai nói.

Cùng với dự án này, Conservation Vietnam đã bắt tay triển khai được 4 dự án bảo tồn loài và hệ sinh thái cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cho 10 tổ chức và doanh nghiệp xã hội đang thực hiện các dự án bảo tồn đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bà Mai khẳng định đội ngũ của Quỹ Bảo tồn đã tiếp cận, kêu gọi nguồn tài trợ từ các định chế tài chính và thành công huy động được nguồn tài trợ lên đến 15,6 tỉ đồng cho định hướng chiến lược 2023-2025. “Việc đầu tư vào công tác bảo tồn cần được thực hiện từ trung đến dài hạn để có thể tìm ra được giải pháp cho các loài và hệ sinh thái nhằm bảo vệ sự sống của con người trong tương lai”, bà nói tiếp.

Những hoạt động như Conservation Vietnam góp phần vào mục tiêu đa dạng sinh học mà Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế trong nhiều năm qua. Năm nay, Liên Hiệp Quốc đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 là “Be Part of the Plan” (Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học) nhằm kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia, đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), hướng tới ngăn chặn, giảm bớt sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái” (2021-2030).

Bảo tồn song hành cùng phát triển kinh tế

Kinh tế tuyến tính với đặc tính “khai thác – sản xuất – thải loại” đã dẫn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên vượt quá giới hạn bền vững của hành tinh. Việc tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tuyến tính chắc chắn sẽ đánh mất các cơ hội kinh tế tiềm năng khi đe dọa sự bền vững của trái đất.

Vì vậy, thông điệp về đa dạng sinh học ngày càng cấp bách không chỉ trong cộng đồng khoa học, mà còn lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác như y tế, xã hội, kinh tế… Kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại học Notre Dame (Mỹ) đăng trên Tạp chí Nature tháng 5/2024 cho thấy, mất đa dạng sinh học là nguyên nhân môi trường lớn nhất gây ra các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm và lan rộng hơn. Vì vậy, việc giảm khí thải và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và các loài xâm lấn có thể giúp kiểm soát bệnh tật.

“Ai đó sẽ hỏi vì sao bảo vệ loài liên quan đến bảo tồn nguồn nước và hấp thụ khí phát thải nhà kính. Lấy ví dụ linh trưởng là nhóm sinh vật quan trọng trong việc phát tán hạt trong rừng nhằm bảo đảm các loài thực vật tồn tại và phát triển, qua đó hệ sinh thái rừng được phát triển. Các nhà khoa học phát hiện rằng, khỉ Saki có thể ăn đến 50 loài quả một ngày và khả năng phát tán hạt xa nhất là 1,3 km”, Tiến sĩ Hà Thăng Long, Giám đốc Conservation Vietnam, giải thích. “Chúng ta hiểu rằng mọi hoạt động phát triển kinh tế ở Việt Nam đều trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, bảo tồn thiên nhiên chính là bảo đảm nền tảng, cơ sở cho phát triển kinh tế lâu dài và bền vững”.

Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Ảnh: shutterstock.com

Mục tiêu chủ yếu của phát triển tăng trưởng xanh 2021-2030 của Việt Nam là tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo 15-20%. Rừng che phủ 42%. Diện tích biển cần bảo tồn đạt từ 3-5% diện tích biển Việt Nam. “Có thể thấy phát triển bảo vệ môi trường thành ngành kinh tế mới thông qua phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi môi trường”, Tiến sĩ Hà Thăng Long cho biết.

Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, nhưng cũng là một trong những quốc gia có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng. Theo ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ tại Việt Nam, nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học ở Việt Nam là nạn săn bắn, tiếp theo là sự mất mát và suy thoái của sinh cảnh.

Diện tích rừng bị chia cắt và suy giảm chất lượng do sự lấn chiếm để canh tác nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá. Mất tính kết nối giữa các khu vực rừng tự nhiên cũng là yếu tố chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học nếu các loài không thể di chuyển giữa các khu vực rừng. Biến đổi khí hậu có thể sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai gần.

Trong cuộc chiến với nạn bẫy bắt động vật, những năm qua, đội ngũ WildAct (Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam) phối hợp với đối tác địa phương tập trung triển khai những dự án bảo tồn loài và sinh cảnh tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin – một trong những vùng có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Đến nay, tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng kết hợp cùng với đội ngũ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại vườn quốc gia đã thực hiện tuần tra 270 km đường rừng, phát hiện và vô hiệu hóa 1.596 bẫy thú và 50 lán trại của thợ săn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, nhà sáng lập, Giám đốc WildAct, cho biết công tác bảo tồn ở Việt Nam hiện nhận được sự ủng hộ cao hơn từ phía Chính phủ cũng như người dân về các hoạt động và dự án bảo tồn. Tuy nhiên, ngành bảo tồn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm để công tác trong ngành, điều kiện làm việc của nhiều người công tác trong ngành, như lực lượng kiểm lâm, còn rất thiếu thốn.

“Tương lai của bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam không còn đơn thuần chỉ là bảo vệ mà phải có giải pháp phục hồi hoặc tái hoang dã đa dạng sinh học, khôi phục môi trường sống tự nhiên và quần thể động vật hoang dã”, ông Nick Cox cho biết. “Đây là thời điểm vàng để bắt đầu một chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời duy trì và tăng cường các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là giảm nạn bẫy bắt động vật”, ông nói thêm.