Gia Lai: 9.992,77 ha rừng bị phá, Thanh tra Chính phủ yêu cầu khôi phục điều tra

UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu VKSND tỉnh chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan điều tra 71 vụ khai thác, phá rừng vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã ký ban hành Công văn số 1933/UBND-NC ngày 14/8/2024 về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận số 263/KL-TTCP ngày 19/7/2024 của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Tại Điều 3 Công văn này, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị VSKND tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện nội dung kiến nghị tại Tiểu mục 3.12, khoản 3, mục II, phần C, Kết luận số 263/KL-TTCP.

Tình trạng khai thác, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp.

Tiểu mục 3.12 nêu rõ: đề nghị VKSND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với 71/165 vụ việc khai thác, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai mà cơ quan kiểm lâm đã khởi tố chuyển cơ quan điều tra và 2 vụ đã được Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận có vi phạm (Kết luận thanh tra số 07/KL-TTr ngày 1/8/2016 về công tác quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai và Kết luận thanh tra số 03/KL-UBND ngày 15/8/2017 về thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ) chuyển cơ quan điều tra nhưng cơ quan Công an tỉnh Gia Lai đã tạm đình chỉ hoặc xử lý hành chính.

Tại Thông báo kết luận thanh tra số 1570/TB-TTCP ngày 25/7/2024 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: diện tích rừng tự nhiên của Gia Lai năm 2017 giảm nhiều so với kiểm kê rừng năm 2014 (giảm 12.030,08 ha), việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2017 có nhiều sai sót, thiếu chính xác, lỏng lẻo trong quản lý, việc đưa ra, đưa vào quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích 139.625,71 ha còn thiếu căn cứ.

UBND tỉnh chưa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chưa lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, chưa công bố quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, không ban hành khung giá rừng từ năm 2020 trở về trước là không đúng quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

Tình trạng khai thác, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, và diện tích rừng bị phá là 9.992,77 ha, nhưng còn 71/165 vụ việc tạm đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính, cần phải được giám sát công tác điều tra, truy tố để tránh bỏ lọt tội phạm.

Đối với 2 vụ việc đã có kết luận của thanh tra tỉnh Gia Lai: thứ nhất là công tác quản lý, sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai tại Kết luận số 07/KL-TTr; thứ hai là Kết luận số 03/KL-TTr về thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ. Đây là 2 vụ việc gây bức xúc dư luận về những sai phạm trong quản lý đất đai, thu tiền trái quy định… gây thất thoát, lãng phí tiền của và đất đai của Nhà nước và tổ chức, cá nhân.

Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ đã bỏ ngoài sổ sách nhiều diện tích đất để cấp cho người dân.

Theo kết luận thanh tra tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ đã để 52 hộ gia đình hợp lý hóa đất sử dụng Của công ty qua nhiều năm: từ năm 2007 đến 2012, UBND huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 19 hộ trên phần đất của Công ty sai quy định.

Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ còn bỏ ngoài sổ sách gần 18 ha đất được Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Sau khi có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, Công ty còn tiếp tục sang nhượng, ký hợp đồng giao khoán mới trái quy định; miễn giảm tiền thuê đất trái quy định cho các hộ nhận khoán, làm thiệt hại nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước trên 800 triệu đồng.

Tương tự, Công ty Cà phê Chư Pah (Gia Lai) trước khi sáp nhập về Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai đã tự ý tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất (vườn cà phê) với diện tích 46,33 ha khi chưa được phép của UBND tỉnh Gia Lai.

Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai cũng buông lỏng quản lý đất đai, để người dân và cán bộ, nhân viên của công ty lấn chiếm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định…

Lợi dụng việc chuyển nhượng sai quy định, Công ty đã thu tiền từ năm 2008 đến 2016 của 372 trường hợp, với tổng số trên 4,3 tỷ đồng; không kê khai nộp thuế đất với số tiền gần 500 triệu đồng…

Hiện 2 công ty này đã thực hiện cổ phần hoá xong, giảm tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu về dưới 50%.