Hầu hết các kiến trúc sư đều muốn kiểm soát thiên nhiên nhưng Kiến trúc sư người Trung Quốc Kongjian Yu lại muốn phát triến ý tưởng thiên nhiên đóng vai trò kiểm soát.
Theo hãng CNN, những cơn bão dữ dội đang gia tăng và các thành phố trên khắp thế giới đang gặp khó khăn ứng phó với lũ lụt. Thay vì sử dụng các giải pháp kỹ thuật bê tông công nghệ cao để đối phó với những thay đổi thất thường của cuộc khủng hoảng khí hậu, Kongjian Yu – Kiến trúc sư cảnh quan và nhà quy hoạch đô thị người Trung Quốc lại lấy thiên nhiên làm trung tâm để phát triển ý tưởng sáng tạo ngăn lũ.
Trong hơn một thập kỷ, ông Yu và công ty Turenscape đã thiết kế các “thành phố bọt biển” dựa vào thiên nhiên nhằm mục đích hấp thụ và giữ lại nước mưa trước khi thải trở lại môi trường. Với nhiều hình thức và quy mô khác nhau, các dự án này đã tạo ra khu công viên mới, phục hồi đất ngập nước.
“Những giải pháp như bê tông hoặc đường ống dẫn nước ra khỏi các khu vực bị ngập lụt được cho là tốn kém, thiếu tính linh hoạt và đòi hỏi phải bảo trì liên tục”, ông Yu cho biết.
Theo ông Yu, những giải pháp này cũng có thể khiến khu vực bị ảnh hưởng trở nên “nhạy cảm hoặc dễ bị tổn thương” hơn trước lũ lụt. Giống như lưu lượng máu giảm sẽ gây ra các cơn đau tim ở con người, tình trạng tắc nghẽn và tràn nước trong hệ thống thoát nước đô thị có thể gây ra những tác động dây chuyền tàn khốc.
“Nếu chúng ta xây dựng bức tường chắn lũ cao hơn và chắc chắn hơn thì có thể bảo vệ một thành phố khỏi lũ lụt. Tuy nhiên, nếu mọi người nghĩ có thể kiểm soát được nước thì đó là một sai lầm”, Kiến trúc sư Yu nói thêm.
Thay vào đó, chúng ta có thể tạo ra những khu vực có đất xốp để giúp cây trồng ở địa phương phát triển mạnh mà không cần hoặc ít cần chăm sóc. Nếu trời mưa, đất và cây trồng sẽ thấm nước và ngăn một phần (hoặc thậm chí toàn bộ) nước khỏi ngập lụt các khu vực lân cận. Bất kỳ lượng nước dư thừa nào không được hấp thụ ít nhất cũng sẽ bị thảm thực vật làm chậm lại.
Công ty Turenscape đã lập kế hoạch và thiết kế hơn 10.000 dự án như vậy tại hơn 250 thành phố trên toàn cầu và hoàn thành hơn 1.000 dự án. Nhiều dự án nằm ở Trung Quốc đại lục, trong đó hơn 70 thành phố đã triển khai các sáng kiến thành phố bọt biển (không phải tất cả đều do Turenscape thực hiện, vì một số chính quyền địa phương đã sử dụng các công ty khác) kể từ khi ý tưởng này vào được phê chuẩn trong chính sách quy hoạch đô thị quốc gia vào năm 2015.
“Thành phố bọt biển”
Lũ lụt là một vấn đề ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, 641 trong số 654 thành phố lớn của Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng ngập lụt thường xuyên. Điều này một phần là do sự phát triển đô thị nhanh chóng, tạo ra tình trạng đô thị hóa bao bọc các vùng đồng bằng ngập lụt trong bê tông không thấm nước.
Ông Yu muốn các thành phố tránh xa các giải pháp cơ sở hạ tầng lớn thường được công ty xây dựng ưa chuộng và hướng tới các giải pháp thay thế quy mô nhỏ hơn với chi phí rẻ hơn. Chẳng hạn như chương trình thành phố bọt biển ở Vũ Hán có chi phí thấp hơn 4 tỷ nhân dân tệ (550 triệu đô la) so với phương pháp tiếp cận dựa trên bê tông, theo tóm tắt chính sách của Đại học Leeds của Anh.
Một thành phố bọt biển thành công cần tính đến vị trí, xem xét các yếu tố như địa hình, kiểu mưa và các loại cây có thể phát triển mạnh ở đó, cũng như nhu cầu của cộng đồng. Đó là một phương pháp tiếp cận toàn diện và phù hợp, thay vì một phương pháp áp dụng cho tất cả.
Khái niệm “Sponge cities” (thành phố bọt biển), một biện pháp nhằm giải quyết và ngăn chặn lũ lụt đô thị khi mực nước ngày càng tăng do ông Yu tạo ra cũng được cộng đồng kiến trúc sư quốc tế đánh giá cao.
Bức tường ngăn lũ được định hình lại bằng các luống trồng cây theo bậc thang, trong khi các ao và đê của trang trại nuôi cá được chuyển thành môi trường sống của rừng ngập mặn. Không gian xanh xốp ở đất liền giúp làm chậm dòng chảy của nước và hấp thụ nước dâng do bão. Theo công ty Turenscape, nơi này đã chịu được một số cơn bão nhiệt đới trong hai năm qua.
Nghiên cứu do ông Yu và công ty của ông thực hiện đã ước tính rằng nếu dành 20% đến 30% đất của một thành phố cho các dự án bọt biển thì thành phố đó sẽ gần như an toàn trước lũ lụt. Tất nhiên cũng sẽ tính đến khả năng các khu vực xung quanh cũng bị ngập lụt, thì các địa điểm này sẽ khó hấp thụ hết lượng nước dư thừa.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng của thành phố bọt biển sẽ gặp khó khăn khi lượng mưa vượt quá 200 mm (7,9 inch) một ngày. Chẳng hạn như Mai Châu ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã được phát triển là thành phố bọt biển nhưng lại trải qua một trong những trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong mùa hè sau những trận mưa lớn khiến một thị trấn hứng chịu lượng mưa 369,3 mm chỉ trong một ngày, theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times.
Faith Chan, Giáo sư khoa học địa lý tại Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc nhận định các chương trình thành phố bọt biển có thể giảm thiểu tác động của lượng mưa trung bình hoặc thậm chí lớn, nhưng chúng “không dành cho mưa cực lớn”.
Cơ sở hạ tầng bọt biển phải được bổ sung bằng “kỹ thuật cứng”, như đập và bờ kè, để giải quyết những trận mưa lớn nhất.
“Chúng ta cần cả hai biện pháp để cải thiện khả năng phục hồi của các thành phố trước những trận lũ lụt lớn. Chúng ta không thể chỉ dựa vào một biện pháp”, ông Faith Chan nhận định.
Hơn cả việc phòng chống lũ lụt
Ngoài việc giảm thiểu lũ lụt, các thành phố bọt biển có thể mang lại những lợi ích khác về môi trường. Ông Chan nhấn mạnh các công viên bọt biển có thể giúp giảm nhiệt độ đô thị và giải quyết tình trạng thiếu nước, cũng như cung cấp môi trường sinh thái lành mạnh cho cư dân.
“Chính phủ muốn khôi phục môi trường và cải thiện hệ sinh thái đô thị. Nhưng không chỉ vậy, họ cũng muốn thu thập nước mưa và sử dụng, vì nước rất khan hiếm ở thành phố”, ông Chan nói.
Công ty của ông Yu đã phát triển vượt ra ngoài Trung Quốc. Tại Bangkok, Turenscape đã biến nền bê tông của một nhà máy thuốc lá cũ thành vùng đất ngập nước nhân tạo với các đảo nhỏ. Vào năm 2022, Công viên Rừng Benjakitt không chỉ có thể hấp thụ khoảng 23 triệu gallon nước mưa từ các khu vực xung quanh trong mùa mưa mà còn trở thành điểm đến phổ biến cho cả khách du lịch và người dân địa phương.
Năm ngoái, Quỹ Cảnh quan Văn hóa (TCLF) đã trao Giải thưởng Oberlander trị giá 100.000 đô la để ghi nhận công trình tiên phong của Kiến trúc sư Yu.
“Ông Yu là một trong những người đầu tiên và công ty Turenscape cũng là một trong những đơn vị đầu tiên phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm khai thác yếu tố tự nhiên làm sạch nước, giảm thiểu lũ lụt, giảm nhiệt độ đô thị hoặc ổn định đất yếu”, bà Elizabeth Mossop, thành viên ban giám khảo và là hiệu trưởng Trường Thiết kế, Kiến trúc và Xây dựng của Đại học Công nghệ Sydney cho biết.
Các mối đe dọa và tác động của biến đổi khí hậu, cũng như trải nghiệm về sự bất ổn của khí hậu đang hoàn toàn đè nặng lên cuộc sống của người dân trên thế giới. Giống như Kiến trúc Yu, bà Elizabeth Mossop cho rằng ý tưởng về những thành phố bọt biển rất hay nhưng chưa đủ sức lan tỏa.
“Tôi nghĩ rằng nếu ý tưởng này có thể được áp dụng rộng rãi hơn thì chúng sẽ góp phần giải quyết các thách thức thiên tai hiện tại”, bà Elizabeth Mosso nói.