Thái Lan sẽ trở thành quốc gia thứ hai tại Đông Nam Á đánh thuế khí thải carbon, một động thái cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của xứ sở chùa vàng trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bước đi của Thái Lan và trước đó là Singapore được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cả khu vực ASEAN áp dụng các công nghệ sạch giúp hạn chế hiện tượng trái đất nóng lên.
Lộ trình thuế
Chính phủ Thái Lan đã công bố ý định thực hiện thuế carbon vào năm 2025 như một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Tổng giám đốc Cục Thuế Ekniti Nitithanprapas cho biết, việc thực hiện sẽ dựa trên các thông lệ tốt nhất trên thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế về thuế carbon. Sau khi thuế này có hiệu lực, Thái Lan sẽ là quốc gia ASEAN thứ hai sau Singapore áp dụng thuế carbon.
Singapore đã triển khai thuế carbon vào năm 2019 với mức thuế là 5 đô la Singapore (3,70 USD) cho mỗi tấn carbon dioxide tương đương (tCO2e) trong 5 năm đầu tiên và tăng lên 25 đô la Singapore/tCO2e trong năm nay. Mức thuế này có thể đạt 50 đến 80 đô la Singapore cho mỗi tấn vào năm 2030.
Ông Ekniti Nitithanprapas cho biết, Thái Lan sẽ học tập mô hình này với việc áp dụng mức thuế 200 baht (5,60 USD) cho mỗi tấn CO2e đối với các sản phẩm dầu mỏ như dầu diesel và xăng. Các loại thuế hiện hành đối với các sản phẩm dầu mỏ sẽ được chuyển thành thuế carbon, nghĩa là sẽ không thu thêm doanh thu nào và do đó, không có chi phí nào bị chuyển cho người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa là không cần phải thông qua luật mới.
Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt nhấn mạnh rằng thuế carbon sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để giảm phát thải carbon và thúc đẩy những biện pháp có trách nhiệm với môi trường. Để hỗ trợ điều này, chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích sử dụng xe điện (EV), với doanh số bán EV tăng đáng kể, lên tới 685% vào năm 2024. Bộ này cũng đang xem xét việc phân biệt mức thuế pin, với kế hoạch giảm mức thuế tái chế, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường và đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn.
Lợi ích trước mắt và lâu dài
Thuế carbon của Thái Lan ban đầu có thể không mang lại tác động đến lượng khí thải trong nước hoặc khu vực, nhưng sẽ gửi tín hiệu quan trọng đến các nhà sản xuất năng lượng và khu vực tư nhân rằng việc giảm lượng khí thải carbon là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Theo thời gian, chiến lược thuế carbon của Thái Lan có thể mang lại cho các ngành công nghiệp của nước này lợi thế cạnh tranh đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với các quốc gia vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch (85% năng lượng của Thái Lan đến từ dầu, khí đốt tự nhiên hoặc than đá), thì việc áp dụng thuế carbon là “điều hiển nhiên”, Tiến sĩ Vinod Thomas, nhà nghiên cứu cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS – Yusof Ishak và cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết.
“Người ta nghĩ rằng không khí là miễn phí nên mặc nhiên gây ô nhiễm mà không cần lo lắng. Khi phần lớn khí gây hiệu ứng nhà kính CO2 thải vào không khí, làm không khí nóng lên, thúc đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu, và đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lũ lụt và giông bão nghiêm trọng, kéo theo đó là các đợt nắng nóng, cháy rừng từng tàn phá ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, câu hỏi sẽ là, tại sao chúng ta không định giá không khí?”, ông nói. Giống như việc đánh thuế thuốc lá vậy. Khi giá thuốc lá tăng cao, mọi người có thể sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi hút thuốc”.
Thuế này sẽ là một phần của gói luật rộng hơn theo Đạo luật Chống biến đổi khí hậu của Thái Lan, dự kiến sẽ mất một đến ba năm để thực hiện và có thể bao gồm báo cáo phát thải bắt buộc, một quỹ biến đổi khí hậu chính thức và một chương trình giao dịch phát thải, trong đó các công ty có thể mua và bán tín chỉ carbon.
Theo một chương trình như vậy, chính phủ sẽ đặt ra mức trần hoặc lượng phát thải tối đa được phép và một công ty cố gắng giảm lượng phát thải xuống dưới mức trần đó có thể bán phần hạn ngạch thừa ra của mình cho một công ty gây ô nhiễm cao. “Điều đó sẽ cho phép các công ty đó có nhiều sự linh hoạt hơn… Họ có thể mua tín chỉ carbon hoặc họ có thể lắp đặt các công nghệ mới thay thế”, Phó Giáo sư Nattapong Puttanapong từ Khoa Kinh tế tại Đại học Thammasat cho biết.
Động lực đối với khu vực
Theo một chuyên gia, cùng với Singapore, bước đi của Thái Lan có thể là động lực thúc đẩy thêm nhiều nước láng giềng tham gia và đưa giá carbon lên một quy mô có thể tác động đến lượng khí thải của khu vực. Vào năm 2022, Indonesia dự kiến áp dụng loại thuế carbon nhưng đã hoãn việc thực hiện đến năm 2025 với lý do cần thời gian để bảo đảm chương trình này không xung đột với các luật và quy định hiện hành.
Hồi tháng 7, một bộ trưởng Malaysia cho biết nước này sẽ bắt đầu thiết lập thị trường carbon để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán tín chỉ carbon; đồng thời xem xét đánh thuế carbon khi đối tác thương mại của nước này là Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị khởi động Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào năm 2026. CBAM áp dụng giá phát thải carbon dưới hình thức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu để mang lại công bằng trong cạnh tranh, bảo đảm rằng hàng hóa do EU sản xuất phải chịu thuế carbon không bị thua thiệt so với hàng hóa nhập khẩu không áp dụng loại thuế này.
“Theo CBAM, thép và 5 mặt hàng khác được liệt kê trong danh sách sẽ bị EU đánh thuế, trừ khi Malaysia thu được thuế”, Thứ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Liew Chin Tong cho biết.
Đối với Thái Lan, nước này dự định sẽ đàm phán với EU về CBAM để bảo đảm hàng xuất khẩu của Thái Lan không bị đánh thuế hai lần – một khi thuế carbon có hiệu lực – và cho phép các sản phẩm của Thái Lan được quảng bá là thân thiện hơn với môi trường. Giá carbon, giao dịch và đánh thuế là những khía cạnh quan trọng của chương trình phi carbon hóa. Tiến sĩ Vinod Thomas cho biết, tác động thực sự của việc định giá carbon chỉ có thể được cảm nhận rõ khi thuế carbon được áp dụng ở quy mô khu vực.
Tiến sĩ Vinod Thomas cho rằng, ASEAN, theo truyền thống chưa có nhiều thành quả trong nỗ lực chung để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ngay cả các chiến lược chia sẻ và sản xuất điện xuyên biên giới cũng đang chậm lại trong những năm gần đây hoặc bị cản trở bởi quy định của từng quốc gia hoặc cơ sở hạ tầng. “Sự thành công của thuế carbon phụ thuộc vào tốc độ sử dụng phương thức sản xuất năng lượng thay thế. Nhưng một mình Thái Lan hay Singapore không thể tạo nên tác động. Điều đó phải mang tính liên khu vực”, Tiến sĩ Vinod Thomas nói.
“Việc áp dụng trên toàn ASEAN sẽ khiến điều này thực sự có ý nghĩa với một quy mô có thể tạo nên đột phá”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, cho đến khi nhiều quốc gia tham gia hơn, vẫn còn rủi ro kinh tế đối với các quốc gia thực hiện các bước đi lớn quá sớm hoặc đơn độc trong các khu vực hoặc ngành công nghiệp cạnh tranh. Chẳng hạn như việc áp đặt thêm thuế có thể khiến một số Chính phủ cảm thấy như họ đang nhường lợi thế cạnh tranh cho các nước láng giềng.
Tối đa hóa hiệu quả từ thuế
Phó Giáo sư Nattapong cho rằng, doanh thu từ thuế chảy vào đâu là một câu hỏi quan trọng, và chính phủ Thái Lan cần cân nhắc giữa những lợi nhuận ngắn hạn với những thay đổi có hệ thống dài hạn.
Bằng chứng cho thấy thuế carbon có thực sự hiệu quả hay không phụ thuộc vào quá trình này. Chính phủ sẽ sử dụng khoản thu từ thuế như thế nào? Theo các quy định hiện hành, dòng tiền từ thuế carbon được đưa vào thu ngân sách. Điều đó có thể được Bộ Biến đổi Khí hậu và Môi trường (DCCE) đàm phán lại, như một phần của quá trình xây dựng và triển khai Đạo luật Biến đổi Khí hậu, Phó Giáo sư Wongkot xác nhận.
“DCCE đang cố gắng xem liệu có thể thực hiện một số con đường tắt hoặc một số cách để khấu trừ doanh thu từ chính phủ và đưa vào quỹ biến đổi khí hậu sẽ được thành lập hay không. Nếu không, quỹ biến đổi khí hậu đó sẽ không có thẩm quyền hỗ trợ cho năng lượng tái tạo hoặc thậm chí là hoạt động lâm nghiệp ở Thái Lan”, Phó Giáo sư Nattapong nói.